Ngày 20/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) ra công văn hỏa tốc gửi các tỉnh, thành phố và các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh, tiêu thụ tôm hùm đất (hay còn gọi là tôm càng đỏ, tên khoa học Cherax quadricarinatus).
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV VTC News trong ngày 21/5, vẫn còn rất nhiều cơ sở kinh doanh quảng cáo và rao bán công khai tôm hùm đất trên mạng xã hội.
Giá bán của mặt hàng này cũng cao hơn trung bình, dao động từ 250.000 - 370.000 đồng/kg (tôm hùm tươi giá 370.000 đồng/kg, hàng chế biến sẵn 250.000 đồng/suất).
Tôm hùm đất là sinh vật ngoại lai cấm nhập khẩu vào Việt Nam.
Một cửa hàng tại TP.HCM cho biết: "Toàn thị trường đang khan hiếm tôm hùm đất vì cuối tháng rồi. Lượng hàng bên em còn rất ít, khách hàng có nhu cầu mua hàng thì chờ 9 - 10 ngày nữa hàng về, bên em sẽ thông báo giá tốt hơn".
Trước lệnh cấm từ Bộ NN&PTNT, khi khách hàng hỏi mua cửa hàng này cho biết: "Anh cứ yên tâm, khi nào có hàng về, bên em sẽ thông báo với anh".
Một cá nhân bán tôm hùm đất tại Hà Nội còn tranh thủ tăng giá thêm 50.000 đồng/kg, dao động từ 350.000 - 400.000 đồng/kg (tùy thuộc vào kích cỡ của tôm hùm đất).
Một tài khoản facebook đăng bài bán tôm hùm đất với những lời quảng cáo hấp dẫn.
Theo GS Đặng Huy Huỳnh, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, nếu không ngăn chặn kịp thời, tôm hùm đất sẽ trở thành "đại họa" cho nền nông nghiệp và hệ sinh thái.
"Chúng ăn tất cả thủy sinh, cạnh tranh nguồn thức ăn với sinh vật bản địa. Những loài tôm, cá đặc trưng của Việt Nam có thể biến mất khi tôm hùm đất xâm lấn", GS Huỳnh nói.
Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Cục phó Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, tôm hùm đất đã được đưa vào danh mục sinh vật ngoại lai cấm nhập khẩu, phát triển từ năm 2013. Hoạt động kinh doanh, nuôi, phát tán loài tôm này vi phạm Luật đa dạng sinh học 2018.
"Việc kiểm soát tôm hùm đất gặp khó khăn vì thường được nhập qua đường tiểu ngạch. Khi phát hiện hành vi buôn bán, nuôi loài này, người dân cần báo ngay với UBND cấp xã gần nhất để kịp thời ngăn chặn", bà Nhàn khuyến cáo.
Theo công văn của Bộ NN&PTNT, loài tôm hùm đấ t không có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam và được xác định là loài ngoại lai xâm hại. Việc kinh doanh, tiêu thụ loài này là vi phạm quy định pháp luật về đa dạng sinh học và thủy sản.
Nhằm bảo vệ môi trường và tránh tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan có liên quan tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm.
Khi phát hiện có phát tán ra môi trường phải có biện pháp khoanh vùng, cô lập và tiêu diệt loài tôm hùm đất theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học.
Đồng thời tuyên truyền, phồ biến về tác hại của loài tôm càng đỏ đối với môi trường và sản xuất nông nghiệp; ngăn chặn sự phát tán của loài này ra môi trường tự nhiên.
Theo điều 246, Bộ luật Hình sự 2015, người nào nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đến một tỷ đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 1-5 năm.
Việt Nam có nhiều loài động, thực vật ngoại lai xâm lấn như mai dương, bìm bôi hoa vàng, ốc bươu vàng... Tốc độ phát triển của chúng rất nhanh, cạnh tranh với động, thực vật bản địa. Nhà chức trách Việt Nam đã thử nghiệm nhiều phương pháp, nhưng chưa tiêu diệt được.