Trong những bài viết mà VTC News đã đăng tải, nhiều chuyên gia giao thông đã có những phân tích để người dân hiểu và không hoang mang trước thông tin xử phạt lỗi "sang tên đổi chủ" đã được ban hành và sẽ đưa vào thực hiện từ ngày 1/1/2017.
Nhiều người dân hiểu sai quy định xử phạt lỗi "không sang tên đổi chủ", sau khi được giải thích đã có những nhìn nhận chính xác và hoàn toàn ủng hộ quy định này.
Ảnh minh họa.
Cũng liên quan đến quyết định xử phạt đối với hành vi "không sang tên đổi chủ", Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, cán bộ xử lý của Đội CSGT số 1 - Công an thành phố Hà Nội tiếp tục có những chia sẻ với PV VTC News.
Thượng tá Quỹ cho rằng rủi ro "không sang tên đổi chủ" thuộc về người mua phương tiện.
Có trường hợp mua xe trên mạng, giấy đăng kí có thể là đăng kí thật nhưng số khung, số máy đã được đục lại cho đúng với đăng kí đó.
"Phiền toái thuộc về người bán, còn rủi ro thuộc về người mua. Điều quan trọng không phải là phạt bao nhiêu, mà phải cho người dân hiểu về ý thức trách nhiệm của mình đối với pháp luật, đối với xã hội", Thượng tá Quỹ nói.
Theo ông Quỹ, thực tế đã xảy ra đối với những trường hợp mua bán xe cũ, khi xảy ra vi phạm, CSGT kiểm tra mới phát hiện đó là xe tang vật.
Trong khi đó, khi được hỏi, chủ xe trả lời mua trên mạng, do tham rẻ mà không có giấy tờ cũng như kiểm tra được thông tin.
Nhiều trường hợp xuất trình được giấy đăng kí nhưng sai số khung, số máy do được đục lại. Vì vậy, không làm thủ tục sang tên, không đến cơ quan công chức để xác nhận quyền sở hữu xe nên rất nhiều người gặp phải rủi ro liên quan đến xe tang vật của vụ án.
Vị cán bộ Đội CSGT số 1 khẳng định: "Không phải một vài trường hợp mà chúng tôi đã xử lý rất nhiều vụ việc như thế. Đôi khi bản thân người mua cũng không biết được đây là xe tang vật của vụ án.
Việc sang tên đổi chủ không chỉ khiến người dân có ý thức hơn mà còn giúp người dân xác minh được nguồn gốc của chiếc xe ấy".
Ngoài ra, CSGT không được ra hiệu dừng xe để kiểm tra xe vì hành vi "không sang tên đổi chủ".
Ông Quỹ cho hay: "Thông tư 01 đã quy định, CSGT không được tự ý dừng phương tiện không vi phạm để kiểm tra phương tiện đó chính chủ hay không chính chủ. Anh dừng phương tiện khi người tham gia giao thông phải có hành vi vi phạm, hoặc là phải có kế hoạch, chuyên đề kiểm tra".
Trước đó, như VTC News đã đưa tin, từ ngày 1/1/2017, theo điều 30 Nghị định 46, cảnh sát giao thông sẽ phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đến 400.000 đồng với tổ chức là chủ xe môtô, xe gắn máy và các loại xe tương tự không làm thủ tục đăng ký sang tên (chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên mình).
Việc này áp dụng cả với diện "được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản".