Việc Việt Nam quan tâm đến xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 đã xuất hiện trên báo chí Nga từ năm 2014.
Tuy nhiên tất cả mới chỉ dừng lại ở mức độ tiềm năng, chưa có nguồn uy tín nào xác nhận hợp đồng đã được ký kết, do vậy những gì Sina đăng tải ngay lập tức bị đặt một dấu hỏi lớn.
Tin Việt Nam mua T-90 trên trang Sina của Trung Quốc
Có thể dễ dàng nhận ra thông tin mà Sina cung cấp có nhiều điểm bất thường. Đầu tiên chính là mã định danh T-90SV, được diễn giải rằng đây là phiên bản xe tăng T-90S sản xuất theo yêu cầu riêng của phía Việt Nam.
Việc đặt ký hiệu mới cho vũ khí không thể thực hiện một cách tùy tiện, nó chỉ diễn ra khi đối tác đặt hàng với số lượng cực lớn hay mua bản quyền sản xuất trong nước, trong khi đó đây không phải truyền thống của Việt Nam.
Cần nhắc lại việc nhiều báo nước ngoài gọi Su-30 của chúng ta là Su-30MK2V, nhưng các nguồn tin có độ tin cậy cao hay từ chính nhà cung cấp vẫn đơn giản phân loại đó là Su-30MK2 với cấu hình tiêu chuẩn mà thôi.
Tiếp theo là giá trị quá cao của hợp đồng, hiện tại xe tăng T-90S đang được Nga chào bán khoảng 4 triệu USD cho một đơn vị, nếu mua số lượng lớn thì có thể giảm xuống chỉ còn 3,5 triệu USD. Trong khi theo Sina thì Việt Nam phải chi tới 5 triệu USD, cao hơn cả T-90MS.
Bức ảnh được chú thích là tổ hợp tên lửa-pháo phòng không Pantsir-S1 của Việt Nam xuất hiện trên Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc
Việc báo chí Trung Quốc đưa tin không chính xác về các hợp đồng mua sắm vũ khí của Việt Nam là khá phổ biến. Lùi lại năm 2014, nhiều tờ báo lớn của nước này đã đăng một tấm ảnh chụp module tác chiến của hệ thống Pantsir-S1 và nhận định rằng đó là của Việt Nam.
Nhưng sau đó, nguồn gốc bức ảnh đã được xác định là xuất phát từ một trang Facebook vốn thường xuyên chia sẻ các tấm hình "chế", ảnh biến tấu về người lính và khí tài quân sự.
Sau 2 năm, có vẻ như các cơ quan truyền thông Trung Quốc lại mắc phải cú lừa của cư dân mạng Việt Nam thêm lần nữa.
Thông tin Việt Nam mua 130 xe tăng T-90 với giá 650 triệu USD xuất hiện trên trang Facebook nổi tiếng của Việt Nam
Vào ngày "Cá tháng Tư" năm nay, trên một trang Facebook nổi tiếng của Việt Nam đã xuất hiện một dòng trạng thái mang tính chất vui vẻ như trong ảnh, trừ khác biệt ở mã định danh T-90AV thì nội dung hoàn toàn trùng khớp với những gì Sina đăng tải.
Nhiều khả năng sau đó đã có một số thành viên lấy lại dòng status này để tham gia bàn luận trên các diễn đàn quân sự quốc tế và thông tin trên đã đến được với Sina.
Nếu đúng như vậy, trang báo của Trung Quốc đã chính thức trở thành "con cá" lớn nhất mà cư dân mạng Việt Nam "câu" được trong ngày 1/4/2016.