Cụ thể, tờ Apostrophe của Ukraine nhận định, sự thay đổi trong thái độ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về việc Gruzia gia nhập liên minh cho thấy ý định rõ ràng hơn của liên minh chính trị-quân sự phương Tây trong việc chấp nhận một thành viên khác. Điều gì đã khiến khối NATO thay đổi lập trường như vậy?
Mới đây, cuộc gặp giữa Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Thủ tướng Gruzia Giorgi Gakharia tại Brussels được đánh dấu bằng một tuyên bố lớn. Tổng Thư ký kêu gọi Tbilisi tiếp tục tận dụng mọi cơ hội để quan hệ hợp tác với NATO và chuẩn bị trở thành thành viên của liên minh này.
Gruzia gia nhập NATO có trở thành hiện thực?
Vào ngày 29/9, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, trong cuộc gặp với Thủ tướng Gruzia Giorgi Gakharia, đã lưu ý rằng Gruzia là một trong những đối tác quan trọng nhất của NATO, đóng góp vào an ninh chung của Liên minh trên nhiều phương diện, bao gồm cả việc tham gia sứ mệnh huấn luyện của NATO tại Afghanistan. Ngoài ra, Tổng thư ký còn trực tiếp nói với Tbilisi hãy “chuẩn bị trở thành thành viên của Liên minh này”.
“Gruzia đã đạt được tiến bộ tốt trong việc hiện đại hóa các lực lượng vũ trang và củng cố nền dân chủ. Tôi mong các bạn tiếp tục tận dụng mọi cơ hội để thiết lập quan hệ với NATO. Và chuẩn bị cho tư cách thành viên của Liên minh. Chúng tôi hy vọng rằng các cuộc bầu cử ở Gruzia vào tháng tới sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế cao nhất. Điều này quan trọng đối với Gruzia và NATO”, ông Stoltenberg nói.
Vậy có khả năng Gruzia trở thành thành viên của NATO sắp đến gần không? Cựu tùy viên báo chí của Đại sứ quán Gruzia tại Ukraine Bacho Korchilava chắc chắn rằng một giải pháp chính trị cho vấn đề này đã có từ lâu, nhưng một điểm quan trọng vẫn còn tồn tại.
“Để điều này xảy ra, điều duy nhất mà các cơ quan chức năng của NATO và các chính trị gia Gruzia đã nói về lâu nay là công bố cái gọi là phiên bản của người Đức. Đó là khi gia nhập NATO, Đức chính thức từ chối áp dụng Điều 5 của Hiến chương NATO liên quan đến các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, như Đức đã làm trong mối quan hệ với Cộng hòa Dân chủ Đức khi nước này trở thành thành viên của Liên minh”, ông Korchilava nói.
Đước biết, điều khoản 5 quy định rằng cuộc tấn công vào một trong các thành viên NATO sẽ được coi là một cuộc tấn công vào tất cả các thành viên của Liên minh.
“Bây giờ một quốc gia có lãnh thổ gia nhập NATO và nói rằng họ bắt đầu chiến tranh với Nga để giành lấy lãnh thổ. Điều đó rõ ràng rằng nó sẽ không phù hợp. Nhưng nếu bạn cam kết không áp dụng điều khoản 5 liên quan đến các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, thì bạn cũng sẽ có một chiếc ô an ninh - bạn trở thành một thành viên NATO và không ai có thể đòi lãnh thổ của bạn”, chuyên gia người Gruzia giải thích.
“Đó là như ở Đức. Có Cộng hòa Dân chủ Đức là một thành viên của Liên minh, nhưng không áp dụng điều khoản 5 liên quan đến Cộng hòa Dân chủ Đức, mà đang chờ đợi những thay đổi về tình hình địa chính trị. Và khi nó xảy ra vào năm 1991, Đức đã nắm bắt cơ hội một cách hoàn hảo”, ông Korchilava nói thêm.
Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Ukraine Nikolay Kapitonenko không đồng ý với những lập luận như vậy. Theo ông, trở ngại đối với việc Gruzia gia nhập NATO hoàn toàn không phải ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, mà vì có nguy cơ xảy ra xung đột quân sự với Nga trên chính lãnh thổ của Gruzia.
“Đây không phải là về tình hình ở Abkhazia và Nam Ossetia, mà là về những rủi ro liên quan đến Gruzia. Rõ ràng là không ai sẽ chọn một quốc gia muốn đòi lại các vùng lãnh thổ đã mất với sự giúp đỡ của NATO. Nhưng không ai muốn đảm bảo an ninh cho chính Gruzia, vì nguy cơ xảy ra xung đột quân sự với Nga vẫn còn cao và NATO không muốn làm điều đó”, ông Kapitonenko giải thích.
Theo chuyên gia này, trên thực tế và một số vấn đề khác không kém phần quan trọng, sẽ không cho phép Tbilisi nhận tư cách thành viên của Liên minh trong tương lai gần.
“Không chắc Gruzia sẽ sớm trở thành thành viên NATO vì một số lý do. Thứ nhất, giống như ở Ukraine, nguy cơ cao xảy ra xung đột vũ trang với Nga. Thứ hai, tình hình ở Kavkaz đang trở nên trầm trọng hơn và các rủi ro bổ sung của NATO hầu như không cần thiết. Thứ ba, tương lai của NATO sẽ phụ thuộc phần lớn vào kết quả của cuộc bầu cử Mỹ. Nếu ông Trump chiến thắng, tương lai của Liên minh sẽ rất mơ hồ, và khó có khả năng trong tình huống này NATO có thể nói về việc mở rộng thêm thành viên”, chuyên gia nhận định.
Hiện tại cơ hội của Gruzia là rất hạn chế, mặt khác, luận điệu của ông Stoltenberg đã thực sự thay đổi, kể từ tháng 12/2019. Tổng thư ký tuyên bố rằng Ukraine và Gruzia sẽ là thành viên của Liên minh, nhưng vẫn còn quá sớm để xác định khung thời gian chính xác cho việc gia nhập.