Thực hư lan đột biến giá 250 tỉ đồng

M.Chiến |

Các chuyên gia về hoa lan cho rằng tuy lan đột biến rất hiếm nhưng nhiều người đang muốn đẩy giá lên cao, tung giá ảo nên người mua phải rất cẩn trọng để tránh bị lừa.

Ông Bùi Hữu Giang trong vườn lan của mình. Ảnh: TRỌNG ĐỨC

Ông Bùi Hữu Giang trong vườn lan của mình. Ảnh: TRỌNG ĐỨC

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động vào chiều 22-3, thượng tá Đỗ Đình Thạch, Phó Trưởng Công an thị xã Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh), cho biết qua xác minh ban đầu vụ mua bán lan đột biến Ngọc Sơn Cước giá 250 tỉ đồng thì "việc giao dịch mua bán lan là có thật".

Mua ở ven đường (!?)

Thượng tá Đỗ Đình Thạch thông tin, ngày 20-3, Công an thị xã Đông Triều đã phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Quảng Ninh làm việc với đại diện chủ vườn lan Var Đất Mỏ là ông Bùi Hữu Giang (SN 1989, ngụ phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều) và khách hàng mua lan là ông Nguyễn Tiến Hưng (cư trú tại khu Vinhomes Bạch Đằng, TP Hải Phòng).

Vườn lan Var Đất Mỏ được ông Bùi Hữu Giang thành lập vào đầu năm 2020 tại khu Cổ Giản (phường Kim Sơn, thị xã Đông Triều) với mục đích ươm trồng, nhân giống các loại hoa lan quý hiếm.

Ngày 15-3, ông Giang có văn bản thỏa thuận về việc chuyển nhượng cho ông Hưng cây lan đột biến Ngọc Sơn Cước. Việc thanh toán được thực hiện sau một năm, khi ông Giang giao đủ số lượng 5.000 cây giống thì ông Nguyễn Tiến Hưng sẽ thanh toán số tiền như đã thỏa thuận là 250 tỉ đồng.

Về nguồn gốc cây lan Ngọc Sơn Cước, trong văn bản thỏa thuận ông Bùi Hữu Giang và Nguyễn Tiến Hưng có nêu rõ ông Giang mua của một người dân bán ven đường khu vực tỉnh Sơn La trong đợt tham quan vào đầu năm 2019.

Ông Giang cho rằng cây lan này ông mua chỉ là cây lan thường, sau khi trồng nở hoa mới biết là cây lan đột biến Ngọc Sơn Cước.

"Thực tế giữa hai bên chưa có giao dịch chuyển tiền như các phương tiện thông tin đại chúng nêu. Một số bài viết có ảnh số tiền trong giao dịch mua bán lan không phải là ở cuộc giao dịch trên.

Căn cứ biên bản làm việc giữa cơ quan công an với bên mua và bên bán và những tài liệu thu thập ban đầu xác định việc giao dịch mua bán lan Ngọc Sơn Cước trị giá 250 tỉ đồng là có thật" - thượng tá Thạch khẳng định.

Lãnh đạo Công an thị xã Đông Triều cho biết trong thời gian tới, Công an thị xã Đông Triều tiếp tục nắm tình hình, nhằm phòng ngừa, phối hợp với các đơn vị chức năng phát hiện, kiểm tra, xử lý các hoạt động lợi dụng việc mua bán lan để vi phạm pháp luật trên địa bàn.

Cơ quan này sẽ tham mưu cho Thị ủy, UBND thị xã chỉ đạo cơ quan truyền thông đưa tin vụ việc, tránh gây hoang mang, dư luận xấu trong nhân dân.

Cũng trong chiều 22-3, tại vườn lan của mình ở phường Kim Sơn, ông Bùi Hữu Giang nói: "Chúng tôi đều xác định các cây lan đột biến Ngọc Sơn Cước được nhân giống, nuôi trồng và phát triển thành cây là trên cơ sở thực tế hai bên cùng chứng kiến, kiểm tra trực tiếp. Chúng tôi cũng lựa chọn tên gọi thống nhất là cây lan đột biến Ngọc Sơn Cước".

Chỉ tay vào cây lan Ngọc Sơn Cước, ông Giang giải thích: "Sở dĩ thương vụ lan đột biến Ngọc Sơn Cước lại có giá cao vì đây không phải giá trị hiện tại mà là giá trị nhân giống sau này.

Một lá đẻ ra một mắt, một mắt ra được một cây giống cùng dòng cây bố mẹ và cây này cho ra hoa cực kỳ hiếm. Tôi khẳng định không ảo một tí nào cả. Bán là bán giá trị tương lai của loài hoa".

Giá hàng chục tỉ đồng là không bình thường

Liên quan đến thời gian qua, trên mạng xã hội đăng tải thông tin các giao dịch lan đột biến có giá hàng chục, thậm chí hàng trăm tỉ đồng, theo TS Nguyễn Xuân Trường, Viện trưởng Viện Sinh học nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), lan đột biến nếu ngoài tự nhiên thì cực hiếm vì trong hàng triệu cây mới có một cây.

"Nhưng dù hiếm thì việc lan đột biến được giao dịch với giá quá cao là điều cần tìm hiểu thấu đáo, vì lý do gì mà lan đột biến lại được đẩy giá "trên trời" như vậy" - chuyên gia này nói.

Thực hư lan đột biến giá 250 tỉ đồng - Ảnh 2.

Cây lan được giao dịch với giá 250 tỉ đồng. Ảnh: TRỌNG ĐỨC

Chuyên gia này cho rằng cũng giống như loài cá heo bạch tạng, hàng triệu con mới có một con, lan đột biến do nhiều tác nhân trong tự nhiên tác động mà thành.

"Tuy nhiên, đó là do quá trình lai tạo ngoài tự nhiên mới được gọi là đột biến, mới hiếm. Còn theo tôi quan sát những loại lan do con người tác động để lai tạo đang được rao bán trên mạng xã hội thì không thể coi là quý hiếm được" - TS Trường nói.

Về quy trình nhân cấy lan đột biến bằng công nghệ nuôi cấy mô, ông Trường cho rằng về cơ bản là được. Còn các loại lan phi điệp đột biến đang được giao dịch rầm rộ trên thị trường hiện nay là do quá trình nhân chồi, cắt đoạn.

Cũng liên quan đến các giao dịch hoa lan đột biến, ông Tạ Công Thực, Chủ tịch Hội Nhà vườn hoa lan Đông La (huyện Hoài Đức, Hà Nội), cho rằng người mua nên đến tận nhà vườn hoặc mua lan giá trị cao tại những cơ sở có uy tín.

Không nên chạy theo "cơn sốt" lan đột biến, bán cả nhà đất đi để đầu tư vào lan với mục đích làm giàu nhanh chóng. Khi mua hoa lan đột biến cần phải có ràng buộc rõ ràng về các điều khoản.

Tránh việc không tìm hiểu kỹ mà đã bỏ ra số tiền lớn để mua lan đột biến sẽ dễ trở thành nạn nhân của những chiêu trò "thổi giá".

GS-TS Trần Duy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, Chủ tịch Hội Hoa lan Hà Nội, cho biết ở góc độ khoa học, hiện nay trên thế giới có khoảng 35.000 loài lan, trong đó Việt Nam có khoảng hơn 1.000 loài. Lan đột biến vốn rất quý hiếm.

Tuy nhiên, việc các giao dịch hoa lan đột biến được đẩy lên tới hàng chục tỉ đồng là không bình thường.

"Với những người ít am hiểu về lan, không thạo kỹ thuật thì không nên mua bán lan đột biến theo cảm tính vì việc này luôn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ rủi ro và việc chăm sóc, nhân giống các loại lan đột biến thường rất khó" - GS-TS Trần Duy Quý cảnh báo.

Nhiều người đang tung giá ảo

Ông Phạm Ngọc Tạo, Chánh Văn phòng Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, không có mức giá cho lan đột biến vì tùy từng loại và tùy vào giao dịch giữa người mua, người bán.

Có giao dịch cả tỉ đồng nhưng rất ít và không đến mức lên tới hàng chục tỉ đồng như một số thông tin đang lan truyền. Nhiều người có thể đang muốn đẩy mạnh giá lan đột biến lên nên mới tung giá ảo như vậy. Hiện nay, có rất nhiều thông tin đồn thổi về giá lan đột biến.

Phải nộp thuế

Theo tìm hiểu của Báo Người Lao Động, mới đây, Cục Thuế Sơn La đã có văn bản thông báo về việc đăng ký, kê khai, nộp thuế đối với cá nhân, tổ chức buôn bán kinh doanh hoa phong lan đột biến có giá trị lớn.

Theo cơ quan này, thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh này có các cá nhân, tổ chức kinh doanh hoa phong lan đột biến gien có giá trị lớn.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Cục Thuế Sơn La, chi cục thuế khu vực các huyện, TP chưa nhận được hồ sơ đăng ký, kê khai và nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh hoa lan.

Do đó, Cục Thuế Sơn La yêu cầu các tổ chức, cá nhân có giao dịch, kinh doanh hoa phong lan đột biến gien thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế với cơ quan thuế.

Trước hàng loạt thông tin về giao dịch mua bán lan đột biến tiền tỉ, Tổng cục Thuế cho biết đã chỉ đạo Cục Thuế các địa phương kiểm soát, xác minh việc giao dịch có thực hay không, do doanh nghiệp hay cá nhân thực hiện.

Trong trường hợp doanh nghiệp thực hiện giao dịch mua bán thì phải kê khai thuế theo quy định. Theo đại diện Tổng cục Thuế, trường hợp chủ cây lan là cá nhân kinh doanh thì phải nộp thuế thu nhập cá nhân và thuế GTGT.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại