Thượng tá CSGT: Ống thổi đo nồng độ cồn mỗi người dùng 1 lần nên người dân an tâm

Hoàng Đan |

Theo Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, các máy đo nồng độ cồn được nhập khẩu từ các nước tiên tiến, được Bộ KH-CN kiểm định, đảm bảo các thông số kỹ thuật theo quy chuẩn.

Lực lượng CSGT thực hiện rất nghiêm túc, quyết liệt hoạt động nghiệp vụ

Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt chính thức có hiệu lực, trong đó, các mức phạt vi phạm hành chính được tăng lên để tạo sự răn đe, giáo dục người dân khi tham gia giao thông.

Đặc biệt, tất cả những lái xe, kể cả đi xe đạp có nồng độ cồn trong hơi thở dù ít hay nhiều đều bị xử phạt rất cao.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có thông tin lo ngại, khi mức phạt tăng lên, đối diện với các hình thức xử lý rất cao, người vi phạm giao thông có thể nảy sinh những ý nghĩ, hành động tạo ra sự tiêu cực, "chung chi" trong hoạt động xử lý vi phạm của lực lượng CSGT.

Trao đổi với PV vào sáng 6/1, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT (Bộ Công an) khẳng định, thời gian qua lực lượng CSGT đã và đang thực hiện rất nghiêm túc, quyết liệt trong các hoạt động nghiệp vụ của mình.

Thượng tá Nhật nói, việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng CSGT căn cứ theo các quy chế, quy trình công tác.

Cụ thể, các quy chế, quy trình này đều theo quy định của Bộ Công an và các kế hoạch kiểm soát, xử lý đều được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, đảm bảo công khai dân chủ.

Thượng tá CSGT: Ống thổi đo nồng độ cồn mỗi người dùng 1 lần nên người dân an tâm - Ảnh 1.

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật.

"Thông tư của Bộ Công an quy định rõ ràng về các hoạt động giám sát của người dân đã được cụ thể hoá, dư luận rất ủng hộ.

Người dân có thể giám sát qua thông tin trên báo chí, giám sát trực tiếp hoặc thậm chí có thể sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình để kiểm soát quá trình tuần tra kiểm soát trên địa bàn của lực lượng CSGT", Thượng tá Nhật nêu rõ.

Liên quan đến việc xử lý các trường hợp vi phạm nồng độ cồn theo quy định tại Nghị định 100, Thượng tá Nhật cho rằng, hiện nay lực lượng CSGT thực hiện rất nghiêm túc, nghiêm minh các quy định và bất cứ ai vi phạm cũng đều bị xử lý.

Đối với các trường hợp người tham gia giao thông bỏ chạy, cố tình không làm theo yêu cầu hay có hành vi chống đối, thậm chí đánh CSGT khi bị kiển tra nồng độ cồn..., theo Thượng tá Nhật, đó là các hành vi không chấp hành yêu cầu của lực lượng chức năng.

Hành vi không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn hay bỏ chạy... sẽ bị xử phạt theo mức cao nhất đối với hành vi này; Các hành vi chống đối, hành hung CSGT trong quá trình xử lý vi phạm nồng độ cồn... sẽ bị xử lý sang hành vi vi phạm khác, thậm chí xử lý hình sự ngoài vấn đề liên quan nồng độ cồn.

"Nếu tiếp tục không chấp hành việc kiểm tra nồng độ cồn và người tham gia giao thông có hành vi đánh lại, chống đối, chửi bới, lăng mạ lực lượng thì tuỳ vào lỗi vi phạm mà lực lượng có biện pháp xử lý, thậm chí có thể xử lý hình sự khi đủ căn cứ", Thượng tá Nhật nhấn mạnh.

Cũng theo Thượng tá Nhật, hiện chưa có thống kê cụ thể về các trường hợp chống đối, mức phạt cao nên người vi phạm có thể bỏ phương tiện... Tuy nhiên, những trường hợp này chỉ là cá biệt và cũng không phải là vấn đề lớn.

"Chúng tôi đều có phương án để giải quyết như trong quá trình xử lý. CSGT còn phải tạm giữ cả giấy phép lái xe, đồng thời việc bỏ phương tiện, không chịu thổi để đo nồng độ sẽ được lập biên bản ghi nhận và có thể bị xử lý về hành không chấp hành kiểm tra”, ông Nhật nói thêm.

Máy đo nồng độ cồn được nhập khẩu từ các nước tiên tiến

Chia sẻ thêm về việc thực hiện chuyên đề kiểm soát nồng độ cồn, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông cho hay, hiện có nhiều cách, kiểm soát đột xuất theo tổ hoặc kiểm soát lớn và việc này lực lượng CSGT hiện nay tiến hanh kiểm soát theo kinh nghiệm quốc tế.

"Cụ thể, sẽ kiểm tra định tính, sau đó mới định lượng. Chẳng hạn lái xe ô tô khi có dấu hiệu vi phạm, lực lượng CSGT sẽ dừng xe. Khi hạ kính xuống, tài xế sẽ nói 1, 2, 3, 4, nếu có dấu hiệu có cồn, lực lượng CSGT phải tách vào làn khác để định lượng cụ thể nồng độ cồn trong khí thở bằng máy đo.

Nếu lái xe có kết quả vi phạm sẽ tiến hành xử lý còn nếu không có thì mời người dân tiếp tục tham gia giao thông", ông Nhật nói.

Vị này thông tin, máy đo nồng độ cồn trang bị cho lực lượng CSGT khi tuần tra kiểm soát và xử lý được nhập từ Úc và các nước tiên tiến, đã được kiểm định của Bộ KH-CN, đảm bảo được các thông số kỹ thuật theo quy chuẩn.

“Cảnh sát ở các nước tiên tiến đang sử dụng thiết bị nào thì CSGT chúng ta đang sử dụng tương đương như vậy. Các loại máy này tích hợp luôn với máy in, có 2 chức năng đo ống thổi và phễu thổi. Ống thổi mỗi người dùng 1 lần nên người dân an tâm, không phải lo sợ lây nhiễm bệnh truyền nhiễm gì cả”, ông Nhật cho hay.

Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT cũng thông tin, ngoài nâng mức xử phạt đối với nồng độ cồn, các hành vi vi phạm khác như vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ, không chấp hành hiệu lệnh của CSGT, sử dụng điện thoại... cũng được nâng lên cao.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại