Thua thảm trước đòn S-400 của Nga, Mỹ đòi 'đánh hội đồng'?

Kiệt Linh |

Washington và các nước đồng minh đã kêu gọi đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ không lắp đặt các hệ thống tên lửa S-400 trên lãnh thổ của nước này, cảnh báo rằng Mỹ sẽ không cho Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào chương trình phát triển máy bay tàng hình F-35.

Mỹ cho rằng, việc lắp đặt các hệ thống S-400 sẽ cho phép hệ thống này học cách phát hiện ra những chiếc chiến đấu cơ tàng hình F-35 – loại vũ khí được thiết kế để tránh bị phát hiện bởi các hệ thống radar hay cảm biến nhiệt của kẻ thù. Chính vì lý do này, Mỹ liên tục đe dọa sẽ bắt Thổ Nhĩ Kỳ phải hứng chịu hậu quả nếu nước này tiếp tục theo đuổi hợp đồng mua các tên lửa S-400 của Nga.

“Mọi thứ diễn ra cho thấy, Nga sẽ cung cấp hệ thống S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ và điều đó sẽ dẫn đến những hậu quả. Sẽ có đòn trừng phạt là loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình F-35 bởi chúng tôi không thể để cho chiến đấu cơ F-35 bị ảnh hưởng hay gây bất ổn bởi việc có sự xuất hiện của hệ thống vũ khí của Nga trong liên minh”, ông Kay Bailey Hutchison – Đại sứ Mỹ tại NATO cho biết.

Những phát biểu trên của Đại sứ Mỹ tại NATO được đưa ra sau khi phía Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng khẳng định, sẽ không có chuyện Mỹ loại bỏ được nước này ra khỏi chương trình chiến đấu cơ F-35 bởi điều đó sẽ đi ngược lại với thỏa thuận và sẽ vấp phải sự phản đối của các đối tác khác trong dự án.

“Tất cả các quyết định nên được đưa ra với sự đồng thuận. Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác của chương trình F-35 và đã có những đóng góp lớn. Chúng tôi đã đóng góp hơn 1 tỉ USD cho chương trình. Những kiểu quyết định như vậy của Mỹ đi ngược lại thỏa thuận đối tác F-35 mà chúng tôi đã ký. Các đối tác khác của chương trình sẽ không vui với động thái đó”, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh.

Chiến đấu cơ F-35 do hãng Lockheed Martin thiết kế và phát triển dựa trên phiên bản máy bay X-35 trước đó. Đây là loại chiến đấu cơ tiêm kích đa năng tàng hình hiện đại và cơ động bậc nhất thế giới. F-35 được trang bị công nghệ tàng hình siêu việt, có khả năng tránh radar, đạt tốc độ siêu âm và gắn camera giúp phi công có thể quan sát 360 độ từ buồng lái xuống mặt đất.

Máy bay này được phát triển để thực hiện các nhiệm vụ như tấn công các mục tiêu trên mặt đất, trinh sát và phòng không. F-35 được sản xuất trong một chương trình hợp tác giữa 9 quốc gia gồm Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Italia, Canada, Hà Lan, Đan Mạch, Na-uy và Úc.

Với việc để cho một quan chức cấp cao của Mỹ trong NATO lên tiếng về vấn đề trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ, Washington muốn cho Ankara thấy rằng, họ sẽ khiến những đối tác khác trong chương trình F-35 đồng thuận với Mỹ trong vấn đề loại bỏ sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau khi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ký hợp đồng S-400, Mỹ và các đồng minh phương Tây không giấu nổi sự lo lắng và đã tìm mọi cách để phá hợp đồng này. Giới chức NATO và Mỹ tin rằng, nếu hợp đồng S-400 giữa Moscow và Ankara thành công thì đây sẽ là cơ hội mở đường cho Nga tiếp cận, tìm hiểu về các thiết bị chiến tranh của phương Tây, đặc biệt là các chiến đấu cơ F-35.

Việc Ankara theo đuổi S-400 của Nga đã trở thành một trong những nguyên nhân chính gây ra mối quan hệ chia rẽ và mâu thuẫn sâu sắc giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ. Giới chức Mỹ liên tục đe dọa và cảnh cáo Ankara về hậu quả nếu cứ nhất quyết mua S-400 của Nga. Mỹ đe dọa trừng phạt Ankara và không bán những chiếc chiến đấu cơ F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này có trong tay những hệ thống tên lửa S-400.

Tuy nhiên, Mỹ tiếp tục phải thất vọng trước sự quyết tâm và cứng rắn của Thổ Nhĩ Kỳ. Đến thời điểm này, Ankara vẫn quyết liệt theo đuổi hợp đồng S-400.

S-400 Triumph là thế hệ tên lửa chiến thuật hiện đại nhất của Nga và cũng là một trong những loại tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại nhất thế giới hiện nay. Nó là thứ vũ khí phòng không được rất nhiều nước thèm muốn. S-400 được phát triển và cải tiến từ hệ thống tên lửa phòng không S-200 và S-300. NATO gọi S-400 của Nga bằng cái tên SA-21 Growler.

S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 5m đến 27km trong phạm vi 400km. Những mục tiêu mà tên lửa S-400 có thể tiêu diệt là các thiết bị bay, tên lửa có cánh kích thước nhỏ và tên lửa hỏa tiễn có tầm hoạt động không quá 3.500km và tốc độ bay tối đa 4,8 km/s.

S-400 Triumph có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, trong môi trường có nhiễu cường độ mạnh và chế áp điện tử cao. Một trong những đặc tính khiến S-400 trở thành hệ thống tên lửa độc nhất vô nhị trên thế giới là nó có khả năng cùng lúc giám sát 300 mục tiêu khác nhau và bắn hạ 36 mục tiêu chỉ bằng một lần phóng.

Hệ thống S-400 của Nga gần đây gây khó chịu cho Mỹ và phương Tây khi hàng loạt nước, trong đó có nhiều đồng minh của phương Tây, tìm đến Nga với mong muốn có được thứ tên lửa có sức mạnh đáng nể này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại