Thuế tiêu thụ đặc biệt với ĐTDĐ: Bõ bèn gì mà thu!

Thy Thơ |

Điện thoại di động đã trở thành loại hàng hóa phổ biến, thiết yếu của đời sống nên việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ làm ảnh hưởng đến thu nhập phần lớn người dân.

UBND TP HCM vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính góp ý cho dự thảo "Đề án mở rộng cơ sở thuế và chống xói mòn nguồn thu ngân sách nhà nước".

Theo đó, UBND TP HCM đề xuất nghiên cứu bổ sung vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với một số hàng hóa, dịch vụ như: Điện thoại di động (ĐTDĐ), camera, nước hoa, mỹ phẩm, dịch vụ kinh doanh game, dịch vụ thẩm mỹ. Trong đó, ĐTDĐ là mặt hàng được nhiều người quan tâm.

Mở rộng nguồn thu

Theo lý giải của UBND TP HCM, ĐTDĐ là hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc nhưng đưa vào diện chịu thuế TTĐB để điều tiết thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập từ khá trở lên, có nhu cầu sử dụng các sản phẩm thế hệ mới.

Thuế tiêu thụ đặc biệt với ĐTDĐ: Bõ bèn gì mà thu! - Ảnh 1.

Nhờ nhiều tiện ích, giá ngày càng rẻ nên điện thoại di động được sử dụng phổ biến Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ông Trần Ngọc Tâm, Cục trưởng Cục Thuế TP HCM, cho biết cục không tham mưu, cũng không biết cơ quan nào góp ý cho UBND TP HCM đưa ra đề xuất trên.

Theo ông Tâm, để đánh giá thuế TTĐB đối với ĐTDĐ sẽ có thêm nguồn thu cho ngân sách thì cần phải thống kê cung - cầu loại hàng hóa này. Nếu việc áp thuế TTĐB làm cho giá ĐTDĐ tăng, người tiêu dùng hạn chế sử dụng, doanh thu của các đơn vị kinh doanh giảm thì chưa chắc nguồn thu sẽ tăng thêm.

Ngược lại, khi nhu cầu sử dụng ĐTDĐ ngày càng tăng thì việc áp thuế TTĐB sẽ làm tăng thêm nguồn thu. Tuy nhiên, do cơ quan thuế không thể khảo sát thị trường nên không có số liệu để phân tích, đánh giá việc áp thuế TTĐB đối với ĐTDĐ là hợp lý hay không.

Thực tế cho thấy người mua ĐTDĐ hiện chịu mức thuế GTGT 10%. Như vậy, khi áp thuế TTĐB, nhà sản xuất hay kinh doanh sẽ đưa mức thuế này vào giá thành sản phẩm, làm giá điện thoại tăng lên và người tiêu dùng là đối tượng phải gánh chịu.

Chưa có thông lệ

Cũng về đề xuất này, TS Nguyễn Thanh Bình, Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho rằng các nước phát triển và đang phát triển ở Đông Nam Á chưa có thông lệ đánh thuế TTĐB đối với ĐTDĐ. Vì thế, đề xuất của UBND TP HCM cần được xem xét một cách kỹ lưỡng.

Theo ông Bình, bản chất của thuế TTĐB là đánh vào các loại hàng hóa không khuyến khích tiêu dùng, sản phẩm xa xỉ, hàng hóa không thiết yếu, tiêu tốn ngoại tệ nhập khẩu hoặc ảnh hưởng tới môi trường như ôtô, du thuyền, rượu, bia, thuốc lá…

"Với những yếu tố này, chúng ta cần chỉ rõ những tác động xấu của ĐTDĐ, xác định sản phẩm này là hàng hóa không khuyến khích tiêu dùng. Nhưng nếu đó là hàng hóa thiết yếu được khuyến khích tiêu dùng thì không nên đưa vào diện chịu thuế TTĐB" - ông Bình nêu quan điểm.

Giới phân tích đánh giá điểm tích cực của việc áp dụng thuế TTĐB đối với ĐTDĐ là mở rộng được nguồn thu cho ngân sách.

Bởi lẽ, trong bối cảnh người dân ủng hộ nhà nước về các chủ trương khuyến khích tiêu dùng, ứng dụng công nghệ 4.0, thanh toán không dùng tiền mặt… ĐTDĐ đã trở thành phương tiện giao dịch nhanh chóng và tiện lợi, nhu cầu sử dụng sản phẩm này ngày càng tăng.

Dưới góc độ chuyên môn, luật sư Nguyễn Đức Nghĩa - Chủ nhiệm CLB Đại lý thuế TP HCM - nhận xét ĐTDĐ là sản phẩm hết sức phổ biến, từ nông thôn đến thành thị, mọi người đều sử dụng và đã trở thành loại hàng hóa thiết yếu của đời sống. Vì thế, việc áp thuế TTĐB sẽ làm ảnh hưởng đến thu nhập phần lớn người dân.

"Nếu áp thuế TTĐB đối với ĐTDĐ chỉ để điều tiết hành vi tiêu dùng của người thu nhập cao là chưa phù hợp với các chủ trương của nhà nước về khuyến khích ứng dụng công nghệ, thanh toán tiền mua hàng hóa, dịch vụ thông qua ngân hàng…

Còn trường hợp nhà nước chỉ áp thuế TTĐB đối với điện thoại có giá trị hàng chục triệu đồng cũng không làm cho nguồn thu tăng lên đáng kể. Vì hiện 70% dân số có thu nhập từ trung bình đến thấp, thường sử dụng ĐTDĐ có giá vài triệu đồng.

Mặt khác, do giá trị của ĐTDĐ hiện đại nhất chỉ vài chục triệu đồng và sau đó giảm giá rất nhanh, nên việc áp thuế TTĐB đối với ĐTDĐ cao cấp cũng không điều tiết được nhiều thu nhập của người thu nhập cao. Nhà nước cần cân nhắc, chưa nên áp dụng sắc thuế này đối với ĐTDĐ vì chưa đủ cơ sở" - ông Nghĩa phân tích.

Giám đốc Công ty Đại lý thuế DVL - ông Đồng Minh Hồng - cho rằng trong trường hợp nhà nước áp thuế TTĐB đối với ĐTDĐ thì chỉ nên áp thuế suất 5%-10%.

Bởi nếu đưa ra thuế suất cao hơn sẽ làm giá sản phẩm tăng cao, không khuyến khích người tiêu dùng sử dụng ĐTDĐ để phát huy hiệu quả việc ứng dụng công nghệ 4.0, thanh toán không dùng tiền mặt… theo chủ trương của nhà nước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại