"Màn" mua bán lan đột biến gần 300 tỷ đồng ở Quảng Ninh: Cán bộ Cục thuế nói gì?

Hoàng Đan |

Theo một cán bộ Cục thuế Quảng Ninh, cơ quan bảo vệ pháp luật, chính quyền địa phương phải vào cuộc chứng minh giao dịch lan đột biến gần 300 tỷ đồng cụ thể ra sao?

Bảng quảng cáo về "màn" mua bán lan đột biến gần 300 tỷ đồng ở Quảng Ninh.

Bảng quảng cáo về "màn" mua bán lan đột biến gần 300 tỷ đồng ở Quảng Ninh.

Rất khó để thu được thuế từ những người giao dịch lan đột biến?

UBND thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) đã chỉ đạo Công an thị xã chủ trì, phối hợp với chi cục Thuế Đông Triều, UBND địa phương có liên quan kiểm tra, xác minh thông tin về giao dịch mua bán lan var (lan đột biến) với giá trị lớn, có loại lên tới 250 tỷ đồng.

Cụ thể, thông tin trên Facebook của anh Nguyễn Văn Minh cho biết đã thực hiện nhận chuyển giao 3 cuộc giao dịch lớn với tổng giao dịch là 288,5 tỷ đồng.

Theo anh Minh, cây lan var Ngọc sơn cước anh mua gồm 2 nhánh gốc, 4 mầm, dài 1,1m và có tất cả 48 lá. Ngọc sơn cước này được anh mua với giá 250 tỷ đồng. Ngoài ra, trong buổi giao dịch lan hôm ấy, anh còn mua thêm 3 lá non của các loại lan var nổi tiếng khác như: 1 lá non Pleiku với giá 20,5 tỷ đồng, 2 lá non Cờ đỏ với giá 18 tỷ đồng.

Trong ngày 20/3, phóng viên nhiều lần liên hệ vào số điện thoại của anh Nguyễn Văn Minh nhưng hiện tại số điện thoại đã tắt máy, không liên lạc được.

Phóng viên cũng liên hệ với một người khác cũng có tên trên tấm bảng quảng bá sự kiện giao dịch này nhưng cũng không liên lạc được.

Màn mua bán lan đột biến gần 300 tỷ đồng ở Quảng Ninh: Cán bộ Cục thuế nói gì? - Ảnh 1.

Loại lan đột biến Ngọc Sơn Cước.

Trong khi đó, trao đổi với PV, một cán bộ của Cục thuế Quảng Ninh thông tin, bước đầu cơ quan chức năng đã xác minh được bên chuyển nhượng là nhà vườn lan var Đất Mỏ tại thị xã Đông Triều (Quảng Ninh).

Ông Mạnh cho biết nhà vườn này đang nuôi trồng 12 ha lan các loại. Còn thông tin về thương vụ mua bán lan var Ngọc Sơn cước trị giá 250 tỷ đồng thì "cơ quan không nắm rõ".

Phía nhà vườn cho biết toàn bộ số lan trong vườn hiện mới chỉ trong giai đoạn ươm cấy, nuôi trồng, không xác nhận việc mua bán.

Theo quan điểm của vị cán bộ thuế, nếu là hộ gia đình phát triển nông nghiệp thì không thuộc đối tượng quản lý của cơ quan thuế. Thuế chỉ quản lý doanh nghiệp và hộ kinh doanh.

Do đó, cơ quan bảo vệ pháp luật, chính quyền địa phương phải vào cuộc để chứng minh giao dịch đó là thực hay hư, cụ thể ra sao?

Một vấn đề nữa được vị cán bộ thuế nêu ra, đó là hiện nay Nhà nước đang khuyến khích phát triển nông nghiệp nên nếu xác định, đây là sản phẩm nông nghiệp trồng trọt sẽ được miễn nhiều loại thuế.

"Trong trường hợp họ không phải là hộ doanh nghiệp thì ngành thuế cũng rất khó để thu được thuế từ những người giao dịch lan đột biến, cho dù giao dịch đó có thể lên đến hàng tỷ đồng", vị này nói.

Trước đó, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, các thương vụ bán hoa lan đột biến lên đến vài tỷ hoặc vài chục tỷ gây rúng động dư luận ở Phú Thọ, Hòa Bình trong năm 2020 đều không xác định được giao dịch, hợp đồng nên không thể thu được thuế.

Vị này cho hay, nếu cá nhân kinh doanh lan đột biến phải nộp thuế thu nhập cá nhân và giá trị gia tăng, còn nông dân bán sản phẩm mà họ trồng được không phải nộp hai khoản thuế này.

Thời gian tới, cơ quan thuế sẽ tiếp tục theo dõi và phối hợp với các cơ quan chức năng khác như công an, đăng ký kinh doanh… để giám sát hoạt động kinh doanh lan đột biến.

Trường hợp phát hiện các cá nhân, tổ chức bán lan đột biến mà chưa đăng ký, kê khai và nộp thuế thì ngành thuế sẽ xử lý theo quy định.

Cần phải xem xét lại bản chất, phương thức tiến hành giao dịch

Cũng trao đổi với PV, ông Vương Xuân Nguyên, Chánh Văn phòng Hội Sinh vật cảnh Hà Nội cho rằng, cần phải xem xét lại bản chất và phương thức tiến hành các giao dịch của những "màn" mua bán lan đột biến ầm ĩ trên mạng xã hội vừa qua.

Theo ông Nguyên, giá cả giao dịch lan đột biến là do người bán và người mua tự thỏa thuận, không có mức giá chung nào, trong khi đó, các chiêu trò 'thổi giá' để lừa người chơi cũng không hiếm.

Ông cho rằng, nếu giao dịch ở Quảng Ninh là có thật thì phải xem lại bản chất và phương thức của giao dịch là bằng tiền mua đứt hay lấy hàng đổi hàng hoặc vật trung gian khác.

Nếu là giao dịch được thanh toán bằng tiền mặt theo phương thức mua đứt bán đoạn thì người mua sẽ khó tránh khỏi rủi ro, bởi với số tiền lớn như vậy, chi phí cơ hội đầu tư rất lớn, trong khi lĩnh vực đầu tư lại rất rủi ro.

“Vì vậy, tôi nghĩ giao dịch đó có thể là có thực nhưng giao dịch theo phương thức nào, đổi hàng hay bằng tiền, hay một cam kết trong tương lai nào khác giữa họ, cần phải xem xét thêm.

Nhiều khả năng là chỉ có số tiền mặt nhất định, còn lại họ đổi hàng cho nhau hoặc kèm theo những thỏa thuận nào đó”, ông Nguyên cho biết.

Trong khi đó, anh Nguyễn Công (chủ một vườn lan ở Quảng Ninh) cho hay, lan phi điệp đột biến 5 cánh trắng Ngọc Sơn Cước là loại mới xuất hiện trên thị trường nhưng hiếm, do đó, giá thường bị những người giao dịch "làm giá" rồi đẩy lên mức rất cao.

Tuy nhiên, với mức 250 tỷ đồng, theo anh Công là điều lần đầu tiên anh nghe thấy và cũng không dám khẳng định, đây là "màn" giao dịch thật hay không có thật.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại