Thực hư chưa biết ra sao, nhưng mới đây một bộ xương được phát hiện ở Ba Lan với chiếc liềm ngang cổ và ổ khóa ở ngón chân đã gây xôn xao giới khảo cổ. Liệu đây có phải là thi thể của “ma cà rồng”?
Các nhà khảo cổ học trong khi làm việc tại một địa điểm gần Pien, Ba Lan đã khai quật một hài cốt nữ được cho là có liên quan đến cơn sốt ma cà rồng ở Đông Âu cách đây hơn 200 năm.
Theo tờ Heritage Daily, các báo cáo về ma cà rồng tràn ngập khắp châu Âu vào thế kỷ 18, cùng với các cuộc khai quật để khóa chân, đóng đinh những người chết bị tình nghi là “quỷ hút máu”.
Ngôi mộ này có niên đại vào khoảng thế kỷ 17, trước khi nỗi sợ ma cà rồng lên đến đỉnh điểm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những người an táng người phụ nữ trẻ không rõ danh tính này đã cố gắng hết sức để đảm bảo cô ta sẽ không trở lại từ cõi chết.
Giáo sư Dariusz Polinski thuộc Đại học Nicolaus Copernicus, Ba Lan, giải thích, dựa trên vị trí cơ thể và lưỡi liềm, chúng tôi cho rằng, mục đích của việc chôn cất này nhằm khiến cho đầu của người phụ nữ bị cắt rời, nếu cô ta cố gắng trỗi dậy từ ngôi mộ để khủng bố người sống.
“Chiếc liềm không nằm trên mặt phẳng mà được đặt ở cổ để khi người chết tìm cách ngồi dậy thì chiếc đầu sẽ bị cắt rời hoặc bị tổn thương. Còn ổ khóa ở ngón chân tượng trưng cho sự kết thúc một giai đoạn của kiếp người, không thể quay trở lại. Có lẽ người thời đó nghi ngờ cô ta là ma cà rồng”, Polinski nói với Daily Mail.
Thần thoại xác sống ở Đông Âu được ghi chép từ thế kỷ 11. Ở một số vùng, chúng được tin tưởng đến mức đã gây ra sự cuồng loạn trong dân chúng. Điều này dẫn đến nhiều cáo buộc “ma cà rồng” đối với những người đã chết một cách không bình thường, đặc biệt là do tự sát.
Sự cuồng loạn xã hội trở nên căng thẳng đến mức vào cuối thế kỷ 17, trên khắp Ba Lan, các phong tục chôn cất kỳ quặc đã được áp dụng để đối phó với sự “trỗi dậy” của ma cà rồng, thậm chí nhiều thi thể đã bị cắt xẻo sau khi chết. Để ngăn chặn người chết sống dậy, người ta còn chặt đầu hoặc chân, úp mặt người quá cố xuống đất, đốt và đập tử thi bằng đá.
Không chỉ ở Ba Lan, vào đầu thời Trung cổ, tại một số làng ở Nga, người ta khai quật những xác chết nghi ngờ là ma cà rồng và thiêu hủy bằng cách hỏa táng, chặt đầu hoặc đóng cọc gỗ xuyên qua tim. Ở Đức và các vùng phía Tây Slave, thi thể bị nghi là “ma cà rồng” bị chặt đầu, rồi đặt giữa hai bàn chân hoặc xa cơ thể.
Chiếc răng khác thường của di hài bị nghi là 'ma cà rồng'.
Ma cà rồng là cách gọi sinh vật tồn tại bằng cách hút máu từ các cá thể sống, được truyền tụng từ lâu trong các nền văn hóa châu Âu. Hình tượng ma cà rồng phổ biến nhất là bá tước Dracula, nhân vật chính trong tác phẩm cùng tên ra đời năm 1897.
Thành công của cuốn sách đã tạo ra một dạng ma cà rồng đặc biệt vẫn còn phổ biến trong thế kỷ 21, với sách, phim, chương trình truyền hình, trò chơi điện tử, và là nhân vật thống trị trong thể loại kinh dị.
Đáng chú ý, “nữ ma cà rồng” được phát hiện bởi nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Nicolaus Copernicus có một chiếc mũ lụa trên đầu - món hàng xa xỉ vào thế kỷ 17. Điều này cho thấy, người chết dường như có địa vị xã hội cao trong cộng đồng của mình.
Về lý do vì sao cô ta lại được chôn cất theo cách như vậy, Polinski cho rằng do cô có những chiếc răng cửa nhô ra khá bất thường, khiến ngoại hình trở nên khác biệt đến mức bị người dân địa phương mê tín coi là phù thủy hoặc “ma cà rồng”.
Điều này hỗ trợ cho các giả thuyết gần đây, rằng những người bị quy kết “ma cà rồng” thời điểm đó không phải là người lạ hoặc mới đến thị trấn, mà là dân địa phương.
Một khám phá tương tự ở khu vực Tây Bắc của Ba Lan vài năm trước đây cũng cung cấp một số cái nhìn thấu đáo hơn về cách thức và lý do tại sao cư dân tiến hành những cuộc chôn cất kỳ lạ này.
Theo tạp chí Smithsonian, vào năm 2014, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra bộ xương khác nhau trong một khu mộ ở Tây Bắc Ba Lan, mỗi bộ đều có một chiếc liềm đặt trên cơ thể.
Sau khi tiến hành phân tích sinh hóa xương, họ đã có một phát hiện đáng chú ý: Sáu thi thể “ma cà rồng” đều ở khu vực này chứ không phải những người lạ, mà người dân thị trấn địa phương luôn cảnh giác.
Rất khó để các nhà nghiên cứu xác định nguồn gốc của sự gắn nhãn “ma cà rồng”, nhưng tác giả chính của nghiên cứu, Lesley Gregoricka, đưa ra giả thuyết rằng, cư dân có thể nghi ngờ những nạn nhân đầu tiên của bệnh dịch tả phổ biến khắp châu Âu vào thời điểm đó là quỷ hút máu người.
Ông nói: “Những người ở thời kỳ hậu Trung cổ không hiểu cách lây lan của dịch bệnh, cũng như lời giải thích khoa học cho những trận dịch này. Bệnh dịch tả và những cái chết từ nó được quy cho siêu nhiên, trong trường hợp này là ma cà rồng”.
Việc đặt chiếc liềm xung quanh thi thể của những người đã khuất cũng được giải thích tương tự. Chúng có tác dụng bảo vệ người sống khỏi xác sống, nhưng cũng được dùng như một cách để bảo vệ người đã khuất khỏi các thế lực xấu xa.
Các nhà nghiên cứu nói với Daily Mail: “Theo kiến thức dân gian, chiếc liềm bảo vệ phụ nữ trong quá trình lao động, bảo vệ trẻ em và người chết chống lại những linh hồn xấu xa. Nó cũng có một vai trò trong các nghi lễ được đặt ra để chống lại ma thuật đen và phù thủy”.
Hiện nay, bộ xương nữ ma cà rồng trên đã được gửi đến trường đại học ở Torun để nghiên cứu thêm về khảo cổ học.