Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với tờ Izvestia, Phó Chủ tịch Ủy ban về các vấn đề quốc tế thuộc Hội đồng Liên bang Nga (tức Thượng viên Nga), ông Andrei Klimov, khẳng định đàm phán giữa Matxcơva và Kiev là điều sớm muộn gì cũng xảy ra, và càng trì hoãn lâu thì cuộc sống của người dân Ukraine càng trở trở nên tồi tệ.
“Việc đàm phán với Matxcơva là điều không thể tránh khỏi đối với Kiev. Chúng có thể sẽ diễn ra ngay bây giờ, sau 5 năm hoặc 15 năm nữa – càng trì hoãn lâu thì người dân Ukraine sẽ càng phải chịu khổ. Nga là quốc gia duy nhất quan tâm một cách khách quan đến nền hòa bình và thịnh vượng của Ukraine", ông Klimov khẳng định.
Theo ông, điều quan trọng trước hết là Ukraine không nên có những tuyên bố mâu thuẫn, thay vào đó là các bước đi thực tế. Thời điểm Nga và Ukraine thực sự ngồi vào bàn đàm phán sẽ phụ thuộc vào Kiev.
“Chúng ta chưa bao giờ rời xa chủ đề này. Chúng ta sẵn sàng cho một cuộc đối thoại mang tính xây dựng trên cơ sở các thỏa thuận Minsk”, Thượng nghị sĩ Nga kết luận.
Trước đó, vào ngày 23/5, ông Andrei Bogdan, người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Ukraine, đã có phát ngôn ủng hộ các cuộc đàm phán với Nga. Theo ông Bogdan, điều này là cần thiết nếu đất nước muốn có hòa bình. Tuy nhiên, bản thân ông Zelensky lại loại trừ khả năng đối thoại với phía Matxcơva.
Lễ nhậm chức của ông Zelensky được tổ chức vào ngày 20/5. Ngày hôm sau, người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Ukraine Andrei Bogdan tuyên bố Tổng thống dự định khởi xướng một cuộc trưng cầu dân ý về tiến trình đàm phán giữa Ukraine và Nga.
Tuy nhiên, sau đó ông Zelensky đã đính chính rằng, chỉ muốn có một cuộc khảo sát về cuộc đàm phán với Nga. Theo ông, chính phủ mới rất coi trọng việc lắng nghe ý kiến của người dân.
Cuộc xung đột vũ trang ở miền đông nam Ukraine đã nổ ra từ mùa xuân năm 2014. Người dân trong khu vực đã từ chối công nhận chính quyền và tuyên bố thành lập các nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk tự xưng.
Phản ứng trước tình hình trên, chính quyền Kiev đã bắt đầu một chiến dịch với tên gọi chống khủng bố. Theo số liệu của Liên hợp quốc, hậu quả của cuộc xung đột này khiến hơn 10.000 dân thường thiệt mạng.
Đến năm 2015, các nhà lãnh đạo Nga, Ukraine, Đức và Pháp đã thống nhất về gói biện pháp nhằm thực hiện các thỏa thuận Minsk đã ký từ tháng 9/2014. Theo đó, các bên đề xuất một lệnh ngừng bắn toàn diện, rút tất cả các vũ khí hạng nặng của các bên tham gia xung đột, trao đổi tù nhân, cải cách hiến pháp của Ukraine và đối thoại với đại diện của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk.