Nhiều DN đổ xô đầu tư vào lĩnh vực mang lại 4.000 tỷ USD cho GDP toàn cầu, Việt Nam có cơ hội bứt phá lớn

Minh Hằng |

Theo GS Vũ Hà Văn, Việt Nam đang có cơ hội bứt phá trong lĩnh vực mang lại hàng nghìn tỷ USD và vươn lên trở thành một nước tiên tiến.

Lĩnh vực tiềm năng và hứa hẹn tạo nên bước phát triển mang tính đột phá của kinh tế thế giới trong tương lai gần chính là trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI).

Vào tháng 6/2023, một nghiên cứu ước tính rằng, trí tuệ nhân tạo (AI) có thể giúp bổ sung thêm hơn 4.000 tỷ USD hàng năm cho nền kinh tế toàn cầu. Đây quả thực là con số khổng lồ, nếu so sánh với toàn bộ nền kinh tế Đức – nền kinh tế hiện lớn thứ ba thế giới – trị giá khoảng 4.500 tỷ USD.

Trong lĩnh vực AI, sự phát triển nổi bật nhất có lẽ là sự nỗi lên của các mô hình ngôn ngữ lớn, cung cấp nền tảng cho AI tạo sinh. Theo các chuyên gia, AI tạo sinh có một số tính năng cho thấy tác động về kinh tế của nó có thể lớn vượt mọi dự đoán.

Nhiều DN đổ xô đầu tư vào lĩnh vực mang lại 4.000 tỷ USD cho GDP toàn cầu, Việt Nam có cơ hội bứt phá lớn- Ảnh 1.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tham quan và trực tiếp trải nghiệm các sản phẩm AI tại AI Expo trong khuôn khổ AI4VN 2024. Ảnh: VGP

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng đến năm 2030, giá trị thị trường của AI tạo sinh có thể lên tới gần 360 tỷ USD. Tại ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam (AI4VN) 2024, GS Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học VinBigdata chia sẻ, làn sóng AI tạo sinh trên thế giới bắt đầu từ sau khi OpenAI ra mắt ChatGPT vào tháng 11/2022. 

Sau đó, nhiều quốc gia và các tập đoàn lớn cũng đã nhanh chóng tham gia vào cuộc đua này. Điều này khiến 2023 trở thành một năm bùng nổ của AI tạo sinh. Nhiều cái tên nổi bật trong thị trường AI tạo sinh như LLama của Meta, Ernie Bot của Baidu, Bard của Google, HyperCLOVA X của Hàn Quốc.

Nhiều DN đổ xô đầu tư vào lĩnh vực mang lại 4.000 tỷ USD cho GDP toàn cầu, Việt Nam có cơ hội bứt phá lớn- Ảnh 3.

GS Vũ Hà Văn chia sẻ về cơ hội bứt phá từ AI tạo sinh tại AI4VN 2024. Ảnh: MH

Theo GS Vũ Hà Văn, nhìn thấy được tiềm năng vượt trội của AI tạo sinh, nhiều doanh nghiệp đã rất mạnh tay đầu tư để phát triển cũng như ứng dụng công nghệ này. Việc đầu tư vào AI tạo sinh cũng tăng lên một cách nhanh chóng. Cụ thể, chỉ riêng trong năm 2023, tổng số tiền mà các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào AI tạo sinh đã lên tới 25,23 tỷ USD, tức là tăng gần 9 lần so với trước đó một năm.

Nhận định ứng dụng AI tạo sinh trở thành một xu hướng tất yếu, GS Vũ Hà Văn dẫn chứng theo báo cáo quý I/2024 của McKinsey, có tới 65% doanh nghiệp đã ứng dụng AI tạo sinh vào các hoạt động vận hành và kinh doanh, tăng gần gấp đôi với năm 2023 (33%).

Trong số đó, những lĩnh vực được doanh nghiệp ứng dụng AI tạo sinh nhiều nhất có thể kể đến như Marketing & Sales (34%), phát triển sản phẩm – dịch vụ (23%) và công nghệ thông tin (17%).

AI tạo sinh đã mang lại những lợi ích đa ngành. "Khi được ứng dụng đúng cách, AI tạo sinh có thể mang đến nhiều lợi ích trong nhiều lĩnh vực cho cả thế giới và Việt Nam", Giám đốc Khoa học VinBigdata nhấn mạnh.

Chẳng hạn, trong Kinh doanh – Vận hành thông minh, AI tạo sinh giúp việc hỏi đáp và tra cứu thông tin trở nên nhanh chóng, dễ dàng và hỗ trợ những hoạt động Sale & Marketing. Trong lĩnh vực Đô thị và nhà thông minh, AI tạo sinh giúp đảm bảo an ninh – an toàn, đồng thời giúp kết nối, điều khiển những thiết bị thông minh, gia tăng trải nghiệm của cư dân trong khu đô thị. Trong lĩnh vực Ô tô thông minh, trợ lý ảo có tích hợp AI tạo sinh giúp cá nhân hóa trải nghiệm lái xe...

Nhiều DN đổ xô đầu tư vào lĩnh vực mang lại 4.000 tỷ USD cho GDP toàn cầu, Việt Nam có cơ hội bứt phá lớn- Ảnh 5.

AI tạo sinh mang lại lợi ích đa ngành. Ảnh: VinBigdata

Theo GS Vũ Hà Văn, AI tạo sinh nhìn chung có thể được ứng dụng trong doanh nghiệp để gia tăng trải nghiệm khách hàng, thúc đẩy các hoạt động Sales & Marketing, tối ưu hoạt động vận hành, thông qua những giải pháp thông minh như GenAI Chatbot, GenAI Callbot, Trợ lý ảo giọng nói tích hợp GenAI....

Tuy nhiên, GS Vũ Hà Văn cho biết, việc phát triển và ứng dụng AI tạo sinh tại Việt Nam cũng gặp phải một số trở ngại về tính chính xác, bảo mật, an toàn dữ liệu, đầu tư vào hạ tầng công nghệ, chi phí triển khai lớn, đòi hỏi nguồn nhân lực trình độ cao...

Thực tế này đặt ra vấn đề là cần phải phát triển AI tạo sinh phù hợp với thị trường Việt Nam và bài toán cụ thể của các doanh nghiệp nước ta.

Việt Nam có cơ hội bứt phá từ AI tạo sinh

Nhiều DN đổ xô đầu tư vào lĩnh vực mang lại 4.000 tỷ USD cho GDP toàn cầu, Việt Nam có cơ hội bứt phá lớn- Ảnh 6.

Theo GS Vũ Hà Văn, Việt Nam cần chú trọng phát triển vào 3 trụ cột AI, bao gồm con người, tài nguyên và công cụ. Ảnh: MH

GS Vũ Hà Văn cho rằng, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển và ứng dụng AI tạo sinh. Cụ thể, về con người, Việt Nam có dân số trẻ (67,5% dân số trong độ tuổi lao động), với khả năng thích nghi cao với công nghệ, được đào tạo cơ bản về công nghệ và AI. Về nền tảng tài nguyên số, thực tế 84% người Việt sở hữu điện thoại thông minh và 4G phủ sóng tới 99,8% dân số, tạo ra nguồn dữ liệu dồi dào. "Dữ liệu của chúng ta có tính bản địa và đặc thù, nhiều bài toán mà chỉ người Việt mới có thể khai thác được", GS Vũ Hà Văn nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Việt Nam hiện đã tự phát triển và làm chủ được một số mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt. Những mô hình này đã được giới thiệu tới các tổ chức và doanh nghiệp. Minh chứng là dựa trên những lợi thế này, VinBigdata đã phát triển, làm chủ mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt vào tháng 8/2023, chỉ 9 tháng sau khi ChatGPT ra đời. Đây là tiền đề để VinBigdata ra mắt ViGPT, ChatGPT phiên bản Việt đầu tiên dành cho người dùng cuối vào tháng 12/2023. ViGPT có 2 phiên bản là phiên bản cộng đồng và phiên bản doanh nghiệp.

Hiện nay, ViGPT thuộc Top 5 trên bảng xếp hạng năng lực tiếng Việt VMLM (chỉ sau những mô hình của Meta, Google và OpenAI). Theo GS Vũ Hà Văn, khi ứng dụng vào doanh nghiệp, ViGPT có thể phát huy đưuọc các ưu điểm về khả năng ngôn ngữ linh hoạt, tổng hợp thông tin, từ đó đưa ra những đánh giá và đề xuất phù hợp.

"Việt Nam đang đứng trước cơ hội bứt phá lớn. Chúng ta không nên là người dùng cuối của công nghệ nước ngoài mà nên tự tạo công nghệ cho chúng ta, đó là công nghệ Việt cho người Việt", GS Vũ Hà Văn khẳng định.

Để đón đầu làn sóng về AI tạo sinh, theo GS Vũ Hà Văn, Việt Nam cần chú trọng phát triển vào 3 trụ cột AI, bao gồm con người, tài nguyên và công cụ. Trong số đó, về con người, cần phải đảo tạo nguồn nhân lực trình độ cao, khuyến khích và đầu tư cho những hoạt động nghiên cứu, phát triển AI tạo sinh. 

Về tài nguyên, Việt Nam cần khai thác, xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm chia sẻ, chủ động kiểm soát nội dung và đảm bảo an toàn dữ liệu quốc gia. Về công cụ, cần xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt để làm tiền đề phát triển những giải pháp tích hợp AI tạo sinh dựa trên nguồn dữ liệu của người Việt và do người Việt làm chủ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại