Quyết định hiệu chỉnh hệ thống HIMARS được đưa ra nhằm “làm giảm nguy cơ bùng phát xung đột lớn hơn với Mátxcơva”, tờ Wall Street Journal đưa tin, dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên.
Lầu Năm Góc hiện chưa bình luận về thông tin này.
HIMARS đã trở thành một trong những hệ thống vũ khí tầm xa được sử dụng thường xuyên nhất trong kho vũ khí của Kiev.
Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố Lầu Năm Góc sẽ gửi hệ thống HIMARS cho Ukraine vào cuối tháng 5, ông khẳng định các hệ thống này sẽ chỉ được sử dụng cho mục đích phòng thủ và chính quyền Mỹ “sẽ không gửi cho Ukraine các hệ thống tên lửa tầm xa có thể tấn công vào lãnh thổ Nga”.
Vào thời điểm đó, các quan chức Nga bày tỏ nghi ngờ về tuyên bố của Mỹ cũng như lời hứa của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rằng vũ khí do Mỹ sản xuất sẽ không được sử dụng để tấn công lãnh thổ Nga.
Trên thực tế trong những tháng gần đây, Ukraine đã bị cáo buộc sử dụng HIMARS để tấn công bốn khu vực ly khai vừa bỏ phiếu sáp nhập Nga là Donetsk, Lugansk, Zaporozhye và Kherson. Kiev không công nhận kết quả trưng cầu dân ý nên vẫn coi các khu vực nói trên là lãnh thổ Ukraine.
Vào tháng 10, Lockheed Martin - công ty chịu trách nhiệm sản xuất HIMARS - tuyên bố đang tăng cường năng suất lắp ráp các bệ phóng tên lửa từ 60 lên 96 chiếc mỗi năm.
Đầu tuần này, một chỉ huy quân sự giấu tên của Nga tiết lộ với RIA Novosti rằng các lực lượng liên kết với Mátxcơva gần đây đã nhận được "bản cập nhật chương trình mới" cho các hệ thống phòng không của họ, giúp cải thiện đáng kể khả năng theo dõi và bắn hạ tên lửa HIMARS của đối phương.
“Giờ chúng tôi không gặp vấn đề gì trong việc phát hiện, theo dõi và tiêu diệt chúng”, sĩ quan giấu tên cho biết, đồng thời lưu ý rằng bản cập nhật đã giúp lực lượng Nga vô hiệu hóa 10 hệ thống HIMARS.
Mỹ đã cung cấp cho Kiev 20 hệ thống HIMARS kể từ tháng 6. Tuy nhiên, viện trợ quân sự cho Ukraine cũng bao gồm pháo phản lực phóng loạt M270 có thể nạp gấp đôi số tên lửa và sử dụng cùng một bộ đạn như HIMARS.
Theo Sputnik, Anadolu Agency