Trên thị trường hiện nay, xuất hiện loại tôm "lạ" có cái tên khá mĩ miều là tôm hùm đất còn có tên gọi khác là tôm rồng hay tôm hùm đỏ.
Loại tôm này được nhập từ Trung Quốc vế Việt Nam có 2 càng trước to, giống như càng cua. Thân tôm màu đất, thịt có vị ngọt dai giống tôm sú, có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau mà giá thành lại rẻ hơn tôm hùm trong nước nên được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
Theo một số chuyên gia nông nghiệp, loại tôm này là động vật ngoại lai có nguy cơ gây hại mùa màng hơn cả ốc bươu vàng.
Chiều 17-5, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT có công văn hỏa tốc gửi các tỉnh, thành phố, Tổng Cục Hải quan và quản lý thị trường đề nghị tăng cường kiểm soát loài tôm càng đỏ (tôm hùm đất) tại Việt Nam.
Tuy nhiên, mặc dù bị cấm nhưng trên các chợ mạng, tôm hùm đất vẫn được rao bán công khai. Giá bán của tôm hùm đất đang được rao bán dao động từ 350.000 - 400.000 đồng/kg. Đặc biệt, có thời điểm, giá bán còn lên tới 600.000 đồng/kg.
Tôm hùm đất rất được người Trung Quốc yêu thích
Ngoài tôm hùm sống, hiện tại Việt Nam còn nhập khẩu tôm hùm đất còn vỏ dạng đông lạnh. Từ đầu năm đến giữa tháng 5/2019, đã có hơn 23 tấn tôm hùm đất đông lạnh về Việt Nam với trị giá 82.800 USD. Tính ra, mỗi kg tôm này có giá gần 90.000 đồng, thấp hơn rất nhiều lần sơ với giá đến tay người tiêu dùng.
Thậm chí, theo chia sẻ của một đơn vị từng nhập tôm hùm đông lạnh này, có thời điểm giá nhập khẩu chỉ 40.000 - 70.000 đồng/kg.
Tới nay, Tổng cục Hải quan cũng cho biết thêm, vẫn chưa ghi nhân việc nhập khẩu chính ngạch tôm hùm đất còn sống vào Việt Nam từ năm 2018 đến nay. Như vậy, toàn bộ số tôm hùm đất đang bán tại Việt Nam đều là hàng nhập lậu.
Theo Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, tôm hùm đỏ Trung Quốc là loài thủy sinh không có tên trong danh mục thủy sản được phép kinh doanh tại Viêt Nam và xác định là loài ngoại lai xâm hại.
Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Hiệp hội tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng) cho biết, bề ngoài loài tôm hùm đất của Trung Quốc này nhìn giống như tôm hùm nhưng chỉ to bằng hai ngón tay. Nếu để loại tôm này thoát ra ngoài môi trường tự nhiên, chúng có thể tấn công các loài tôm bản địa.
Nếu nuôi đại trà loài thủy sản này sẽ là mối họa cho các công trình thủy lợi, công trình công cộng và có khả năng chúng sẽ tiêu diệt loài tôm bản địa từ việc tranh giành thức ăn để đấu tranh sinh tồn.