Thượng tá nổi tiếng ở Cầu Chương Dương: Sao phải sợ áp lực của chén rượu?!

Trương Thu Hường |

"Nếu có ai đó đánh đồng khái niệm một bạn nhậu tuyệt vời là một người làm việc hiệu quả thì tôi nghĩ cũng không có gì để nói thêm với họ" - cựu Thượng tá Lê Đức Đoàn chia sẻ.

Sau vụ tai nạn thảm khốc ở hầm Kim Liên (Hà Nội), người dân cả nước vẫn chưa hết bàng hoàng, phẫn nộ. Lê Trung Hiếu - người uống cạn 6 chai bia sau đó uống thêm rượu vẫn cố tình cầm lái chiếc Mercedes đã bị khởi tố, tạm giam sau khi đoạt tính mạng của 2 người phụ nữ là Đinh Thị Hải Yến và Trần Thị Quỳnh, để lại nỗi mất mát lớn cho người thân của họ. 

Tang lễ của 2 chị diễn ra trong nỗi xót xa của hàng nghìn người. Cộng đồng bạn học cùng lứa THPT 1991-1994 Hà Nội với hơn 10.000 thành viên đến từ mọi miền đất nước, làm đủ ngành nghề khác nhau đã đến viếng cùng với tấm áo in rõ dòng chữ: “Đã uống rượu bia, không lái xe!” để cảnh tỉnh tất cả mọi người.

Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với cựu Thượng tá Lê Đức Đoàn - "công dân Thủ đô ưu tú", người CSGT 40 năm làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự an toàn giao thông, và nổi tiếng với nhiều lần cứu người tự tử ở khu vực Cầu Chương Dương.

Bất cứ ai khi lái xe ra đường đều mong bình an

PV: Những ngày gần đây, dư luận đang bức xúc vì vụ việc tài xế uống rượu bia rồi gây tai nạn thương tâm ở hầm Kim Liên. Bàn về vấn đề này, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, ông Khuất Việt Hùng cho rằng: "Uống rượu và lái xe, một người tốt đã thành kẻ giết người". Ông nghĩ sao về quan điểm đó?

Cựu Thượng tá Lê Đức Đoàn: Tôi cho rằng, một công dân trưởng thành, không mang án tù bị giam giữ, có bằng lái xe thì họ đã có đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Vấn đề họ là người tốt hay xấu, chúng ta tạm thời không nên bàn tới, bởi đánh giá phẩm chất của một người cần dựa trên những tiêu chuẩn rõ ràng về mặt đạo đức.

Riêng việc người lái xe đó đã uống rượu bia nhưng vẫn cố tình tham gia giao thông thì đó lại là một chuyện khác. Đây là bài toán chúng ta phải đương đầu, không chỉ ngày một ngày hai, không chỉ sau một vài vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra gần đây mà thực tế, đã tồn tại từ rất lâu.

Theo tôi, công tác xử phạt, tuyên truyền hiện nay đang làm tốt. Rõ ràng, nhiều người dân đã ý thức được việc uống rượu bia rồi lái xe là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, một số người ý thức kém hoặc do quá chủ quan vẫn cố tình không chấp hành để rồi chính họ lại gây ra những tai nạn đáng tiếc.

Tóm lại, liên quan đến chuyện chúng ta đang bàn tới, tôi chỉ muốn đánh giá theo tiêu chuẩn công dân xem người đó có đủ điều kiện lái xe hay không cũng như vấn đề ý thức chấp hành luật giao thông của họ, chứ không muốn bàn tới chuyện người tốt hay xấu.

Thượng tá nổi tiếng ở Cầu Chương Dương: Sao phải sợ áp lực của chén rượu?! - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

PV: Vậy ông nghĩ sao về vế sau của ý kiến này: uống rượu bia, lái xe gây tai nạn thì cũng không khác gì kẻ giết người? Là một người đã có hơn 40 năm gắn bó với việc giữ gìn trật tự an toàn giao thông, ông có cho rằng đã đến lúc chúng ta cần tăng nặng chế tài xử phạt nhằm nâng cao tính trách nhiệm của người điều khiển phương tiện?

Cựu Thượng tá Lê Đức Đoàn: Thẳng thắn mà nói, bất cứ ai khi lái xe ra đường đều mong đi tới nơi, về tới chốn, không ai muốn mình gây ra những hậu quả đau lòng, khiến người khác thiệt mạng còn bản thân phải vào tù chịu khổ.

Câu chuyện uống rượu bia rồi gây tai nạn như vậy, xét về bản chất là do ý thức chấp hành luật pháp. Như tôi vừa nói, đây là bài toán trầm kha chúng ta đã và đang phải đối mặt.

Về vấn đề xử phạt mạnh tay hơn, tôi cho đó là điều nên làm bởi theo đúng luật, anh Hiếu dù khiến 2 người phụ nữ tử vong thì khung hình phạt cũng chỉ có 5 năm tù mà thôi. Tuy đây không phải hành vi cố ý giết người nhưng đã để lại hệ lụy rất đau lòng, để lại bức xúc lớn trong dư luận xã hội.

Dù vậy, cá nhân tôi cho rằng, chúng ta không nên đánh đồng người lái xe uống rượu bia vô tình gây tai nạn thành kẻ giết người. Việc gây tai nạn giao thông khiến nhiều người thiệt mạng là trọng án, nhưng nếu không phải do có chủ ý, thì bản chất vẫn rất khác với kẻ cố tình giết người vì mâu thuẫn, cướp bóc hoặc hãm hiếp... 

Trong chuyện này, chúng ta nên nhìn vào bản chất vấn đề, không nên hướng dư luận vào những chuyện phức tạp hơn.

Thượng tá nổi tiếng ở Cầu Chương Dương: Sao phải sợ áp lực của chén rượu?! - Ảnh 3.

Nhiều lần lái xe đưa người say rượu về tận nhà 

PV: Những ngày gần đây, thông điệp "Đã uống rượu bia, không lái xe" xuất hiện trên khắp các trang mạng xã hội. Trong lúc dư luận đang có sự đồng lòng như vậy, ông nghĩ các cơ quan chức năng cần hành động gì để giúp thông điệp ấy lan tỏa và có sức ảnh hưởng mạnh hơn?

Cựu Thượng tá Lê Đức Đoàn: Theo tôi, các cơ quan chức năng phải chung tay nhảy vào cuộc vì nếu chỉ một mình đơn vị công an giao thông cố gắng thì cũng không thể phát huy hết sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn xã hội. 

Ví như, nếu một người đã sử dụng rượu bia nhưng vẫn lái xe, dù đây là việc phạm luật nhưng trong quá trình di chuyển, họ không phạm lỗi, không có biểu hiện lạ thì CSGT cũng không thể yêu cầu tất cả những người di chuyển bình thường như thế cùng dừng xe, xuống đường kiểm tra. 

Ý tôi muốn nhấn mạnh rằng, chúng ta cần có những chế tài, giải pháp tốt hơn. 

Riêng lực lượng CSGT, theo tôi họ cần tổ chức những ngày ra quân trên một số tuyến đường nhất định, dừng tất cả các phương tiện để kiểm tra nồng độ cồn. Sau đó, các chiến sĩ phải rút ra khảo sát, đánh giá để tính phương án kiểm tra sao cho có hiệu quả.

Ngoài ra, vấn đề này cũng cần sự tham gia của tất cả các cấp, các ngành, của Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, các trường học, cơ quan, đoàn thể... Chúng ta phải nghiêm túc đặt ra câu hỏi: "Vì sao trong xã hội ngày nay, người dân đi xe đời mới hơn, đường rộng hơn, đẹp hơn nhưng tai nạn lại xảy ra nhiều vụ nghiêm trọng hơn trước kia?".

Một vấn đề nữa tôi cũng trăn trở đó là việc thi sát hạch bằng lái xe. Xã hội phát triển, người dân có phương tiện đi lại dễ dàng là điều đáng mừng nhưng bên cạnh đó, việc sát hạch thi lấy bằng cần được thắt chặt hơn. Chúng ta phải làm thế nào để người lái xe biết luật, hiểu luật chứ không phải chuyện chỉ cần tiền, cần xe là dễ dàng có được bằng lái. 

Thượng tá nổi tiếng ở Cầu Chương Dương: Sao phải sợ áp lực của chén rượu?! - Ảnh 5.

Cựu Thượng tá Lê Đức Đoàn khi còn công tác.

PV: Với vai trò là người trực tiếp tham gia vào việc giữ gìn trật tự an toàn giao thông hơn 40 năm, ông có kỷ niệm nào đáng nhớ với... "dân nhậu" mà vẫn lái xe không? 

Cựu Thượng tá Lê Đức Đoàn: Người Hà Nội có lẽ đã quá quen với tôi. Bây giờ tôi ra đường chắc nhiều người nhận ra lắm (cười). Họ biết tôi vì tôi đứng chốt trên cầu Chương Dương nhiều năm. Có bao lần phát hiện người say, tôi đã dùng kinh nghiệm, khả năng của mình để thuyết phục họ gọi điện cho người nhà tới đón. Nhiều trường hợp, chính tôi là người lái xe, đưa họ về tới nhà.

Đôi lúc tôi nghĩ, vì sao ở các nhà hàng, quán ăn trong nước chưa phát triển dịch vụ đưa thực khách say về tận nhà?

Tôi đi ra nước ngoài, thấy nhiều nơi phát triển rất tốt dịch vụ ấy. Họ có thể tuyển dụng đội ngũ nhân viên chuyên làm việc đưa đón khách say hoặc liên kết với các công ty vận tải để có sự săn sóc chu đáo. Tôi nghĩ đây là cách làm vừa văn minh, vừa đem lại lợi ích kinh tế mà cúng ta có thể học hỏi.

"Làm chủ" bản thân trên bàn nhậu thế nào?

PV: Ở Việt Nam, từ lâu đã tồn tại "văn hóa" trên bàn nhậu, tức là xây dựng mối quan hệ, giải quyết công việc thông qua những... cuộc nhậu. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Quan trọng nhất là người được mời rượu luôn phải biết làm chủ bản thân, không nên uống say để rồi có những hành xử không đúng mực. Và bất cứ ai, dù thế nào, nếu đã uống rượu bia rồi thì đừng lái xe.

PV: Nhiều người thường có thói quen nài ép nhau một vài chén rượu, cốc bia. Và càng khó từ chối hơn nếu do người "sếp" mời, ép. 40 năm công tác, ông đã bao giờ vướng phải tình huống đó hay chưa? Nếu có, ông sẽ ứng xử như thế nào?

Cựu Thượng tá Lê Đức Đoàn: Tôi chưa bao giờ gặp tình huống đó. Tôi làm việc dựa trên năng lực nên các sếp cũng nhìn nhận dựa trên công việc chứ không phải đánh giá hời hợt thông qua những cuộc nhậu. 

Theo tôi, một người nếu đã làm tốt công việc của mình thì sao phải sợ áp lực của chén rượu? Nếu có ai đó đánh đồng khái niệm một bạn nhậu tuyệt vời là một người làm việc hiệu quả thì tôi nghĩ cũng không có gì để nói thêm với họ.

Với tôi, đi nhậu với nhau vì vui chứ không phải do một mục đích gì khác. Riêng về chuyện nài ép nhau chén rượu, tôi thấy đúng là nhiều người vẫn có thói quen không hay đó. 

Thượng tá nổi tiếng ở Cầu Chương Dương: Sao phải sợ áp lực của chén rượu?! - Ảnh 8.

"Tôi vẫn tham gia các cuộc nhậu vui với bạn bè, đồng nghiệp, mỗi khi say tôi gọi xe ôm đưa về."

Tuy nhiên, như tôi đã nói, quan trọng nhất là cách ứng xử của người được mời. Anh phải biết tửu lượng mình tới đâu, phải biết nói lời từ chối chứ không phải ai mời anh cũng uống và nghĩ đó là cách để mọi người hài lòng hoặc tôn trọng mình.

Tôi vẫn tham gia các cuộc nhậu vui với bạn bè, đồng nghiệp, mỗi khi say tôi gọi xe ôm đưa về. Tôi nghĩ người có tiền thì gọi taxi, người không có tiền như tôi thì đi xe ôm, xe buýt như vậy là bình thường. Tôi hài lòng với tất cả mọi thứ và cũng không nghĩ việc kiểm soát mình trên bàn nhậu lại là một nhược điểm.

PV: Xin cảm ơn ông! 

Thượng tá nổi tiếng ở Cầu Chương Dương: Sao phải sợ áp lực của chén rượu?! - Ảnh 9.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại