Ông Bùi Hữu Giang, chủ vườn lan Đất Mỏ, cùng cây lan đột biến
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Thượng tá Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng Công an thị xã Đông Triều, cho biết, vụ mua bán là có thật. Cả 2 bên có hợp đồng cho việc mua bán này, nhưng đây là hợp đồng trong tương lai.
Thượng tá Sơn giải thích, trong hợp đồng nêu trên, mỗi cây lan sau khi được ươm giống thành công có trị giá 50 triệu đồng nên 5.000 cây có giá 250 tỷ đồng. Đây là hợp đồng trong tương lai vì khi giao cây mới nhận tiền, chứ không phải một cây có giá 250 tỷ đồng như lời đồn đoán.
Thượng tá Sơn cho biết, đơn vị đã báo cáo Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh cùng Bí thư, Chủ tịch tỉnh về việc này. Đây là giao dịch của các cá nhân trong hội chơi lan với nhau.
“Sau khi xác minh điều tra, chúng tôi nhận thấy không có dấu hiệu lừa đảo và bị hại cũng không có đơn tố cáo hay khiếu nại về việc bị lừa đảo nên không có căn cứ để xử lý”, ông nói.
Liên quan sự việc trên, ông Phạm Văn Thành, Bí thư, Chủ tịch UBND thị xã Đông Triều, cho biết thị xã đã giao công an và cơ quan thuế đến vườn lan xác minh. Theo ông Thành, cơ quan chức năng chưa phát hiện được sai phạm liên quan vụ mua bán lan đột biến.
“Chúng tôi yêu cầu cơ quan thuế kết hợp với các phòng, ban nghiệp vụ tiếp tục làm việc với chủ vườn lan để tìm hướng xử lý”, ông nói.
Thị xã cũng giao công an theo dõi, nắm bắt tình hình, kiểm soát các hoạt động mua bán lan đột biến tại địa phương để tránh các phần tử xấu lợi dụng việc mua bán thực hiện hành vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự tại địa phương.
Trước đó, vào ngày 15/3, cộng đồng mạng xôn xao về một thương vụ mua bán lan var Ngọc Sơn Cước trị giá 250 tỷ đồng diễn ra tại Mạo Khê, Đông Triều, Quảng Ninh.
Trên facebook của anh Nguyễn Văn Minh, người được cho là mua cây lan trị giá 250 tỷ đồng, đã đăng tải thông tin về việc nhận chuyển giao 3 cuộc giao dịch lớn với vườn lan var Đất Mỏ có tổng giao dịch là 288.500.000.000 đồng.
Trong đó, có một cây Ngọc Sơn Cước giá 250 tỷ đồng, một lá non Pleiku giá 20,5 tỷ đồng và 2 lá non Cờ đỏ giá 18 tỷ đồng.