Trước báo giới ở Copenhagen, khi được hỏi về việc 51 nhà ngoại giao cùng ký vào một bản ghi nhớ chỉ trích nội bộ, chỉ trích chính sách của Tổng thống Obama đối với Syria và hối thúc quân đội Mỹ tấn công Assad, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói: "Đó là một tuyên bố quan trọng... Và tôi rất rất tôn trọng quá trình này".
Theo báo Mỹ New York Times, đặt vị trí là một thành viên nội các, khi chứng kiến bất đồng vừa nổ ra công khai giữa giới chức ngoại giao và Nhà Trắng, thì sẽ thấy, phản ứng của ông Kerry rất mềm mỏng.
Có thể giải thích thái độ này của ông Kerry bởi thực tế rằng, ông chưa đọc tài liệu đó, hoặc cũng có thể "kênh bất đồng chính kiến" là một cơ chế được Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá cao - một cơ chế đảm bảo cho tất cả các nhân viên của bộ được bày tỏ sự phản đối mà không sợ bị trả thù.
Tuy nhiên, theo New York Times, lời giải thích hợp lý nhất cho việc này là ông Kerry ít nhiều đồng ý với các nhà ngoại giao của mình.
Những lời kêu gọi Mỹ có hành động quân sự mạnh mẽ hơn đối với Tổng thống Syria Assad gần giống với lập luận mà theo các quan chức chính quyền Mỹ, ông Kerry đã từng đưa ra trong cuộc tranh luận tại Phòng Tình huống, khi ông cố gắng buộc Assad phải tuân thủ lệnh ngừng bắn và đồng ý chuyển giao quyền lực.
Theo các quan chức này, ông Kerry từng nói với Tổng thống Obama rằng ông đang làm việc mà không có bất cứ một đòn bẩy nào ở Syria và rằng, nếu Mỹ không tăng áp lực lên Assad, thì ông ta chỉ cần chờ tới khi Obama hết nhiệm kỳ là "xong".
"Đôi khi, Ngoại trưởng Kerry thực sự nghi ngờ cách tiếp cận của Tổng thống ở Syria", Frederic C. Hof, cựu cố vấn đặc biệt của chính phủ Mỹ ở Syria, nay đang làm việc cho hãng tư vấn chính sách Hội đồng Đại Tây Dương, tiết lộ. "Phản ứng mềm mỏng của ông ấy cho thấy sự đồng cảm (với nội dung bản ghi nhớ).
New York Times dẫn lời một quan chức biết tính toán của Kerry cho hay, sự khác biệt giữa Ngoại trưởng Mỹ với 51 nhà ngoại giao đã ký vào bản ghi nhớ này là, có thể ông sẽ cân nhắc mở rộng các chiến dịch quân sự nhằm thay đổi cán cân trong cuộc chiến ở Syria.
Còn bản ghi nhớ đơn giản là đề nghị Mỹ tiến hành các cuộc không kích nhằm vào Assad như một cách buộc ông ta phải đàm phán.
Dù thế, không có nhiều nhà phân tích cho rằng Obama sẽ thay đổi chính sách của mình hiện nay - ưu tiên mục tiêu chống IS trong các chiến dịch quân sự, thay vì nỗ lực lật đổ Assad.
Các chỉ huy quân sự của Obama có thể cũng ủng hộ lập trường đó, bởi họ lý luận rằng, việc loại nhà lãnh đạo Syria sẽ để lại một khoảng trống an ninh nguy hiểm. Họ cũng lo lắng về xung đột trực tiếp hơn giữa Mỹ và Nga.