Thượng đỉnh EU- Tây Balkan: Nóng chuyện gia nhập EU

Hải Đăng, Nho Biền |

Vấn đề gia nhập EU của các quốc gia Tây Balkans dự kiến sẽ là chủ đề “nóng” tại Hội nghị Thượng đỉnh tại Albania lần này.

Thượng đỉnh EYU-Tây Balkan tháng 12/2022. Ảnh: Europa.

Thượng đỉnh EYU-Tây Balkan tháng 12/2022. Ảnh: Europa.

Liệu có bước tiến so với hội nghị tháng 6?

Trong bối cảnh tình hình địa chính trị khu vực đang có rất nhiều biến động từ sau khi xung đột tại Ukraine nổ ra, Hội nghị Thượng đỉnh ở Albania lần này, con đường gia nhập EU của các quốc gia Tây Balkan được xác định sẽ tiếp tục là chủ đề nóng trong các cuộc thảo luận. Nó càng trở nên ý nghĩa hơn bởi hội nghị lần này được tổ chức lần đầu tiên tại một trong các quốc gia trong khu vực này. Nhưng những gì các quốc gia trong khu vực đã và đang thể hiện, sẽ rất khó để kỳ vọng Hội nghị lần này sẽ có bước tiến mới so với Hội nghị được tổ chức hồi tháng 6 năm nay.

Theo dự thảo tuyên bố của Hội nghị lần này, EU vẫn hoàn toàn ủng hộ việc đẩy nhanh gia nhập của các quốc gia thành viên Tây Balkan. Các nhà lãnh đạo EU ủng hộ ý tưởng hội nhập dần dần của khu vực đang ở giai đoạn gia nhập, thông báo hỗ trợ tài chính để giảm bớt hậu quả cuộc khủng hoảng năng lượng và nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ đối tác giữa EU và Tây Balkan sau cuộc xung đột ở Ukraine.

Tuyên bố chung cũng kêu gọi tăng cường hội nhập khu vực với thị trường chung EU. Đồng thời, EU kêu gọi các quốc gia trong khu vực tuân thủ các giá trị và nguyên tắc cơ bản của châu Âu, phù hợp với luật pháp quốc tế, các nguyên tắc dân chủ và pháp quyền.

Ngoài ra, trước khi diễn ra hội nghị lần này, EU cũng không ghi nhận có sự bất đồng nào giữa các quốc gia thành viên về việc liệu có đưa tư cách thành viên đầy đủ vào mục tiêu cuối cùng hay không. Trong phần đầu của tuyên bố chung cho biết sự leo thang chiến sự của Nga với Ukraine đặt ra câu hỏi về hòa bình, an ninh châu Âu và toàn cầu, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược giữa EU và Tây Balkan.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào các báo cáo mới đây của Ủy ban châu Âu về các nước Tây Balkan có thể thấy, tham nhũng vẫn là một trong những trở ngoại lớn nhất trên con đường tiến tới EU của khu vực này. Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban châu Âu về các nước Tây Balkan, tất cả các quốc gia trong khu vực này đã đạt được một số tiến bộ trong cuộc chiến chống tham nhũng, ngoại trừ Bosnia và Herzegovina là không có tiến bộ nào trong giai đoạn báo cáo này. Tuy nhiên, vẫn cần bổ sung các khuôn khổ pháp lý và chiến lược phù hợp với các tiêu chuẩn Châu Âu, tăng cường hơn nữa năng lực phòng chống tham nhũng của mỗi quốc gia.

Cơ hội mang lại hòa bình, ổn định cho EU

Trở thành thành viên của mái nhà chung EU là đích đến mà các quốc gia Tây Balkans hướng đến trong nhiều năm qua. Nhưng có ý kiến cho rằng, việc mở rộng sang phía Đông cũng có ý nghĩa đối với hòa bình, ổn định lâu dài của chính EU

Ý kiến này tương đối chính xác bởi các nhà lãnh đạo EU cũng nhấn mạnh “chính sách mở rộng” là một trong ba ưu tiên hàng đầu của EU và giải pháp lâu dài duy nhất cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng là tư cách thành viên EU.

Nhìn lại tiến trình lịch sử hình thành và phát triển, Liên minh châu Âu (EU) đã nhiều lần mở rộng kết nạp thêm thành viên. Năm 2004, từ 15 quốc gia thành viên, EU đón nhận thêm 10 nước thành viên mới ở Đông Âu và vùng Balkan. 3 năm sau đó, EU tiếp nhận thêm 2 quốc gia nữa là Romania và Bulgaria. Việc EU mở rộng ồ ạt nâng số thành viên của khối này lên gần gấp đôi cho thấy khối này đang có những bước tiến vững chắc về phía Đông nhằm khẳng định vị thế của khối trên trường quốc tế. Đây không chỉ là tổ chức ghi nhận sự tham gia của nhiều quốc gia có sức ảnh hưởng lớn trên thế giới mà EU cũng là thị trường tiềm năng cho các hoạt động trao đổi thương mại nội khối và cả cho các quốc gia ở khu vực khác.

Do đó, việc giữ hòa bình, ổn định trong khu vực là điều EU thực sự mong muốn và đang nỗ lực tăng cường sức ảnh hưởng các nước Tây Balkan để đạt được mục tiêu đó, đồng thời giảm thiểu nguy cơ đe dọa tới an ninh của châu Âu. Bởi lẽ, các quốc gia Tây Balkan tuy không thuộc EU nhưng là vùng lãnh thổ nằm trong lòng EU, được bao quanh bởi các quốc gia như Hy Lạp, Bulgaria, Rumania, Hungary và Croatia. Trong nhận thức của lãnh đạo EU, xung đột ở khu vực này sẽ là mối đe doạ thường trực đối với các nước châu Âu, đặc biệt là các quốc gia phát triển ở phía Tây như Pháp và Đức.

Một điểm đáng chú ý là EU muốn giữ các nước Tây Balkan gần EU để kiềm chế sự ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Nga và Trung Quốc. Hai cường quốc này luôn bị EU cáo buộc can thiệp, gây ảnh hưởng vào Tây Balkan khiến cho khu vực này bất ổn. Vì vậy, trong bối cảnh quan hệ châu Âu và Nga ngày càng căng thẳng do cuộc xung đột ở Ukraine, việc kéo Tây Balkan lại gần EU càng có vai trò đặc biệt quan trọng hơn bao giờ hết.

Lý do quan trọng khác mà EU muốn tăng ảnh hưởng lên các nước Tây Balkan nhằm kiểm soát các dòng người nhập cư từ Trung Đông – châu Phi qua các nước Tây Balkan vào lãnh thổ của EU. Đây cũng chính là tuyến đường ghi nhận sự gia tăng đáng kể những dòng người di cư trái phép vào châu Âu trong những tháng qua bao gồm cả ảnh hưởng từ xung đột giữa Nga và Ukraine.

Vấn đề Serbia thân Nga

Trong quá trình xin gia nhập EU của các nước Tây Balkans, Serbia được coi là một trường hợp khá đặc biệt do nước này có cách tiếp cận tương đối khác trong vấn đề Ukraine, nhất là khi nước này còn tẩy chay hội nghị hôm nay.

Có một thực tế rất rõ là Serbia luôn coi trọng mối quan hệ với Nga. Người ta vẫn ví Serbia là người bạn thân cuối cùng của Nga ở châu Âu khi nước này là quốc gia duy nhất không tham gia vào các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga. Điều này cũng khiến cho quốc gia này chịu sự chỉ trích gay gắt từ các thành viên EU bởi khi là ứng viên gia nhập EU thì nước này cần có lập trường về chính sách đối ngoại thống nhất chung với EU, trong đó có các biện pháp trừng phạt Nga.

Trong bối cảnh môi trường địa chính trị hiện nay đang phân cực sâu sắc, xung đột leo thang trong nhiều tháng, lập trường trung lập của Serbia ngày càng bị ảnh hưởng nặng nề bởi sức ép từ EU. Tuy nhiên, dù có một mối quan hệ lịch sử lâu đời với Moscow cùng những lợi ích về các hợp đồng khí đốt từ Nga nhưng chắc chắn Serbia sẽ không thể chọn lựa đối đầu với EU bởi chính phủ nước này hiểu rằng EU chính là đối tác thương mại lớn nhất của nước này khi chiếm hơn 60% tổng kim ngạch thương mại năm 2021, trong khi kim ngạch thương mại giữa Serbia và Nga chỉ chiếm chưa tới 5%. Từ đó có thể thấy rất rõ lợi ích kinh tế chủ yếu của Serbia nằm ở sự hợp tác với EU.

Mặt khác, Serbia đã nhận hơn 1,5 tỷ euro trong gói ngân sách gia nhập từ 2014 - 2020 và dự kiến sẽ nhận được gói hỗ trợ lớn hơn trong giai đoạn 2021 - 2027. Như vậy, sẽ khó xảy ra việc Serbia đi ngược lại chính sách chung của EU, có chăng là đang tìm cách tiếp cận phù hợp nhất để đảm bảo hài hòa lợi ích quốc gia.

Việc quá trình gia nhập EU bị chậm lại dù không phải một lời đe dọa quá nghiêm trọng với Serbia bởi nước này hiểu rõ, Belgrade sẽ không được chấp nhận cho tới khi giải quyết xong tranh chấp với Kosovo. Tuy nhiên, theo dõi động thái của Serbia trong thời gian qua cho thấy nước này đang linh hoạt xử lý mối quan hệ với cả hai bên là EU và Nga để đảm bảo lợi ích của quốc gia.

Về phía EU, lãnh đạo Liên minh châu Âu cũng không quá gấp gáp trong việc thúc đẩy Serbia gia nhập khối. Bởi còn quá nhiều vấn đề nội tại phải giải quyết trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên mới đây lãnh đạo EU cũng đã cảnh báo Serbia cần điều chỉnh các chính sách đối ngoại phù hợp với các chính sách của EU nếu quốc gia này hy vọng sẽ gia nhập khối. Thậm chí, không loại trừ khả năng Liên minh châu Âu có thể tạo các áp lực lớn hơn với Serbia khi đình chỉ gói ngân sách hỗ trợ trong giai đoạn tới nếu nước này có động thái không phù hợp với EU và Nga. Khi đó, biện pháp này chắc chắn sẽ gây tổn thất nặng nề cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế của Serbia mà đó là điều không một quốc gia Balkan nào mong muốn xảy ra vào giai đoạn hiện nay./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại