Một hội nghị thượng đỉnh của Liên đoàn Ả Rập ngày 15/4 đã kêu gọi thực hiện một cuộc điều tra quốc tế về việc sử dụng vũ khí hoá học ở Syria và lên án việc họ cho là Iran đang can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác.
Saudi Arabia và Iran nhiều năm nay luôn là hai đối thủ cạnh tranh quyết liệt về sức ảnh hưởng tại khu vực – điều đang thể hiện rõ trong các cuộc chiến ủy nhiệm ở một số quốc gia, bao gồm Yemen và Syria.
Tuyên bố chung của Thượng đỉnh Liên đoàn Arab yêu cầu thực hiện một cuộc điều tra về vũ khí hóa học tại Syria. (Nguồn: Reuters)
"Chúng tôi tập trung vào việc lên án mạnh mẽ hành động sử dụng vũ khí hóa học chống lại người Syria và chúng tôi yêu cầu một cuộc điều tra quốc tế độc lập để đảm bảo việc sử dụng luật pháp quốc tế chống lại bất cứ ai đã từng sử dụng vũ khí hóa học", một tuyên bố của hội nghị được gửi tới các nhà báo cho hay.
Văn bản này cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột đa chiều tại Syria.
Saudi Arabia và các đồng minh đã lên tiếng ủng hộ việc Mỹ, Anh, Pháp cuối tuần qua không kích tên lửa vào Syria, trong khi Iraq và Lebanon lên án động thái này.
Damascus bác bỏ việc sử dụng hoặc sở hữu vũ khí hóa học, đồng thời gọi cuộc không kích này là hành động xâm lược.
Tuyên bố chung của Liên đoàn Arab cũng kêu gọi thực hiện thêm nhiều lệnh trừng phạt quốc tế đối với Iran và kêu gọi Tehran rút “lực lượng dân quân” khỏi Syria và Yemen.
Iran phủ nhận mọi cáo buộc, cũng như bác bỏ luận điệu lên án của Saudi Arabia.
Truyền thông Iran trích lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran, Bahram Qasemi, nói rằng "Bóng ma nặng nề từ các chính sách phá hoại của Saudi Arabia rõ ràng là ... tuyên bố cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh".
“Thượng đỉnh Jerusalem”
Saudi Arabia- hiện đang nắm giữ ghế chủ tịch hội nghị thượng đỉnh Ả Rập từ Jordan, đã thông báo rằng sự kiện này được đặt tên là "Hội nghị thượng đỉnh Quds (Jerusalem)", nhắc đến quyết định của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump năm ngoái công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel – điều thế giới Arab đã lên án.
Các đại biểu tham dự đã cam kết sẽ hỗ trợ người Palestine, những người muốn Đông Jerusalem là thủ đô của một nhà nước Palestine tương lai. Đức vua Salman cho biết Saudi Arabia đã tặng 200 triệu đô la để giúp đỡ người Palestine, trong đó có 50 triệu USD cho Cơ quan Cứu trợ và Hành động của Liên hợp quốc (LHQ) ở vùng Cận Đông (UNRWA).
Qatar không cử quan chức cấp cao tới sự kiện này, một tín hiệu cho thấy khủng hoảng ngoại giao giữa nước này với Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập vẫn còn kéo dài.
Bốn quốc gia này đã cắt đứt quan hệ ngoại giao và giao thông với Qatar tháng 6 năm ngoái, buộc tội họ ủng hộ chủ nghĩa khủng bố. Doha phủ nhận cáo buộc và nói rằng tẩy chay là một nỗ lực ảnh hưởng đến chủ quyền của nó.
Phái đoàn Qatar năm nay được dẫn đầu bởi đại diện thường trực của nước này tại Liên đoàn Ả Rập, Saif bin Muqaddam al-Buainain, hãng thông tấn quốc gia Qatar cho biết.
Phần lớn 22 quốc gia khác đều được các nguyên thủ dẫn đầu tham dự sự kiện thường niên này. Qatari Emir Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani đứng đầu phái đoàn nước này tại hội nghị thượng đỉnh năm ngoái ở Jordan.