Thực hư tôm hùm Alaska có giá chỉ 170.000 đồng/kg

Vương Ngọc |

Với giá 170.000 đồng/kg, tôm Alaska nhập khẩu có thể chỉ là hàng đông lạnh hoặc tôm hùm đất, tôm hùm Alaska sống có giá cao hơn nhiều.

Vài ngày gần đây, dư luận xôn xao trước thông tin giá "tôm hùm Alaska" nhập khẩu chỉ 170.000 đồng/kg, trong khi giá bán lẻ trong nước lên đến tiền triệu. Thông tin dẫn từ thống kê hải quan và được giải thích là giá trên chưa bao gồm chi phí vận chuyển, thuế nhập khẩu và các chi phí khác.

Theo tìm hiểu của phóng viên, số liệu trên xuất phát từ thống kê sơ bộ của hải quan về nhập khẩu tôm 6 tháng đầu năm 2019.

Theo đó, trong thời gian trên có 3.785 kg tôm Alaska được nhập vào Việt Nam, trị giá 27.526 USD (bình quân 7,27 USD/kg, khoảng 170.000 đồng/kg) tăng 117,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Về nguồn nhập, ngoài Nhật Bản từ năm 2018 thì nay có thêm nguồn nhập từ Indonesia.

Cụ thể, tôm Alaska xuất xứ Nhật Bản (mã HS 03061790) nhập về chỉ 385 kg nhưng trị giá 12.226 USD/kg (bình quân 31,75 USD/kg, khoảng 738.500 đồng/kg) trong khi tôm Alaska xuất xứ Indonesia (mã HS 03061190) nhập về 3.400 kg nhưng trị giá chỉ 15.300 (4,5 USD/kg, khoảng 105.000 đồng/kg).

Căn cứ vào mã HS mà hải quan thống kê thì mặt hàng trên được xếp vào nhóm "loại khác" trong chương về cá và động vật giáp xác, động vật thân mềm và động vật thuỷ sinh không xương sống khác trong tôm hùm (homarus spp) được phân loại riêng.

Thực hư tôm hùm Alaska có giá chỉ 170.000 đồng/kg - Ảnh 1.

Tôm hùm Alaska là tôm biển lạnh, khác với tôm hùm nước ấm của Việt Nam

Theo ông Trần Văn Trường, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Quốc tế hải sản Hoàng Gia (TP HCM), đặc điểm của tôm hùm Alaska là tôm hùm biển nước lạnh, nguồn nhập từ trước đến giờ là từ Canada và Mỹ.

"Indonesia không có tôm hùm biển lạnh mà chỉ có tôm hùm biển tương tự như Việt Nam. Với giá nhập khẩu chỉ 4,5 USD/kg rất có thể đó là tôm hùm đất (loại 10-15 con/kg). Còn tôm hùm thực sự mà giá 170.000 đồng/kg chỉ là tôm hùm đông lạnh cỡ nhỏ" – ông Trường nhận xét.

Hiện tôm hùm Alaska tươi sống nhập từ Canada, Mỹ giá thành thấp nhất gần 700.000 đồng/kg (cỡ nhỏ) nên giá bán sỉ ra thị trường tối thiểu cũng 700.000 đồng/kg.

Ông Trường cho biết Mỹ xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc gặp khó khăn do thuế lên 25% (trước đây chỉ 10%) nên giá tôm Mỹ vào Việt Nam rẻ hơn khoảng 10% so với trước đây chứ không giảm quá nhiều.

Ngoài ra, giới kinh doanh cũng cho rằng số liệu nhập khẩu tôm Alaska chỉ từ 2 thị trường Nhật Bản và Indonesia với sản lượng chưa tới 4 tấn trong 6 tháng đầu năm 2019 chưa phải là thống kê đầy đủ về mặt hàng này.

Bởi, theo thông tin từ một vài nhà nhập khẩu tôm hùm biển lạnh lớn, sản lượng nhập khẩu của 1 doanh nghiệp đã lên đến vài tấn/tháng.

Do có nhiều doanh nghiệp tham gia nhập khẩu tôm hùm biển lạnh nên giá bán ra thị trường cạnh tranh hơn trước nhưng chưa đến mức quá rẻ.

Theo đó, giá tôm hùm Alaska tươi sống bán lẻ trên thị trường vẫn từ 800.000 đồng/kg trở lên, với tôm cỡ lớn (mỗi con trên 4 kg) giá còn cao hơn nhiều. Với tôm hùm ngộp (mới chết) hoặc tôm hùm đông lạnh giá bán lẻ từ 200.000 đồng-400.000 đồng/kg.

Thực hư tôm hùm Alaska có giá chỉ 170.000 đồng/kg - Ảnh 2.

Tôm hùm Alaska được rao bán trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình

Trước đó, trao đổi với phóng viên xung quanh ảnh hưởng của Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đối với thị trường thủy sản, ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cafatex (Cần Thơ), cho hay rất có thể nhiều mặt hàng từng là cao cấp tại thị trường Việt Nam như: tôm hùm Canada, Mexico, cá hồi Nhật, sò điệp Úc... đang có giá bình dân hơn.

Bởi, những mặt hàng này khi đến vụ khai thác ở các nước rất rẻ, nếu thuế nhập khẩu còn 0% thì người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi. Nhiều doanh nghiệp từ Canada, Mexico, Nhật,… đã bắt đầu chào giá cho các nhà nhập khẩu Việt Nam, chỉ còn chờ biểu thuế ưu đãi được công bố để lên kế hoạch kinh doanh.

Tuy nhiên, thực tế là theo CPTPP, thị trường thủy sản trong nước vẫn được bảo hộ trong vài năm tới khi Việt Nam đưa ra lộ trình giảm thuế nhập khẩu thủy sản cho mục đích tiêu dùng là 6-8 năm.

Đó là lý do vì sao CPTPP đã có hiệu lực mà các loại thủy sản nhập khẩu từ Canada, Úc, Nhật Bản,… để phục vụ tiêu dùng chưa được hưởng thuế ưu đãi 0%.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại