Theo TheVerge, các nhà khoa học đã "huấn luyện" thành công cho một phần mềm máy tính khả năng nhận định những người có ý nghĩ về việc tự tử thông qua việc quét não bộ của họ.
Các nhà nghiên cứu nói rằng, nghiên cứu này chỉ còn ở dạng sơ khai nhưng trong tương lai rất có thể nó sẽ được áp dụng để chẩn đoán những bệnh lý về tâm thần.
Mỗi năm, trên thế giới có gần một triệu người chết vì tự tử, việc tiên liệu hành vi tự tử vẫn còn rất khó khăn, nhất là khi nhiều người cảm thấy không thoải mái khi nói về vấn đề này.
Trong một nghiên cứu được công bố ngày hôm qua trên tạp chí Nature Communications, các nhà nghiên cứu quan sát hoạt động não bộ của hai nhóm người trưởng thành - nhóm có và không có ý nghĩ tự tử - khi họ cùng nghĩ về những từ như "evil" (xấu xa) hoặc "praise" (ca ngợi).
Họ đưa dữ liệu này vào một thuật toán đã được học cách dự đoán người có ý định tự tử với độ chính xác 91%. Nó cũng dự đoán liệu một người đã từng có hành vi tự tử trước đây hay chưa với độ chính xác 94%.
Thuật toán này không hoàn hảo - nhưng một phép kiểm tra y tế thì phải hoàn hảo. Có thể phương pháp này sẽ không được áp dụng rộng rãi vì chi phí đắt đỏ của việc chụp quét não bộ.
Nhưng "sẽ rất tuyệt nếu như có thêm một phương pháp bổ sung" - Marcel Just, nhà Tâm lý học tại Đại học Carnegie Mellon, tác giả của nghiên cứu, cho biết.
34 tình nguyện viên tham gia vào nghiên cứu: 17 người với ý nghĩ về việc tự tử và 17 người thì không.
Những người tình nguyện đọc 30 từ với nghĩa tích cực (như "hạnh phúc"), tiêu cực (như "ác độc"), hoặc có liên quan đến cái chết (như "tự tử") và nghĩ về ý nghĩa của chúng trong lúc tiến hành một phương thức chụp quét não bộ được gọi là fMRI.
Bất cứ lúc nào chúng ta nghĩ về một chủ đề được cho trước, các nơ-ron đều phát xung động theo một phương thức đặc biệt - Just nói. Ví dụ, các nơ-ron có thể phát xung theo một kiểu mẫu cho từ "búa", và một kiểu mẫu khác cho từ "chó".
Việc đo đạc các mẫu như vậy chính xác hơn so với các nghiên cứu về não bộ khi chỉ nhìn vào những phân vùng não được kích hoạt.
Các nhà khoa học cũng nhận thấy phản ứng với sáu từ "cái chết", "rắc rối", "vô ưu", "tốt", "ca ngợi" và "ác độc" cho những kết quả khác biệt nhất giữa hai nhóm tham gia. Vì vậy, họ cho một thuật toán học tập những kết quả này trừ kết quả của một người.
Với từ đã được cho, họ dạy cho phần mềm các mẫu hoạt động nơ-ron tương ứng với mỗi nhóm. Sau đó họ đưa cho nó kết quả của người còn lại và yêu cầu thuật toán tiên đoán xem người này thuộc nhóm nào. Ở lần đầu tiên, thuật toán có độ chính xác 91%.
Trong thí nghiệm thứ hai, các nhà khoa học sử dụng cùng phương pháp này để dạy cho thuật toán cách phân biệt một người đã từng tự tử so với những người chưa từng, lần này thuật toán đạt độ chính xác 94%.
Black Richards, nhà Thần kinh học của Đại học Toronto, nói rằng các kết quả này rất thú vị, nhưng có thể là không đủ mạnh mẽ để bài kiểm tra này trở nên hữu dụng trong chẩn đoán. Các mẫu hoạt động chỉ ra sự tương quan, chứ không phải quan hệ nhân quả.
"Chắc chắc có những cơ sở sinh học về việc một người có ý định tự tử", ông nói.
"Có cơ sở sinh học cho tất cả các khía cạnh của đời sống tinh thần, nhưng câu hỏi là liệu những cơ sở sinh học này có thể được tiếp cận bởi fMRI để được phát triển thành một bài kiểm tra đáng tin cậy mà bạn có thể sử dụng trong khám bệnh lâm sàng hay không".
Độ chính xác của các kết quả có thể cao, nhưng để trở thành một phần mềm hữu dụng trong khám bệnh lâm sàng, và để làm căn cứ cho việc áp dụng bất kỳ một dạng can thiệp y tế nào, thì về cơ bản nó cần phải hoàn hảo, ông nói.
Ông thừa nhận rằng có ít người tham gia là hạn chế của việc nghiên cứu ngày nay. Nhưng ông vẫn tin rằng trong tương lai, thuật toán có thể sử dụng để chẩn đoán người có ý định tự tử, hoặc thậm chí là kiểm tra xem liệu những điều trị cho các chứng rối loạn tâm thần có hiệu quả hay không.
Để tăng sự chuẩn xác của thuật toán, ông mong muốn được tiến hành thêm nhiều nghiên cứu với nhiều người tình nguyện hơn nữa, và cũng nỗ lực phân biệt giữa những người đã được chẩn đoán là mắc chứng rối loạn tâm thần cụ thể.