Trong những thứ hỗn loạn của giao thông toàn cầu có lẽ người đi xe máy tại Việt Nam thuộc vào hàng top thế giới.
Ngoài chuyện vi phạm luật như thường ngày ở huyện thì ngay việc nhỏ như làm chủ cái xe mấy chục triệu "tiền mình của đau con xót" mà đăng ký vẫn mang tên người khác.
Người Việt không thích làm chủ tài sản
Não trạng nhờ người khác làm chủ đã trải dài hai thế kỷ. Mua cái nhà hàng tỷ bạc, ở đó nửa đời người với tên chủ cũ, chẳng sao đâu. Được cái may lúc lấy vợ, lấy chồng nhất định phải đăng ký kết hôn.
Mua cái xe với cái giấy viết tay, trả chục triệu, rước về và bảo đó là "của tôi". Nếu chủ cũ vớ được và bảo đó là đồ ăn cắp thì liệu chủ mới có cãi thắng trước tòa?
Có những chiếc xe đã đổi chủ hàng chục lần. Tìm lại chủ đầu tiên thì đã sang thế giới bên kia. Xe thuộc sở hữu của người đã khuất trong khi người sống đàng hoàng, có tiền bạc, có học hành, mà vẫn đi xe của… ma.
Lần về Việt Nam vừa rồi, taxi mãi tốn tiền, không tiện, đôi lúc đợi mãi không đến vì có người bên đường vẫy. Thế là tôi quyết định dùng xe máy.
Cô bạn bảo, anh lấy xe em mà đi, vì cô có xe hơi. Đưa giấy tờ, bảo hiểm, mũ và cả cái khẩu trang thơm mùi son sexy, tự nhiên mình làm chủ cái xe. Đi nửa năm không sao vì chưa bị tóm bao giờ.
Nhưng hôm rồi, báo giới đưa tin, cảnh sát giao thông sẽ tiến hành xử phạt chủ phương tiện xe mô tô, xe gắn máy không sang tên đổi chủ từ 1/1/2017 với mức phạt 200.000 đối với cá nhân và 400.000 đồng với tổ chức.
Sợ quá nhắn cô bạn, anh trả xe em nhé. Không, anh giữ mà đi, trả em chục triệu cũng ok dù cái xe Lead mới đi hơn chục ngàn km. Nhà em không có chỗ cho xe máy.
Nghĩ chuyện đi làm giấy tờ lằng nhằng, chả hiểu có nhanh không, tôi nghĩ ngay đến chuyện cưới nàng để có thể khai với cảnh sát là chồng mượn của vợ sẽ không sao. Đi đâu mang theo cái đăng ký kết hôn là ổn.
Cuộc đời nhiều khi vớ vẩn thế. Chỉ vì mối lợi nho nhỏ vì món tiền vài trăm ngàn để sang tên đổi chủ một tài sản vài chục triệu mà lấy một người dù chẳng biết cô ấy có yêu mình không.
Tất nhiên câu chuyện trên tôi viết đoạn "cưới nàng" cho vui. Nhưng thú thật, người Việt hay vì cái lợi nhỏ hay quên cái hại lớn.
Thử chặn đường ở Hà Nội hay Sài Gòn, hỏi giấy tờ xe máy, đảm bảo 50-60%, nếu không nói là cao hơn, là tỷ lệ đi xe không phải tên mình.
Đã đến lúc người đi xe phải có đăng ký. Tuy nhiên. hệ thống phải lo việc đó trước khi đưa giấy phạt.
Kinh nghiệm nước Mỹ
Người Mỹ sống với nhau như vợ chồng đến đầu bạc răng long, không đăng ký kết hôn là chuyện thường như trái đất.
Chuyện vui kể, một hôm họ sang thế giới bên kia, Diêm Vương hỏi đăng ký đâu.
Chồng phạm tội chống loài người, trộm cắp quốc gia, giam giữ người không cần luật pháp, Diêm Vương đầy xuống địa ngục. Nhưng bà vợ thật tuyệt vời, sống trong sạch, được lên thiên đường.
Diêm Vương có thông lệ, nếu có đăng ký thì chồng hư theo vợ ngoan để kiếp sau sống như một con người chứ không thể như chó cắn càn như đã làm trên dương gian.
Nhiều đôi đã già mới đi đăng ký lúc cuối đời để sau khi chết được bên nhau mãi.
Nhưng chuyện đăng ký xe thì người Mỹ đúng kiểu cao bồi, hốt liền không nói nhiều. Một hệ thống hoàn chỉnh bắt dân phải theo.
Trong luật không hề qui đinh lái xe phải chính chủ vì qui định như thế thì xe đi mượn, xe thuê sẽ tính sao.
Cảnh sát cần hai thứ: đăng ký xe và mua bảo hiểm. Đăng ký đảm bảo là xe có người chịu trách nhiệm.
Nếu vượt đèn đỏ, đỗ sai, gây tai nạn rồi bỏ trốn, camera ghi được, cảnh sát truy tìm chủ chiếc xe qua biển đăng ký. Người lái chiếc xe đó vào thời điểm đó phải chịu trách nhiệm chứ không phải chủ xe.
Bên bảo hiểm bán cho những người có tên được dùng chiếc xe đó. Nếu gây tai nạn, bảo hiểm phát hiện người lái xe không có trong danh sách mua bảo hiểm của chiếc xe, nhưng bản thân người lái xe có mua bảo hiểm ở xe khác, thì người lái chi trả phần trách nhiệm (liability) theo chính sách của bên bán bảo hiểm.
Phần xe bị hư hại, người bị thương, do chủ xe chịu trách nhiệm. Quýt làm cam chịu là ở chỗ này.
Các bác sang Mỹ đừng mượn xe, khổ cho chủ đấy. Gây ra tai nạn thì thôi rồi lượm ơi.
Không luật nào qui định cấm mượn xe nhưng chính sách bảo hiểm đã hạn chế dùng xe không chính chủ bừa bãi. Vợ chồng, bố mẹ, con cái, anh em dùng chung xe thì ok vì đã mua bảo hiểm cho cả nhà.
Sợ chủ mới đi xe của mình gây tai nạn, cảnh sát truy chủ cũ, nên sau khi bán, chủ xe ghi một dòng trên đăng ký xe rằng, ngày này tháng này đã bán chiếc xe cho ông X, giao đăng ký cho người mới.
Nhưng chủ tháo luôn cái biển, gửi vào phòng quản lý giao thông. Hệ thống tự động trừ tên ông chủ cũ khỏi trách nhiệm liên đới.
Không có biển, chủ mới chỉ còn cách đi đăng ký. Chả lẽ giữ nguyên tên cũ hay gán biển giả để vào tù. Bỏ một đống tiền phải làm chủ chiếc xe, vừa trách nhiệm vừa tự hào. Đó là chất rất Mỹ.
Hệ thống đăng ký 350 triệu xe hơi tại Mỹ được ghi vào máy chủ. Cảnh sát dễ tìm được chủ xe là ai. Ít có chuyện như xứ Việt, tìm ra chủ cũ thì ông bà ấy đã đào thoát theo con đường nào đó từ 30 năm trước.
Xe máy, xe hơi xứ Việt hỗn loạn trên đường và cả trong hệ thống đăng ký là vì thế. Nếu luật pháp hoàn chỉnh thì đâu đến nỗi lăn bánh ra đường phải mang theo giấy đăng ký kết hôn.
Chuyện vừa dễ vừa khó, quan trọng có quyết hoàn chỉnh hệ thống hay không, hay cứ kệ để dễ đường phạt.
Nếu ở đâu đó, tiền kẹp cùng đăng ký xe chìa ra với nụ cười "thông cảm" và hai bên cùng có lợi, thì người dân vẫn nhờn với không sang tên đổi chủ.