Thưởng Tết ngân hàng, chuyện đáng không "ầm ĩ"

Nhuệ Mẫn |

Ngân hàng ngoại chỉ có 1 tháng lương thứ 13, ngân hàng nội thì nhân viên rỉ tai nhau về phỏng đoán mức thưởng Tết.

Cách đây gần 2 tháng, thị trường đã ồn ào về chuyện thưởng Tết của Techcombank cao nhất lên đến 7 tháng lương. “Phát súng” hoành tráng khiến ngay cả nhân viên các ngân hàng “nhấp nhổm”, chứ chưa nói đến người ngoài.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo các ngân hàng cho biết, “mỗi cây, mỗi hoa; mỗi nhà, mỗi cảnh”. Có ngân hàng tập trung vào thưởng trong các dịp lễ, tết, nhưng có những ngân hàng chia phúc lợi cho nhân viên đều trong cả năm dưới nhiều hình thức.

Chế độ lương, thưởng, đãi ngộ sáng suốt, công bằng không những đem lại sự ổn định trong nội bộ mà còn giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.

“Như ngân hàng tôi, hoạt động kinh doanh tốt, sau khi trừ đi các chi phí sẽ có các hình thức thưởng khác nhau theo mức độ đóng góp của từng người. 

Sẽ có những trường hợp cả gia đình được đi nước ngoài; chế độ bảo hiểm cho cả gia đình tại bệnh viện lớn, có uy tín; thưởng thêm ngày phép…, chứ không dồn hết vào ngày Tết. Thực tế, trong dịp này, cán bộ, nhân viên toàn ngân hàng chỉ có được tháng lương thứ 13”, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần nói.

Những năm trước đây, nền kinh tế khó khăn, các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro lớn nên gần như không có lợi nhuận, toàn ngân hàng, cán bộ từ cao đến thấp đều phải “buộc bụng”.

Năm vừa qua, kinh tế “ấm” hơn, ngân hàng làm ăn được thì đương nhiên nhân viên có “đồng ra, đồng vào” là điều dễ hiểu.

Đó là câu chuyện của những ngân hàng cỡ lớn và trung, còn nhân viên đang làm tại các ngân hàng thuộc diện hoạt động khó khăn, tái cơ cấu hoặc kiểm soát đặc biệt thì “buồn như trấu cắn”.

Chủ tịch một ngân hàng thương mại cổ phần tâm sự: “Là ngân hàng tái cơ cấu, chúng tôi không chia cổ tức cho các cổ đông mấy năm qua, đồng thời không chia thưởng cho nhân viên. Thậm chí, lương cán bộ, nhân viên còn bị giảm tới 40%, chưa kể một số bộ phận sáp nhập và buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động. 

Là người đứng đầu ngân hàng, cá nhân tôi cũng thấy “buốt ruột” nhưng đành phải động viên cả cổ đông và nhân viên chia sẻ để hướng tới một tương lai xa hơn”.

Tuy nhiên, ngay cả trong những ngân hàng thuộc nhóm “đáy”, tình hình không giống nhau.

Như ngân hàng A, mặc dù trong năm 2016 chưa tổ chức được đại hội đồng cổ đông, kết quả kinh doanh mà theo như chính những người trong cuộc cho biết “nếu tính đúng” sẽ không có lợi nhuận, chứ đừng nói tới vài trăm tỷ đồng. 

Tuy nhiên, ngân hàng này cũng khá mạnh tay “chi” với lương “cứng” của tổng giám đốc 300 triệu đồng/tháng, phó tổng giám đốc phụ trách 250 triệu đồng/tháng, các phó tổng giám đốc khác là 200 triệu đồng/tháng. 

Thậm chí, ngân hàng vừa ra nghị quyết chi 70 tỷ đồng chia thưởng cho toàn bộ nhân viên trong dịp Tết Nguyên đán 2017 và chia gấp trước 35 tỷ đồng.

“Chưa bàn đến chuyện đúng-sai khi quyết định chi 70 tỷ đồng thưởng tết nếu nhìn lại kết luận của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng chi không đúng 31 tỷ đồng cho Hội đồng quản trị trong năm 2015 và đã được yêu cầu thu hồi lại số tiền này, nhân viên đang chờ đợi sự công bằng của lãnh đạo cao cấp trong việc chi sao cho đúng, tránh mất đoàn kết nội bộ”, một cán bộ ngân hàng cho hay.

Đó là chuyện của các ngân hàng trong nước. Nhân viên một ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam cho biết, cuối năm, theo thỏa thuận hợp đồng, nhân viên được hưởng tháng lương thứ 13. 

Còn việc thưởng sẽ được tiến hành khi kết thúc năm tài chính của ngân hàng mẹ và phải trên cơ sở ngân hàng có lợi nhuận tốt, khi đó mới chia, nhưng mức độ thưởng từng người dựa trên bảng xếp loại nhân viên.

Điều mà nhân viên tại ngân hàng ngoại này “hạnh phúc” là mấy tháng lương thưởng đó luôn được trả bằng tiền mặt, chứ không phải “lồng” cả cổ phiếu ngân hàng như nhiều ngân hàng nội.

Lãnh đạo một ngân hàng nước ngoài khác chia sẻ, trong năm 2015, kinh tế thế giới khó khăn, ngân hàng mẹ làm ăn sa sút. Để đảm bảo quyền lợi của cổ đông, Ban lãnh đạo đã quyết định cắt giảm nhân viên, tiết kiệm chi phí hoạt động… 

Nhưng tại ngân hàng này, cắt giảm nhân sự là các lãnh đạo cao cấp khi họ hết thời hạn hợp đồng, đồng nghĩa với việc chấm dứt hợp đồng lao động.

“Đó là chính sách nhân văn của ngân hàng bởi khi cho nghỉ việc những nhân viên cấp thấp sẽ đẩy cuộc sống của gia đình họ trở nên khó khăn, chỉ cần một lãnh đạo cao cấp nghỉ việc, mức lương của họ đủ để chi trả cho rất nhiều nhân viên này. 

Trong khi đó, vị lãnh đạo cao cấp có đủ năng lực để dễ dàng chuyển sang một doanh nghiệp khác với mức thu nhập có thể thời gian đầu là thấp hơn ở ngân hàng nhưng cũng không ít người thu nhập còn cao hơn trước. Do vậy, điều này tránh được sự bất ổn lớn trong nội bộ ngân hàng”, vị lãnh đạo cấp trung trên nói.

Các câu chuyện trên dù là của riêng hệ thống ngân hàng nhưng là mẫu số chung với mọi doanh nghiệp:chế độ lương, thưởng, đãi ngộ sáng suốt, công bằng không những đem lại sự ổn định trong nội bộ mà còn giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại