Thuê một cửa hàng giá 700 triệu đồng/tháng, Starbucks kiếm tiền như thế nào để ‘gánh’ được chi phí lớn đến vậy?

Băng Băng |

Nếu chỉ bán cà phê, Starbucks phải bán ít nhất 230 cốc mỗi ngày để trả tiền nhà. Thế nhưng ít người biết rằng Starbucks không kinh doanh cà phê, thứ họ bán và kiếm lợi nhuận chính đến điều mà hiếm có ai ngờ tới.

Mới đây, câu chuyện cơ sở Starbucks Rserve ở Hàn Thuyên sau 7 năm hoạt động sẽ chính thức đóng cửa vào cuối tháng 8/2024 do chủ nhà nâng giá thuê từ 700 triệu/tháng lên 750 triệu đã khiến nhiều người quan tâm.

Bên cạnh những ý kiến về việc chủ nhà muốn đuổi người thuê đi để bán nhà với lãi suất ngân hàng có lời hơn, hay việc liệu Starbucks có rửa tiền thì một câu chuyện khác nhiều người quan tâm là chuỗi cà phê nổi tiếng thế giới này làm thế nào có lợi nhuận với mức giá 700 triệu/tháng.

Tính bình quân mỗi ngày Starbucks mất 23 triệu đồng cho tiền thuê mặt bằng. Như vậy với mức giá bình quân 100.000 đồng mỗi cốc cà phê, thương hiệu này phải bán ít nhất 230 cốc mới đủ thanh toán tiền thuê nhà.

Thuê một cửa hàng giá 700 triệu đồng/tháng, Starbucks kiếm tiền như thế nào để ‘gánh’ được chi phí lớn đến vậy?- Ảnh 1.

Thế nhưng ít người biết rằng Starbucks không kinh doanh cà phê, thứ họ bán và kiếm lời chính đến từ kinh doanh thương hiệu và đội lốt quán cà phê để làm ngân hàng.

Kinh doanh thương hiệu

Tương tự như Apple hay những hãng thời trang xa xỉ khác, Starbucks hướng đến kinh doanh thương hiệu khi định vị bản thân cũng như nhắm đến khách hàng có tiền.

Bởi vậy việc chi tiền cho mặt bằng đắc địa và quảng bá thương hiệu Starbucks như là nơi cho "người có tiền" đến uống cà phê là điều bắt buộc. Điều này cũng giống như việc khách hàng mua đồ của Apple, Louis Vuitton hay Chanel khi khách hàng lựa chọn những cái tên này không chỉ vì chất lượng mà còn là địa vị xã hội mà chúng đem lại.

Tuy nhiên việc kinh doanh thương hiệu chỉ là bước đầu bởi nếu không có doanh số, nếu không bán được tối thiểu 230 cốc cà phê giá 100.000 đồng mỗi ngày thì chi nhánh Starbucks ở Hàn Thuyên sẽ chẳng có lãi.

Đến đây, chiêu trò đội lốt ngân hàng bắt đầu xuất hiện.

Hãy tưởng tượng một quán cà phê cóc ven đường muốn bạn thanh toán trước 1 triệu đồng để uống 10 cốc cà phê 100.000 đồng sau đó, liệu bạn có đồng ý?

Vậy nếu quán cà phê cóc biến thành Starbucks thì sao? Liệu bạn có đổi ý?

Đây chính là tác dụng của việc định vị thương hiệu, chấp nhận thuê mặt bằng đắt đỏ để dụ người tiêu dùng tin tưởng, chấp nhận trả tiền trước vào thẻ thành viên Starbucks.

Trong ví dụ trên, nếu khách hàng nạp 1 triệu đồng vào thẻ thành viên và mới chỉ uống 1 cốc cà phê, phía Starbucks sẽ có 900.000 đồng tiền vay khả dụng với lãi suất vay 0%. Họ có thể tự do đầu tư hoặc đơn giản là gửi lãi ngân hàng, số tiền lợi nhuận thu được sẽ vào túi Starbucks.

Đến lúc thanh toán, Starbucks chỉ việc trả khách hàng bằng số cà phê của mình.

Thuê một cửa hàng giá 700 triệu đồng/tháng, Starbucks kiếm tiền như thế nào để ‘gánh’ được chi phí lớn đến vậy?- Ảnh 2.

Bây giờ hãy nhân con số này với hàng triệu khách hàng làm thẻ thành viên của Starbucks với số tiền nạp cao gấp nhiều lần, câu chuyện kiếm lời thế nào với tiền thuê nhà 700 triệu đồng/tháng sẽ có góc nhìn rất khác.

Rõ ràng, Starbucks không có ý định bán ít nhất 230 cốc cà phê mỗi ngày chỉ để thanh toán tiền nhà.

Ngân hàng thứ 385

Tờ Wall Street Journal (WSJ) cho hay Starbucks đang là chuỗi cà phê có hành vi như ngân hàng khi chiếm dụng vốn quá nhiều của người dùng mà không ai hay.

Với chương trình thẻ thành viên Starbucks Rewards của mình, chuỗi cửa hàng cà phê này đã thu một lượng lớn tiền mặt mà khách hàng tự nguyện nộp vào.

Dưới góc nhìn của người tiêu dùng, chương trình này chẳng có vấn đề gì khi đơn giản chỉ là một dạng trả trước và tích điểm khi thanh toán.

Thành viên chẳng cần phải đem theo tiền hay ví lại còn được tặng thêm đồ uống miễn phí nếu thường xuyên sử dụng dịch vụ này. Lợi ích của dịch vụ này là khách hàng sẽ được tặng điểm, tặng sao để đổi lấy đồ uống miễn phí hoặc mã giảm giá.

Thuê một cửa hàng giá 700 triệu đồng/tháng, Starbucks kiếm tiền như thế nào để ‘gánh’ được chi phí lớn đến vậy?- Ảnh 4.

Tuy nhiên dưới góc nhìn của Starbucks, chương trình thẻ thành viên này không chỉ thu thập được thông tin tiêu dùng của khách hàng, gia tăng doanh số mà còn chiếm dụng vốn một cách dễ dàng với lãi suất 0%.

Tờ Wall Street Journal (WSJ) cho hay khoảng 44% số giao dịch tại Starbucks hiện nay là thông qua chương trình thẻ thành viên. Tỷ lệ này được cho là lên đến 80% trong mùa dịch Covid-19.

Vào cuối năm 2019, hãng này cho biết nắm giữ đến 1,5 tỷ USD tiền gửi "trả trước" của khách hàng trong chương trình thẻ thành viên này.

Theo WSJ, con số trên đến cuối năm 2022 đạt 2,4 tỷ USD, đứng thứ 385 trên tổng số 4.236 ngân hàng ở Mỹ.

Xin được nhắc rằng số liệu của Tập đoàn bảo hiểm ký thác liên bang Mỹ (FDIC) cho thấy hơn 3.900 ngân hàng ở nước này hiện nay còn chưa có nổi 1 tỷ USD tổng tài sản.

Trong khi đó tờ Medium cho hay chương trình thẻ thành viên cho khách hàng thân thiết Starbucks Rewards chiếm khoảng 30-40% doanh số của hãng trên toàn cầu.

Theo báo cáo quý 3 năm 2022 của Starbucks, chỉ riêng tại Mỹ đã có 27,4 triệu thành viên Starbucks Rewards đang hoạt động. Con số này gần gấp đôi so với 14,2 triệu thành viên vào cuối năm 2017.

Phía công ty cho biết những thành viên Starbucks Rewards thường chi tiêu nhiều gấp ba lần so với những khách hàng thông thường. Bởi vậy không có gì khó hiểu khi doanh thu của Starbucks Rewards tại Mỹ năm 2023 chiếm đến 53% tổng doanh số.

Với uy tín về thương hiệu và tâm lý "cuồng" Starbucks để khoe sự sang chảnh, rất nhiều khách hàng tin tưởng để tiền trong tài khoản thành viên này vì nghĩ rằng kiểu gì cũng sẽ dùng chúng vào một ngày nào đó.

Thuê một cửa hàng giá 700 triệu đồng/tháng, Starbucks kiếm tiền như thế nào để ‘gánh’ được chi phí lớn đến vậy?- Ảnh 5.

Tự nguyện đưa tiền

Tờ WSJ cho hay các khách hàng Mỹ của Starbucks thường xuyên tự nguyện "gửi" khoảng 1-2 tỷ USD trong tài khoản thành viên của mình. Con số này cao hơn nhiều so với lượng tiền gửi ở một số ngân hàng Mỹ như Customers Bank (780 triệu USD), hay Green Dot Corporation (560 triệu USD).

Hơn nữa mọi người gửi tiền vào đây với mục đích tiêu dùng chứ không có ý định kiếm lời hay đầu tư, nên Starbucks hoàn toàn tự do với số vốn vay lãi suất 0% này.

Với khoản tiền vay ưu đãi với lãi suất 0% như trên, Starbucks hoàn toàn có thể sử dụng đem đi đầu tư, mở rộng hoạt động kinh doanh và kiếm thêm lợi nhuận mà không cần chia sẻ cho khách hàng.

Thậm chí theo Medium, khoảng 10% số tiền gửi này thường xuyên bị lãng quên hoặc không được dùng đến, tạo nên một nguồn thu "từ trên trời rơi xuống" cho Starbucks.

Trong các báo cáo tài chính năm 2017 đến 2019, chuỗi cà phê này đã ghi nhận khoản thu từ số tiền gửi bị lãng quên của khách hàng lần lượt là 104,6 triệu USD, 155,9 triệu USD và 125 triệu USD.

Thuê một cửa hàng giá 700 triệu đồng/tháng, Starbucks kiếm tiền như thế nào để ‘gánh’ được chi phí lớn đến vậy?- Ảnh 6.

"Chúng ta nên gọi Starbucks là một ngân hàng không được kiểm soát, đội lốt chuỗi kinh doanh cà phê thì đúng hơn", Chủ tịch Kim Jung Tai của tập đoàn tài chính lớn thứ 3 Hàn Quốc Hana Financial Group than thở khi Starbucks tại đây nắm giữ đến 70 tỷ Won, tương đương 60,2 triệu USD tiền gửi khách hàng.

Bị kiện

Tờ Fortune cho hay một tổ chức bảo vệ người tiêu dùng tại Mỹ đã cáo buộc Starbucks về hành vi lợi dụng người tiêu dùng sử dụng nền tảng thanh toán trực tuyến bằng thẻ thành viên của mình, qua đó khiến khách hàng rơi vào một cái bẫy chi tiêu mà họ không bao giờ có thể tiêu hết số dư.

Cụ thể, Liên minh bảo vệ người tiêu dùng Washington (WCPC) đã kêu gọi các công tố viên của bang này điều tra nhằm xác minh xem chính sách của Starbucks liệu có vi phạm quy định bảo vệ người tiêu dùng hay không.

"Starbucks đã thiết lập nền tảng thanh toán bằng thẻ thành viên nhằm khuyến khích người tiêu dùng để lại số tiền dư trong ứng dụng. Một vài đồng trong các tài khoản này nghe có vẻ không nhiều với mỗi người nhưng nếu tính tổng ra thì trong 5 năm qua, Starbucks đã chiếm dụng vốn đến gần 900 triệu USD của khách hàng, qua đó làm tăng báo cáo doanh thu, lợi nhuận cũng như đem về thêm tiền thưởng cho ban giám đốc", lãnh đạo Chris Carter của WCPC cho biết.

Người phát ngôn của Starbucks trả lời tờ Fortune rằng họ sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền bang Washington nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định và luật pháp của bang này.

Tuy nhiên theo báo cáo dài 15 trang của WCPC, hãng Starbucks đã cố tình thiết kế nền tảng thanh toán bằng thẻ thành viên của mình theo hướng chiếm dụng vốn của khách hàng.

Người tiêu dùng chỉ có thể nạp tối thiểu 5 USD và thanh toán trực tuyến tối thiểu 10 USD, qua đó khiến việc dùng hết tiền trong tài khoản trở nên khó khăn hơn.

Thuê một cửa hàng giá 700 triệu đồng/tháng, Starbucks kiếm tiền như thế nào để ‘gánh’ được chi phí lớn đến vậy?- Ảnh 7.

Mặc dù thừa nhận người dùng có thể thanh toán bằng tiền mặt tại các cửa hàng truyền thống để dọn sạch tài khoản, nhưng sự bất tiện này cũng cho thấy Starbucks không mong muốn khách hàng dùng hết tiền trong nền tảng.

Việc còn để dù chỉ vài đồng trong tài khoản thành viên cũng giúp Starbucks chiếm dụng được hàng trăm triệu USD trong vài năm qua, nhờ đó làm đẹp báo cáo tài chính và có đủ nguồn vốn để sử dụng cho những mục đích khác.

Phía Starbucks đáp trả cáo buộc này rằng khách hàng có thể tiêu tùy thích mà không hề bị ép buộc, đồng thời có thể dọn trống tài khoản số tiền lẻ bằng cách thanh toán tiền mặt ở cửa hàng truyền thống.

Tuy nhiên, những con số thì không nói dối và việc Starbucks kiếm lợi lớn từ khoản tiền "gửi" của khách hàng là điều hoàn toàn có thật.

*Nguồn: Fortune, WSJ, Medium

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại