"Sanfang Qixiang" (3 làn 7 ngõ) rộng 40 ha là khu vực lịch sử hình thành trong giai đoạn 266-420 dưới thời nhà Tần; nay thu hút đông đảo du khách nhờ sự hoà quyện giữa truyền thống và hiện đại. Ngoài 15 di sản văn hoá cấp quốc gia, khu vực này còn có ngôi nhà "100 món ăn" rất hút khách.
Tầng 2 ngôi nhà trưng bày một mâm cỗ dài hình chữ nhật bày hơn 100 món ăn làm từ đá Thọ Sơn (Agalmatolite) - một trong “tứ thạch phong ấn” truyền thống của Trung Quốc.
Trao đổi với phóng viên ngày 20/11, nghệ nhân Sun Zhaoyong (Tôn Bắc Dũng), người đã dành 20 năm tìm kiếm đá Thọ Sơn có màu sắc, hình dạng phù hợp và tạc thành các món ăn, cho biết: "Tìm được loại đá Thọ Sơn đúng màu món ăn định tạc rất mất thời gian vì màu phải hoàn toàn tự nhiên. Chứ chế tác thì quen tay cũng nhanh, một phần vì đá mềm".
Một món ăn đá quý thú vị mà ông Tôn dành nhiều tâm huyết tìm kiếm đá và chế tác là quả sầu riêng. "Vợ tôi rất thích sầu riêng nên khó mấy tôi cũng làm. Nhất vợ nhì giời mà", ông cười.
Tuy bộ tác phẩm đồ sộ giá trị cực cao của ông Tôn luôn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài Trung Quốc, nhưng ông vẫn thoáng nét buồn. "Chính quyền đã đưa đá Thọ Sơn vào diện bảo tồn, nên sắp tới hết nguyên liệu, có lẽ những người thợ đục như chúng tôi sẽ phải chuyển sang nghề tạc tượng gỗ", ông tâm sự.
Đá Thọ Sơn là đặc sản của huyện Tấn An, thành phố Phúc Châu, và là sản phẩm chỉ dẫn địa lý quốc gia của Trung Quốc.
Tác phẩm 13 tỷ đồng
Một số tác phẩm đục từ khối đá Thọ Sơn đang được rao bán hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng chục tỷ đồng. Những viên đá nhỏ cỡ đầu ngón tay được tạc đơn giản thành hình quả đào, hạt lạc, cá chép... thường có giá tương đương vài trăm nghìn đồng.
Tác phẩm này có giá bán tương đương 13 tỷ đồng. Ảnh: Linh Nhi. |
Hồng Dương, thành viên Hội Yêu đá quý (với 72.700 thành viên trên Facebook), cho biết: "Đá Shoushan (Thọ Sơn) về cơ bản là đá silicat nhôm Agalmatolite thuộc nhóm đá biến chất. Chất đá từ đục đến trong nhẹ, dai đủ để điêu khắc. Để dễ hình dung thì nó khá giống đá Serpentine thường thấy ở phía bắc Việt Nam".
Theo thành viên Hội Yêu đá quý, các tác phẩm từ đá Thọ Sơn thường giá cao do đá này có giá trị văn hoá cao (cả xưa và nay trong đánh giá của giới đá ngọc Trung Quốc), đặc biệt màu cam và đỏ giá cao hơn hẳn cùng một số yếu tố khác nữa như tác giả và thời gian làm ra tác phẩm.
Hình ảnh một số món ăn đá quý trông như thật trên bàn tiệc hơn 100 món được nghệ nhân Tôn Bắc Dũng chế tác trong 20 năm: