Hạnh phúc là gì? Khi nói về hạnh phúc, mỗi người sẽ có một cách định nghĩa khác nhau, nhưng nhìn chung hạnh phúc là cảm giác vui vẻ, thỏa mãn, đủ đầy. Điều mà nhiều người có thể không nhận ra đó là hạnh phúc không đơn thuần là cảm xúc, cảm giác thoáng qua. Hạnh phúc còn là khi bạn cảm thấy bản thân thoải mái và hài lòng với cuộc sống hiện tại.
Hạnh phúc còn là khi bạn cảm thấy bản thân thoải mái và hài lòng với cuộc sống hiện tại.
Tiến sĩ Amy E. Keller, bác sĩ trị liệu tâm lý hôn nhân và gia đình nhận thấy rằng sống có mục đích cũng góp phần quan trọng trong việc duy trì, cải thiện hạnh phúc. Khi bạn cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa, bạn sẽ trân trọng, biết ơn những gì mình có hơn. Và lòng biết ơn chính là mấu chốt giúp củng cố, duy trì niềm hạnh phúc.
Amy chia sẻ: “Khi nói chuyện với khách hàng về hạnh phúc, tôi thường nhấn mạnh đến thái độ nuôi dưỡng cảm xúc hài lòng và nâng cao giá trị bản thân. Tất nhiên, niềm vui cũng là một yếu tố quan trọng, nhưng chính lòng biết ơn sẽ củng cố, nuôi dưỡng niềm hạnh phúc”.
Điều gì sẽ xảy ra với cơ thể khi chúng ta nuôi dưỡng lòng biết ơn?
Nhiều bằng chứng khoa học đã chỉ ra lòng biết ơn có ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe của chúng ta. Khi một người cảm thấy biết ơn và hài lòng với mọi thứ, sức khỏe thể chất của họ cải thiện rõ rệt. Họ thường sẽ tập thể dục nhiều hơn, ăn uống ngon miệng, và chăm sóc sức khỏe của mình tốt hơn. Lòng biết ơn còn giúp ta giảm bớt căng thẳng, giảm đau, cải thiện hệ thống miễn dịch và hỗ trợ điều trị các bệnh liên quan tới huyết áp, tim mạch.
Nhìn chung, khi chúng ta cảm nhận được niềm hạnh phúc sâu sắc, cơ thể sẽ sản xuất đủ loại hóa chất có lợi. “Lòng biết ơn kích hoạt các chất dẫn truyền thần kinh như dopamine, giúp tạo ra sự hưng phấn và chất serotonin có tác dụng điều chỉnh tâm trạng. Ngoài ra, khi cảm thấy biết ơn, não cũng sản sinh ra oxytocin, một loại hormone có liên quan sâu sắc đến sự tin tưởng và lòng vị tha, nâng cao tình gắn kết trong các mối quan hệ”, Amy E. Keller nhận định.
Cách thực hành lòng biết ơn
Cũng giống như cơ bắp, khi bạn rèn luyện lòng biết ơn thường xuyên, bạn mới cảm nhận được rõ rệt sức ảnh hưởng của nó.
Học hỏi từ người Bắc Âu
Trong nhiều năm liền, Phần Lan giữ vị trí đầu bảng trong bảng xếp hạng các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới của Liên hợp quốc. Đây là một cuộc khảo sát về hạnh phúc toàn cầu, xếp hạng 156 quốc gia theo đánh giá của người tham gia. Bên cạnh Phần Lan, các nước như Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch và Iceland cũng xếp hàng đầu trong bảng xếp hạng.
Khi phải tự xếp hạng mức độ hạnh phúc của mình, người Bắc Âu đánh giá thang điểm rất cao và “hào phóng”, họ tự nhận xét dựa trên các phúc lợi xã hội, an ninh kinh tế và các thể chế xã hội hỗ trợ người dân. Người Thụy Điển thường dùng thuật ngữ “lagom” để mô tả việc tận hưởng cuộc sống đơn giản và chỉ thực sự tập trung vào những gì khiến bản thân cảm thấy hạnh phúc.
Người Bắc Âu luôn học cách chấp nhận và bằng lòng với hiện tại. Họ biết cân bằng giữa công việc và cuộc sống, dành thời gian nghỉ giải lao trong ngày làm việc. Quốc gia này có mức sống cao, tỷ lệ tham nhũng thấp và niềm tin xã hội (social trust) đáng ngưỡng mộ. Trong đó, niềm tin xã hội là khi một người tin tưởng vào sự chân thành, lương thiện và chính trực của những người khác trong xã hội.
Chính nhờ việc hài lòng và mãn nguyện với những gì mình có, họ luôn cảm thấy mình đang sống một cuộc sống có giá trị. Họ giảm bớt áp lực và đầu tư nhiều hơn những gì mình thích.
Kích hoạt lòng biết ơn thường xuyên
Các bác sĩ trị liệu tâm lý thường khuyên bệnh nhân viết nhật ký, liệt kê những điều vui vẻ họ gặp hằng ngày. Nhưng nếu bạn chưa sẵn sàng, có một cách dễ dàng hơn để bạn bắt đầu: hãy chú ý đến mọi thứ xung quanh mình. Hãy bắt đầu xác định những điều mà bạn coi là lẽ thường tình, từ các hành động nhỏ nhặt nhất và tưởng như không đáng kể, bạn không nhất thiết phải chờ đến khi gặp một khoảnh khắc đặc biệt nào đó mới cần biết ơn. Sau đó, hãy dành một chút thời gian để trân trọng những gì mình có.
Dưới đây là một số ví dụ:
- Bạn vừa pha được một tách trà ấm trong một buổi sáng lạnh giá, từng ngụm trà làm cơ thể của bạn ấm dần.
- Bạn đang ở trong một căn phòng khô ráo và thơm tho, bên ngoài trời mưa tí tách.
- Một người giữ cửa ra vào để bạn kịp bước vào tòa nhà.
- Bạn đứng xếp hàng thì người đứng trước bạn nhường chỗ để bạn thanh toán trước.
- Những người nhắn tin, gọi điện hỏi thăm bạn mỗi khi bạn mệt mỏi, mất ngủ.
- Mẹ bạn chuẩn bị một bữa ăn chỉ toàn những món bạn yêu thích.
- Mùi hương của một cuốn sách mới.
- Tìm thấy tiền kẹp trong quần áo cũ khi bạn đang dọn dẹp lại tủ đồ.
- Ngắm nhìn album ảnh của gia đình.
Làm "bài tập" hàng ngày
Keller khuyến khích khách hàng của mình thực hành lòng biết ơn ngay cả trong công việc: “Điều này không chỉ giúp người đó giảm bớt lo lắng, mà còn thay đổi thái độ của họ trong công việc, để mang đến những tương tác tích cực và hiệu quả hơn. Sự hài lòng và giá trị bản thân cũng được gia tăng”.
Trong những ngày làm việc bận rộn hoặc thậm chí vào cuối tuần, vẫn có những cách thực hành lòng biết ơn dù bạn không có nhiều thời gian. Ngoài viết nhật ký, dưới đây là một số cách khác để bạn thực hành lòng biết ơn:
- Đi dạo vào một ngày đẹp trời, nhìn ngắm con người, động vật. Bạn cũng có thể bước vào công viên hoặc nơi nào đó có nhiều cây xanh.
- Viết những điều bạn biết ơn vào những tờ giấy nhỏ, mỗi ngày viết 2-3 điều, cuộn lại rồi cho vào một chiếc lọ. Thỉnh thoảng lại mở ra đọc.
- Gọi cho ai đó hoặc viết thư, viết mail để cảm ơn những điều tử tế họ đã làm cho bạn.
- Đi thăm hoặc bất ngờ tặng quà cho một người bạn quý mến.
Nghiên cứu của tờ Harvard Health chỉ ra lòng biết ơn có thể đóng góp rất nhiều đến sự hạnh phúc. Theo đó, biết ơn giúp chúng ta “có nhiều cảm xúc tích cực hơn, tận hưởng những trải nghiệm tốt đẹp, cải thiện sức khỏe, đối phó với nghịch cảnh và xây dựng các mối quan hệ bền chặt”.
Vì vậy, hãy dành một chút thời gian để thể hiện lòng biết ơn, vì lợi ích lâu dài mà nó đem đến cho cuộc sống của bạn.