Thực tế buồn: Con cái ngày càng ít kiên nhẫn với cha mẹ mình! Đừng quên, già đi là một hành trình, mà chúng ta phải làm cùng với cha mẹ!

Khải Đơn |

Mất một 1 năm để trẻ con có thể tập đi. Mất 3 năm để con trẻ có thể tập nói. Cha mẹ đã dành rất nhiều kiên nhẫn cho con cái trong suốt cuộc đời mình. Nhưng với con cái, không phải ai cũng đủ kiên nhẫn với chính bố mẹ mình, dù đó chỉ là việc dạy họ cách dùng điện thoại thông minh hay Ipad.

Năm nay mẹ tôi 60 tuổi – tuổi con khỉ. Việc chứng kiến mẹ mình già đi là một trải nghiệm khó khăn và thú vị.

"Đầu tiên, vào 55 tuổi, mẹ tôi bắt đầu có những "triệu chứng" của người già thực sự như lo mình chết đi con sẽ ra sao, sợ ra ngoài, sợ gặp gỡ, quá rảnh (vì tụi tôi đã lớn và tự lo thân được) và bắt đầu suy diễn lung tung về những việc xung quanh, như việc tôi có bồ, việc em tôi học thêm cái gì đó, việc bạn của mẹ ít ghé chơi, hay chuyện trong họ hàng.

Tôi bị stress về việc này, và đã phải đọc thêm một đống thứ để có thể hiểu chuyện gì đang diễn ra mà mẹ mình cứ như hóa thành người khác hẳn vậy. Có một số thứ tóm lại như sau:

1. Phụ nữ bị biến đổi nhiều hơn đàn ông, do khi bắt đầu già đi cũng là tuổi mãn kinh, vì thế tinh thần của họ bị ảnh hưởng nặng nề từ vấn đề cơ thể này.

2. Người già nói chung, bị tách khỏi các mối quan hệ thông thường, đặc biệt là việc họ nghỉ hưu/ngưng làm việc, dẫn đến việc có rất nhiều thời gian rảnh, nhưng không có việc làm cho thấy họ có ích và có thành tự. Việc này dẫn đến hệ quả nhiều người già bắt đầu tỏ ra soi mói, tọc mạch, suy diễn, gây hấn, thu mình lại hoặc chìm vào thương nhớ, nhất là nếu con cái xa nhà hoặc có biến cố buồn bã trong gia đình.

3. Người già bị đẩy xuống vị thế thấp: Ví dụ, trước kia con cái sẽ nghe lời họ, nghe họ dạy thì giờ chẳng còn ai nghe họ nói. Điều này gia tăng việc họ bị cô lập.

4. Người già bị xung quanh nói là thôi già rồi nghỉ đi, thôi yếu rồi đừng đi xa nữa, thôi đau chân tay rồi đừng làm việc nặng. Hệ quả của việc nghe quá nhiều những lời này là họ bị thuyết phục là mình đã vô dụng, mình không nên làm gì hết, mình cần ngồi yên để không vướng tay chân con cái.

5. Tiết kiệm: Rất nhiều người già trở nên cực kỳ tiết kiệm vì suy nghĩ giờ mình không làm ra tiền, vô dụng, không nên "ăn của con cái" quá nhiều.

Thực tế buồn: Con cái ngày càng ít kiên nhẫn với cha mẹ mình! Đừng quên, già đi là một hành trình, mà chúng ta phải làm cùng với cha mẹ! - Ảnh 1.

Vậy già đi có phải là một cuộc biến động mới của đời người không? – Như cách tôi đã trải qua tuổi dậy thì cực kỳ khổ sở. Tôi nghiêm túc cho rằng đó là một trải nghiệm khó khăn không thua gì cách ta lớn lên, và đến lúc này, những đứa con phải "chỉ dẫn" cha mẹ mình cách già đi và đi với họ qua thời gian đó.

Việc đầu tiên tôi làm là tái lập thói quen có quan hệ xã hội của mẹ. Tôi bắt mẹ tôi một tuần phải đi chơi hai lần, với mấy cô hàng xóm, các cô bán quán chung, đi đâu cũng được, miễn ra rời khỏi chỗ bán hàng quen thuộc (nơi trú ẩn an toàn của mẹ). 

Rất khó khăn, mẹ viện đủ cớ để từ chối và chúng tôi đã... cãi nhau. Nhưng sau đó vài tháng, mẹ tôi bắt đầu có bạn rủ đến hồ bơi, một cô rủ mẹ đi siêu thị để xem các món hàng mới và xem khuyến mãi. Và vẫn duy trì việc có bạn, làm quen bạn mới đến giờ.

Tôi bắt mẹ tôi đọc sách và báo. Trong hai năm đầu, tôi đọc và chọn khoảng ba đầu tạp chí là Tuổi Trẻ Cuối Tuần, Tiếp Thị Gia Đình và Thế Giới Gia Đình, đặt theo năm cho mẹ. Báo phát về tận nhà. Sau đó tôi gọi điện nói báo mua mắc lắm, liệu mà đọc đi. 

Vì tiếc tiền, mẹ tôi đọc báo. Tôi chọn các tờ báo này theo tiêu chí như sau: nó phải liên quan tới cuộc sống mẹ, bao gồm nấu ăn, mua đồ, rắc rối trong nhà, sau đó chỉ kèm thêm một tờ có tin thời sự để không bị lạc hậu. Từ việc thích dần dần các công thức nấu ăn, mẹo dọn rửa, lau nhà, mẹ tôi đọc báo nhiều hơn, và bắt đầu chú ý đến các mục tin thời sự.

Với một người đi học hay làm việc văn phòng, chuyện đọc báo chẳng cần nỗ lực gì, nhưng với một người đã gần 20 năm bán tạp hóa không rớ gì tới sách vở, đọc báo là việc cần được "mồi" và tập.

Bây giờ 60 tuổi, mẹ tôi đọc báo ngày gồm Thanh Niên và Tuổi Trẻ, tạp chí vẫn là Tuổi Trẻ Cuối Tuần và Tiếp Thị Gia Đình. Tờ kia đóng cửa rồi nên không mua được. Có thể bạn không tin sức mạnh của báo chí, nhưng tờ báo giúp cho não người già được cập nhật. Họ nhìn mọi việc thoáng hơn, dễ chịu hơn, và quan trọng là bận đọc quá ngưng soi mói và tọc mạch vào chuyện người khác. Từ đó cũng ngưng luôn những suy nghĩ tiêu cực với chính mình và xung quanh.

Đọc sách: Rất nhiều người già từ bỏ thói quen đọc sách vì một nguyên nhân vô cùng ngớ ngẩn: mắt yếu và không ai mua kính cho họ. Năm tôi 10 tuổi, nhà tôi sở hữu một tủ sách khổng lồ, vì hồi đó mẹ tôi đọc sách. Đến 55 tuổi mẹ tôi chả đọc gì hết vì đã bán tạp hóa quá lâu và mắt kém dần. Việc đầu tiên là đi đo mắt và mua kính. Sau đó, tôi đi chọn sách cho mẹ.

Tôi sẽ luôn tạ ơn bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc và bác sĩ Lương Lễ Hoàng. Hai ông đã viết theo cách đơn giản nhất, gọn gàng nhất về các trải nghiệm sức khỏe, cảm giác, suy nghĩ của người đang già đi, và cả các lo sợ về sức khỏe họ sẽ gặp phải. Đó cũng là những quyển đầu tiên "tập đọc" trở lại của mẹ. 

Sự hứng thú với sách của mẹ tôi tăng dần qua từng quyển của bác Đỗ Hồng Ngọc. Và sau chừng một năm đọc rất chậm, thường xuyên trì hoãn vì bận việc, mẹ tôi đã trở lại tốc độ đọc đúng thời còn ngon lành. Và đó cũng là lúc tôi dắt mẹ đi nhà sách, chỉ dẫn cách tự chủ chọn sách, tự suy nghĩ mình cần sách gì. Hên sao cái nhà sách nằm luôn trong siêu thị, nên cứ đi chơi thì mẹ vô mua sách luôn.

Đến đây thì mọi việc gần như hoàn tất. Mẹ tôi đã ngưng tọc mạch vào chuyện người khác (thứ tính cách mà cả đời tôi chẳng thấy ở mẹ, tự dưng hiện ra khi tuổi già ập tới). Mẹ cũng ngừng suy nghĩ tiêu cực như mẹ chết thì sao, sao con mãi chưa có chồng, hàng xóm nói gì về mình... Nếu một người già đủ bận, họ cũng chẳng thừa hơi đâu mà suy nghĩ quẩn quanh, bậy bạ.

Thực tế buồn: Con cái ngày càng ít kiên nhẫn với cha mẹ mình! Đừng quên, già đi là một hành trình, mà chúng ta phải làm cùng với cha mẹ! - Ảnh 2.

Hai năm trước, một sự cố tuổi già mới xảy ra, mẹ tôi bị bệnh viện xác nhận bị tiểu đường. Lại một làn sóng của suy nghĩ tiêu cực trào lên. Nhưng may mắn thay, lúc này mẹ tôi đi mua sách coi một người tiểu đường cần làm gì để sống với căn bệnh này. Và sau một tháng tái khám, cái bệnh viện kia đã... khám nhầm. Mẹ tôi không bị tiểu đường. 

Nhưng nhờ có đống sách đó, mẹ đã hiểu người già rồi sẽ bị bệnh, và làm sao để giảm nguy cơ bệnh bằng cách điều chỉnh ăn uống, thể dục, lối sống. Cũng vào thời điểm này, tôi nhận ra suy nghĩ của người già cho rằng bản thân họ vô dụng, yếu, làm khổ con cháu thực ra xuất phát từ... con cháu và người xung quanh.

Khi mẹ già đi, dường như mọi lời nói của con đều trở nên vô cùng có sức nặng, và họ sẽ tuân mệnh toàn thể. Và con cái cứ lặp lại mẹ yếu rồi, ba yếu rồi, thôi ba vào nhà đừng làm nữa... sẽ thổi vào họ cảm giác họ chắc chắn là đã vô dụng, vướng chân. Và lúc này thì thật nguy hiểm, họ chỉ toàn nghĩ tới cái chết thôi.

Dạo gần đây, tôi yêu cầu mẹ đi học bơi (và lại cãi nhau vì mẹ tôi kiên quyết cho rằng bà chỉ cần đi bộ, không cần thêm môn thể thao nào). Sau đó mẹ tôi đã chịu đi học, gần như ngày nào cũng tập. Mỗi ngày bà đều gọi cho tôi và nói đã biết thêm động tác gì, đã nổi được ra sao... Bà còn được cô giáo động viên là bà là người lớn tuổi nhất cô từng dạy, nên hãy cố gắng biết bơi.

Lúc nghe điện thoại, tôi không dám nói với mẹ là tôi không có đứng nước được dù đã học bơi từ tám kiếp.

Già đi là một hành trình, mà con cái chúng ta phải làm cùng với bố mẹ mình.

Chẳng có cách nào khác được."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại