Thực hư đằng sau cuốn sách "bằng chứng sở hữu Biển Đông" của TQ

Đức Huy |

Tháng trước, Nhân dân Nhật báo đã đưa tin về cuốn sách 600 năm tuổi của một ngư dân tỉnh Hải Nam, và gọi đó là "bằng chứng sở hữu Biển Đông" của Trung Quốc (!?).

Để thu thập thông tin về cuốn sách mà phía Trung Quốc nói rằng "có chứa bằng chứng cực kì quan trọng về chủ quyền quốc gia" này, nhóm phóng viên do trưởng đại diện BBC tại Bắc Kinh John Sudworth dẫn đầu đã tìm đến cảng Đàm Môn, phía đông đảo Hải Nam.

Theo bài báo do Nhân dân Nhật báo đăng tải tháng trước, một ngư dân về hưu có tên Su Chengfen đang giữ cuốn sách này, trong đó có chứa chỉ dẫn mà tổ tiên ông Su khi xưa dựa vào đó mà di chuyển tới các đảo đá ở quần đảo Trường Sa (chủ quyền Việt Nam).

Truyền thông Trung Quốc cũng vin vào cuốn sách này để dựng lên luận điệu theo kiểu "chúng tôi là người đến đó đầu tiên", đồng thời gọi cuốn sách là "bằng chứng thép" cho quyền sở hữu của Trung Quốc trên Biển Đông (!?).

Tại cảng Đàm Môn, nhóm phóng viên BBC đã tìm được đến nhà nhà ông Su, chỉ cách bờ biển vài phút đi bộ.

Thực hư đằng sau cuốn sách bằng chứng sở hữu Biển Đông của TQ - Ảnh 1.

Phóng viên John Sudworth của BBC phỏng vấn ông Su Chengfen

Khi được hỏi về cuốn sách, ông Su đáp: "Nó được truyền lại từ thế hệ này qua thế hệ khác. Từ ông tôi, đến cha tôi, rồi giờ đến tôi.

Cuốn sách chủ yếu hướng dẫn chúng tôi cách di chuyển trên biển, đi ra quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa (chủ quyền Việt Nam - PV) rồi trở lại đảo Hải Nam".

Nhưng khi phóng viên Sudworth xin phép được xem cuốn sách mà chỉ mới tháng trước còn xuất hiện trên khắp các trang thông tin của Trung Quốc, thì ông Su nói rằng giờ nó... không còn nữa.

"Cuốn sách đúng là quan trọng thật, nhưng tôi vứt nó đi rồi, vì nó không còn dùng được nữa. Các trang sách được giở đi giở lại quá nhiều lần. Nước biển mặn trên tay ngư dân đã làm mòn sách. Rốt cục thì không đọc nổi nữa nên tôi vứt đi rồi" - ông Su cho biết.

Không rõ nội dung cuốn sách ra sao, nhưng việc vứt đi một tài liệu 600 tuổi "có chứa bằng chứng cực kì quan trọng về chủ quyền quốc gia" thì quả là khó hiểu, BBC nhận định.

Hãng tin này cũng cho rằng, kể cả khi ông Su có còn giữ cuốn sách, thì nó cũng chỉ cho thấy rằng khi xưa ngư dân Trung Quốc từng ra Biển Đông, chứ không thể là bằng chứng khẳng định "quyền sở hữu" như những gì truyền thông Bắc Kinh hô hào.

Ngoài ra, rất nhiều quốc gia khác cũng có thể trình bày bằng chứng tương tự về truyền thống đánh bắt cá trên Biển Đông của ngư dân nước mình.

---  

Nhóm phóng viên BBC rời khỏi nhà ông Su, và theo sau họ trên từng bước chân trên đảo Hải Nam là một đoàn xe của chính phủ Trung Quốc. Đoàn xe này bám sát ông Sudworth và cộng sự mỗi khi họ phỏng vấn ngư dân, nói chuyện với thương nhân ở chợ cá, và chỉ rời đi khi các phóng viên đã về đến khách sạn.

Nhưng theo BBC, việc bám sát này có vẻ không thật sự cần thiết, bởi gần như chẳng mấy ai trên đảo chịu nói gì với các phóng viên, hoặc nếu có thì cũng chỉ lặp lại luận điệu của chính phủ rằng "người Trung Quốc đã đến trước".

Thậm chí, ngay sau khi BBC phỏng vấn một thuyền trưởng, cảnh sát đã lập tức đến bắt người thuyền trưởng này về tra hỏi.

Theo BBC, một trong những lý do dẫn tới việc nhóm phóng viên bị kiểm soát nghiêm ngặt như vậy là vì họ đã hỏi quá nhiều về lực lượng "dân quân biển" trên đảo Hải Nam.

Việc Trung Quốc huấn luyện quân sự cho ngư dân từ lâu đã được biết đến, nhưng trong vài năm trở lại đây, số lượng dân quân có mặt trên các thuyền đánh cá của Trung Quốc đã tăng lên đáng kể, như một phần của tham vọng bành trướng và khẳng định chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Dưới lớp vỏ bọc tàu cá dân sự, nhóm dân quân này làm nhiệm vụ giám sát, có lúc còn quấy nhiễu tàu thuyền nước khác, hay thậm chí có thể được dùng để đánh chiếm lãnh thổ trên biển.

Thực hư đằng sau cuốn sách bằng chứng sở hữu Biển Đông của TQ - Ảnh 2.

Trên những con tàu đánh cá của Trung Quốc không chỉ có ngư dân. Ảnh: Reuters

Nhóm dân quân này thậm chí còn có "đại bản doanh" riêng bên trong tòa thị chính trên đảo Hải Nam, và được đích thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm vào năm 2013.

Dù phóng viên BBC đã rất cố gắng gạn hỏi, song không một ai trên đảo Hải Nam dám hé lộ bất kì thông tin gì về vai trò của nhóm dân quân biển này.

Ông Sudworth và các cộng sự khép lại chuyến công tác tại thành phố Tam Á, phía nam đảo Hải Nam. Tại đây, một chiếc du thuyền đang chuẩn bị rời cảng để đi đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, hiện Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép.

Đây là chặng khởi điểm của một tour du lịch 5 ngày do Trung Quốc ngang nhiên thiết lập vào năm 2013, và chỉ dành riêng cho khách trong nước.

BBC đánh giá, đây quả thật là một ý tưởng du lịch quái gở - lênh đênh trên biển nhiều ngày chỉ để ngắm đảo đá không người ở. Nhưng đó chính là minh chứng rõ nhất cho luận điệu xuyên tạc về Hoàng Sa và Trường Sa mà Trung Quốc đã và đang nhồi nhét vào đầu người dân nước này.

Phóng viên BBC hỏi một người phụ nữ trước khi lên thuyền, rằng tại sao bà lại dành những ngày nghỉ phép quý giá của mình để đi du lịch trên các đảo đá không người ở giữa biển khơi.

"Chúng tôi không đến đó để tận hưởng. Chúng tôi đã được giáo dục từ lúc lọt lòng, rằng đó là lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc (!?). Nghĩa vụ của chúng tôi là phải đến đó" - bà đáp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại