Thủ tướng: "Vẫn vở cũ chép lại thì khó thành công"

Hoàng Đan |

"Nếu bình bình thì khó làm lắm. Vẫn vở cũ chép lại thì khó thành công nên chúng ta đặt ra lớn thì mới làm thành công được", Thủ tướng nhấn mạnh về vấn đề tái cơ cấu.

Sáng nay, phát biểu trong buổi thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội và đề án tái cơ cấu nền kinh tế 2016 - 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, kinh tế nhiều thời kỳ khác nhau từ khi đổi mới hơn 30 năm nên việc tái cơ cấu lại không phải là dễ.

Bởi, theo người đứng đầu Chính phủ tái là phải làm lại cho cơ cấu kinh tế phù hợp, để công nghiệp hóa lên.

"Chúng ta phải có quyết tâm chính trị rất cao mới có thể tái cơ cấu thành công. Bởi không quyết tâm chính trị cao thì vẫn là cách làm cũ, không ăn thua, kém hiệu quả.

Ở đây phải có bộ máy, cán bộ làm tái cơ cấu. Nhiều ý kiến cho rằng, người đứng đầu phải đứng ra ra chỉ đạo tái cơ cấu hay là có đội đặc nhiệm tái cơ cấu", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng nêu rõ, để tái cơ cấu thành công thì từ Trung ương đến các địa phương, ngay các đoàn thể chính trị cũng tham gia vào quá trình này và Quốc hội dân cử cũng phải giám sát như thế nào chứ không phải bình thường.

"Nếu bình bình thì khó làm lắm. Vẫn vở cũ chép lại thì khó thành công nên chúng ta đặt ra lớn thì mới làm thành công được", Thủ tướng nêu.

Thủ tướng cũng chỉ rõ, người ta nêu ra nhiều nhưng 3 cái chính của tái cơ cấu là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu hệ thống tài chính, ngân hàng, đặc biệt là thương mại và một số tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước…

"Muốn làm những cái đó thì phải có nguồn lực, ví dụ như nợ xấu hiện nay rất lớn. Muốn giải quyết vấn đề nợ xấu phải bỏ tiền bạc ra, theo quy luật biện chứng thì vật chất giải quyết vật chất, không chỉ nói miệng là được.

Nhà nước phải dành ra một nguồn lực cần thiết, có ý kiến cho rằng, lấy trong dự trữ ngoại hối, hay bán doanh nghiệp Nhà nước… Tái cơ cấu không dùng đến kinh phí tiền bạc thì không thể tái cơ cấu", Thủ tướng nói thêm.

Ngoài vấn đề trên, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chúng ta cũng cần tìm ra xem thế mạnh của Việt Nam là gì.

"Chúng ta cũng đề xuất với Quốc hội nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp chất lượng cao phải đặt ra cho rõ ràng hơn.

Cà Mau có thế mạnh là nơi sản xuất tôm lớn Việt Nam, xuất khẩu đến 1 tỷ USD nhưng phải nâng cao chất lượng thế nào, giống gì, thâm cạnh ra sao, môi trường thế nào… Hải Phòng có thế mạnh là gì?

Du lịch là thế mạnh mình cần tập trung. Mình hiện nay có 6 – 7 triệu khách trong khi như Hồng Kông có 6 – 7 triệu dân mà cũng 60 – 70 triệu khách, Thái Lan 60 – 70 triệu khách còn Singapore có mấy triệu dân mà 30 triệu khách.

Việt Nam phong cách rất đẹp nhưng gần 100 triệu dân thì có mấy người đến được mũi Cà Mau. Làm như thế nào để cả nội địa với quốc tế chứ không chỉ quốc tế không, cần đẩy mạnh nội địa, tiêu dùng nội địa lên, đó là thế mạnh của Việt Nam", Thủ tướng đề cập.

Ông cũng nêu rõ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là nền kinh tế số ở Việt Nam, cho nên cần phải xem xem phát triển công nghệ thông tin có phải là thế mạnh của Việt Nam không.

""Người Việt thông minh, sáng tạo. Cần đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin, nếu không đề cập đến vấn đề này thì chúng ta sẽ lạc hậu", ông chia sẻ.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến việc cải cách hành chính có giải pháp rất cụ thể, trong đó có thủ tục hành chính.

Trước đó, nêu ý kiến tại tổ này, đại biểu Lê Thanh Vân, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội bày tỏ lo lắng về nguồn lực lên tới hơn 10 triệu tỷ đồng, tương đương gần 500 tỷ USD, để tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

"Hiện nay, thu ngân sách hàng năm chưa đến 50 tỷ USD, GDP loanh quanh khoảng 200 tỷ USD, lại còn các vấn đề như bội chi, nợ xấu, nợ đọng xây dựng cơ bản... Không biết Chính phủ sẽ xoay sở như thế nào để có nguồn lực tái cơ cấu nền kinh tế lớn như vậy", ông Vân nói.

Đồng thời, cho biết vừa qua có ý tưởng huy động trong nhân dân 500 tấn vàng, nhưng ngay cả huy động được chỗ này thì cũng chưa đủ.

"Có lẽ phải tính toán lại, không nên đặt mục tiêu tăng trưởng bằng mọi giá", đại biểu Vân nêu rõ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại