"Quá yêu thương một người sẽ khiến bạn trở nên hèn mọn như một hạt bụi", đây là câu nói kinh điển của nữ nhà văn Trương Ái Linh, Trung Quốc và cũng là cách hình dung tình yêu thái quá mà cha mẹ dành cho trẻ.
Trong gia đình ngày nay, vị thế của cha mẹ ngày càng thụt lùi, thay vào đó họ nâng vị thế của con lên một tầm chót vót.
Diễn viên Triệu Vy trong một chương trình truyền hình giao lưu đã chia sẻ:"Không nên đặt con ở vị thế quá cao vì sau này đứa trẻ sẽ cảm thấy cha mẹ già không quan trọng và đối xử bất công với cha mẹ".
Câu nói của Triệu Vy không sai. Bởi nếu nâng vị thế của trẻ quá cao so với cha mẹ sẽ xuất hiện một loạt những rắc rối trong cách dạy dỗ. Trẻ sẽ tự xem mình là trung tâm và cha mẹ sẽ càng khó dạy nó nên người.
Một người mẹ có con nhỏ đang học lớp 3. Một lần khi đến thăm nhà bà ngoại, đứa trẻ xem tivi chán chê liền chạy vào bếp tìm mẹ.
Bé đòi xem điện thoại, người mẹ sợ con chú tâm quá mức mà bỏ ăn cơm, thế là căn dặn: "Con ăn cơm xong, mẹ sẽ cho con xem điện thoại".
Đứa trẻ không nghe lời , quấy khóc, thậm chí còn ra tay đánh mẹ trước mặt ông bà ngoại và hét lên: "Đưa điện thoại cho con!". Ông bà càng ngăn cản thì đứa trẻ càng ngỗ nghịch đánh lại mẹ.
Người mẹ đã thỏa hiệp bằng cách đưa điện thoại cho con. Không ngoài dự đoán, khi đến bữa cơm, đứa trẻ không chịu ngồi vào bàn ăn mà mải mê bấm điện thoại. Sau cùng, bà ngoại là người mang cơm đến tận nơi dỗ dành đứa trẻ.
Trong câu chuyện này, chúng ta có thể nhận ra một đứa trẻ hỗn xược với mẹ và những người lớn bất lực trong việc dạy dỗ con cháu.
Tình cảnh tương tự rất dễ gặp, đặc biệt là khi cha mẹ không mua đồ chơi và con phản kháng bằng cách đánh cha mẹ.
Những câu nói vô lễ của trẻ thường khiến cha mẹ giận tím mặt nhưng họ không có cách nào trị con. Trong gia đình, nếu cha mẹ càng nhún nhường thì con càng khó dạy.
Gần đây, có một cách giáo dục mới là hãy từ bỏ vị thế của cha mẹ, không kiểm soát con và cho con tự do.
Phải thừa nhận đây là quan điểm tiến bộ, tuy nhiên cho con tự do không đồng nghĩa hạ thấp vai trò của cha mẹ, cũng không có nghĩa từ bỏ quyền hạn của cha mẹ đối với con.
Ví dụ, nhiều cha mẹ khi đưa ra yêu cầu luôn dùng ngữ khí thương lượng với trẻ, chẳng hạn "được không?", "có thể không?".
- Xem ti vi sẽ khiến con hư mắt đấy, con tắt tivi được không?
- Đến giờ lên giường rồi, con đi ngủ được không?
- Lần tới mẹ mua món đồ chơi ấy cho con được không?
Chẳng cần phải nghĩ ngợi nhiều, đứa trẻ sẽ xem lời nói tựa như gió thoảng qua và lập tức đáp trả với cha mẹ rằng: "Không", "Không được".
Tại sao như vậy? Bởi cha mẹ đã hạ thấp quyền hạn của mình trước mặt trẻ. Cha mẹ đang đứng ở góc độ tôn trọng trẻ, nhưng nếu tất cả mọi vấn đề đều thương lượng với trẻ sẽ khiến quyền hạn của cha mẹ suy giảm.
Điều này sẽ dẫn đến hậu quả là đào tạo ra những đứa trẻ không biết tôn trọng cha mẹ. Cha mẹ phải thiết lập uy quyền và phải biết nói "không" trước những đòi hỏi vô lý của trẻ.
Nhiều đứa trẻ giỏi quan sát phản ứng của cha mẹ, cha mẹ nhường nhịn một bước thì trẻ sẽ lấn tới một bước. Mỗi lần cha mẹ thỏa hiệp sẽ dẫn đến những bước đi sai lầm của trẻ.
Đặc biệt là khi trẻ còn nhỏ và chưa hiểu về thế giới bên ngoài. Nếu cha mẹ không thiết lập quy chuẩn và ranh giới trong giáo dục, trẻ sẽ tự xem nó là trung tâm và không nghe lời của cha mẹ.
Nhà tâm lý học James Dobson, Mỹ từng nói: "Nếu cha mẹ có thể cân bằng 2 yếu tố là thương yêu và dạy dỗ con, đứa trẻ sẽ phát triển toàn diện".
Nếu tình thương cha mẹ dành cho con là vô điều kiện, thì giáo dục con phải hội tụ đủ yếu tố là uy quyền của cha mẹ, nguyên tắc của cha mẹ và điểm giới hạn vạch ra cho con.
Nhắc đến uy quyền của cha mẹ, không phải là cố gắng trở thành cha mẹ hà khắc đối với con, thay vì sợ hãi thì đứa trẻ phải học cách tôn trọng cha mẹ, tiếng nói của cha mẹ phải có trọng lượng đối với trẻ.
Nhiều đứa trẻ ở nhà không chịu nghe lời cha mẹ, nhưng khi đến trường chúng xem lời dạy bảo của giáo viên như "thánh chỉ".
Tại sao như thế? Bởi vì giáo viên đối xử với mọi học sinh như nhau, họ không áp dụng đặc quyền đối với đứa trẻ, họ tuân thủ nguyên tắc trong khi cha mẹ phớt lờ nguyên tắc dạy con.