Thủ tướng: Phải bảo vệ tính mạng, tài sản người dân ngay từ khi bão chưa đổ bộ

Dương Hưng |

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân ngay từ khi bão chưa đổ bộ với tinh thần "phòng còn hơn chống"; nhanh chóng kêu gọi ngư dân về nơi tránh trú an toàn; bảo vệ hồ đập, lồng bè thủy sản.

Sáng 27/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến để ứng phó khẩn cấp với bão số 4 (Noru). Cuộc họp được kết nối trực tiếp đến trụ sở UBND 8 tỉnh (Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum) và 88 quận, huyện, thị xã; 1.155 xã, phường, thị trấn chịu ảnh hưởng của bão.

Phát biểu mở đầu cuộc họp, nhắc lại những thiệt hại nặng nề mà cơn bão Xangsane gây ra cho Việt Nam năm 2006, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh các đơn vị, địa phương không chỉ ứng phó với bão mà còn cần tập trung ứng phó với mưa lũ sau bão do bão số 4 được dự báo có khả năng tàn phá tương đương bão Xangsane.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu cần bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân ngay từ khi bão chưa đổ bộ với tinh thần "phòng còn hơn chống"; cần nhanh chóng kêu gọi ngư dân về nơi tránh trú an toàn; quan tâm bảo vệ hồ đập, lồng bè thủy sản.

Thủ tướng: Phải bảo vệ tính mạng, tài sản người dân ngay từ khi bão chưa đổ bộ - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân ngay từ khi bão chưa đổ bộ với tinh thần "phòng còn hơn chống".

"Sạt lở là một vấn đề lớn. Nếu không dự báo, không sơ tán kịp thời sẽ gây thiệt hại cho nhân dân. Ngoài ra cũng cần đảm bảo an toàn cho học sinh, khách du lịch đang bị mắc kẹt tại khu vực được dự báo bão sẽ đi qua. Cần bảo vệ các di sản, đặc biệt là di sản Hội An. Đặc biệt, cần có phương án để giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản cũng như di sản, điều kiện sinh kế của người dân", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Thông tin về tình hình của bão, ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, vào hồi 7h hôm nay (27/9), vị trí tâm bão ở khoảng 15,5 độ Vĩ Bắc; 112,1 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa, cách đất liền khu vực Đà Nẵng-Quảng Ngãi khoảng 360km về phía Đông. Hiện bão mạnh cấp 14-15 (150-183km/giờ), giật trên cấp 17.

"Đây là cơn bão rất mạnh, di chuyển nhanh, hoàn lưu rộng. Vùng gió mạnh cấp 10 khoảng 300km, vùng có gió mạnh cấp 12 khoảng 100km xung quanh mắt bão. Các trung tâm dự báo bão quốc tế đều có chung nhận định bão số 4 có cường độ trên cấp 13, giật cấp 17 khi vào gần bờ biển miền Trung, trở thành cơn bão có cấp độ lớn nhất đổ bộ vào đất liền của nước ta từ trước đến nay", ông Trần Hồng Thái cho hay.

Thủ tướng: Phải bảo vệ tính mạng, tài sản người dân ngay từ khi bão chưa đổ bộ - Ảnh 3.

Ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, dự kiến bão sẽ đổ bộ vào các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định với gió cấp 12-13, giật cấp 14-15 vào rạng sáng 28/9, thời gian lưu bão ảnh hưởng đến đất liền khoảng 12 tiếng.

Phạm vi ảnh hưởng của bão số Noru rất rộng; 9/14 tỉnh thành phố miền Trung, chịu ảnh hưởng trực tiếp . Từ tối và đêm nay, ở đất liền bắt đầu chịu tác động của gió bão, thời gian nguy hiểm nhất của gió mạnh là từ đêm nay đến sáng mai.

Theo thông tin từ Bộ đội Biên phòng, hiện các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận đã tổ chức bắn pháo hiệu bão tại 33 điểm, phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 57.840 phương tiện/299.678 người biết diễn biến, hướng đi của bão để chủ động di chuyển, vòng tránh, thoát khỏi khu vực nguy hiểm

Đáng chú ý, hiện còn 18 tàu/164 lao động trong khu vực nguy hiểm (Quảng Nam có 9 tàu/100 lao động; Quảng Ngãi có 6 tàu/ lao động; Bình Định có 3 tàu/20 lao động). Các tàu đang di chuyển thoát khỏi khu vực nguy hiểm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại