TT Gruzia "trải lòng" về quan hệ với Moskva và quá khứ với Liên Xô: Căng thẳng với Nga mãi cũng thành quen...

Hồng Anh |

Trong cuộc phỏng vấn gần đây với hãng thông tấn DW của Đức, Tổng thống Gruzia đã "trải lòng" về những căng thẳng với Nga gần đây và mong muốn gác lại quá khứ để tiến về phía EU.

Những cuộc biểu tình bạo lực nổ ra tại Tbilisi bắt đầu từ cuối tháng 6 do chuyến thăm của các nhà lập pháp Nga tại nước này, và còn kéo dài trong vòng 3 tuần sau đó, đã khiến mối quan hệ vốn căng thẳng giữa hai nước thêm tồi tệ.

Ít nhất 240 người đã bị thương trong các cuộc biểu tình này, và Tổng thống Gruzia Salome Zurabishvili đã buộc phải cắt ngắn các chuyến công du nước ngoài của mình và nhanh chóng trở về nước để giải quyết tình hình.

Phía Moskva đã gọi phong trào biểu tình tại Gruzia là "sự cuồng loạn của đám đông bài Nga". Tổng thống Nga Vladimir Putin sau đó đã ban bố lệnh cấm các chuyến bay tới Gruzia, đồng thời truyền thông nhà nước Nga cũng đồng loạt kêu gọi công dân nước này hủy chuyến bay tới Gruzia, và đặt ra nhiều câu hỏi về chất lượng rượu vang nhập khẩu từ Gruzia.

Gần đây, sau vụ việc một MC truyền hình Gruzia lăng mạ Tổng thống Putin và cha mẹ quá cố của ông trên sóng trực tiếp, dư luận hai nước lại càng thêm phẫn nộ. Quốc hội Nga thậm chí đã có ý định tung đòn trừng phạt kinh tế nhằm vào Gruzia, nhưng ông Putin đã bất ngờ phủ quyết điều này.

Đầu tuần này, hãng tin DW của Đức đã có cuộc phỏng vấn với Tổng thống Zurabishvili, bên lề một diễn đàn được tổ chức tại thành phố Batumi, Gruzia, nhân sự kiện kỷ niệm 10 năm Đối tác Phương Đông (EaP). Bà Zurabishvili đã chia sẻ quan điểm về những vấn đề nóng gần đây trong quan hệ Nga - Gruzia, cũng như những vấn đề liên quan tới liên minh châu Âu (EU) và EaP.

Sau đây là phần trích lược nội dung cuộc phỏng vấn trên:

DW: EaP có sự tham gia của EU và 6 quốc gia Đông Âu, và chương trình này cũng có ý nghĩa quan trọng đối với Gruzia. Trong khi đó, Gruzia lại có lịch sử quan hệ lâu dài và quan hệ chặt chẽ với Nga về kinh tế.

Vậy bà làm thế nào để cân bằng giữa việc Gruzia mong muốn gia nhập EU - và thậm chí cả NATO nữa - với quá khứ của Gruzia trong khối Liên Xô và mối quan hệ với Nga hiện nay?

Tổng thống Zurabishvili: Điều đó rất dễ dàng, vì chúng tôi chỉ có duy nhất một con đường. Chúng tôi có thể quan hệ với Nga và có một quá khứ mà chúng tôi đang dần vượt qua, nhưng con đường chúng tôi đi ngày nay rất rõ ràng. Kể từ sau khi tách ra khỏi Liên Xô [sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991], chúng tôi đã bắt đầu chuyển dịch từ từ và chắc chắn về phía EU.

Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi không phải đối mặt với thách thức. Chúng tôi đã trải qua các cuộc xung đột đóng băng, và một cuộc chiến năm 2008. [Tháng 8/2008, Gruzia đã thua Nga trong cuộc chiến chớp nhoáng, kết quả là các tỉnh Nam Ossetia và Abkhazia của nước này đã tuyên bố ly khai với sự hậu thuẫn của Moskva.]

Ngoài xung đột về lãnh thổ, gần đây chúng tôi lại tiếp tục căng thẳng với Nga. Tuy nhiên chúng tôi đã quen với điều đó, và do đó những căng thẳng [với Nga] không thể nào cản bước Gruzia tiếp tục bước về phía EU. [Việc là thành viên của EU] là điều cố hữu trong bản chất, văn hóa và lịch sử của Gruzia. Chúng tôi cảm thấy mình là một phần của châu Âu.

TT Gruzia trải lòng về quan hệ với Moskva và quá khứ với Liên Xô: Căng thẳng với Nga mãi cũng thành quen... - Ảnh 2.

Biểu tình bạo lực chống Nga ở Gruzia. Ảnh: AP.

DW: Hàng loạt cuộc biểu tình đã nổ ra trên đường phố ở Tbilisi trong gần 3 tuần qua, và Nga dường như là một chủ đề tranh luận lớn tại Gruzia gần đây. Vậy mối quan hệ của Gruzia và Nga hiện nay ra sao?

Bà Zurabishvili: Các cuộc biểu tình tự phát là lý do vì sao chúng tôi [Gruzia] nên ở bên các đối tác châu Âu của mình và lo lắng về những vết thương hở từ sau các cuộc xung đột [với Nga]. Dân chúng không bao giờ để yên cho các cuộc xung đột bị bỏ ngỏ trong một thời gian dài.

Gruzia đã chính thức và hoàn toàn từ bỏ ý định sử dụng vũ lực. Tuy nhiên trong thời điểm hiện tại chúng tôi không có phương thức ngoại giao để giải quyết vấn đề này, bởi chúng tôi không có quan hệ ngoại giao với Nga.

Tôi nghĩ đó là thông điệp chính mà những người biểu tình muốn truyền tải - rằng chúng ta cần phải hành động. Tất cả chúng ta. Điều đó có nghĩa là các đối tác châu Âu và tất cả các bên tham gia định dạng Geneva cần hành động, cần giải quyết vấn đề này ở mức độ chính trị. [Các cuộc thảo luận quốc tế tại Geneva đã được khởi động tại Thụy Sĩ vào tháng 10/2008 nhằm giải quyết những hậu quả của cuộc chiến tranh ở Gruzia].

DW: Bà có liên lạc với Điện Kremlin và thường xuyên trao đổi với Tổng thống Putin không?

Bà Zurabishvili: Chúng tôi không làm điều đó. Do chúng tôi không có quan hệ ngoại giao kể từ sau cuộc chiến tranh năm 2008, nên Gruzia thường trông cậy vào các đối tác tương lai của mình [EU], hoặc là các nhà hòa giải, sẽ lên tiếng bênh vực Gruzia để phía Nga hiểu rằng họ phải xây dựng quan hệ với láng giềng trên nền tảng sự tôn trọng của đôi bên, cũng như sự tôn trọng các quy tắc và luật pháp quốc tế. Đó cũng là cách tạo dựng sự ổn định trong khu vực.

DW: Gruzia cần bao nhiêu thời gian nữa để thỏa mãn các điều kiện trở thành thành viên của EU?

Bà Zurabishvili: Điều đó dĩ nhiên là rất khó dự đoán trước. Con số ấy không phụ thuộc vào chuyện Gruzia có đủ điều kiện hay không, vì chúng tôi đang làm tất cả trong tầm khả năng của mình. Do đó, nó phụ thuộc vào việc EU liệu đã sẵn sàng quyết định tương lai của chính họ hay chưa.

Điều quan trọng đối với Gruzia hiện tại là tham gia các chương trình và chính sách mà chúng tôi đã thực hiện [nhưng vẫn chưa là thành viên]. Và thông qua cách tiếp cận từng bước này, chúng tôi sẽ trở thành thành viên [của EU] vào một ngày nào đó. Để đạt được mục đích ấy, chúng tôi cần sự ủng hộ [của EU], vì chúng tôi đã dấn thân vào con đường cải cách khó khăn nhất, thách thức nhất. Chúng tôi sẽ cần mọi sự ủng hộ có thể về tài chính và chính trị.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại