Phiên họp của Chính phủ sẽ đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2024, tình hình giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ bối cảnh thời gian qua tiếp tục có khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi. Trong nước, nền kinh tế chịu tác động kép từ yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại. Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô nền kinh tế nhỏ nhưng độ mở lớn, sức chống chịu có hạn, một tác động nhỏ bên ngoài có thể ảnh hưởng lớn tới bên trong.
Trong bối cảnh đó, nhờ sự vào cuộc và nỗ lực của các cấp, các ngành, nền kinh tế đã thể hiện rõ sự phục hồi tích cực, tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024 đạt nhiều kết quả quan trọng, tốt hơn cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực và tốt hơn 6 tháng cuối năm 2023.
Theo Thủ tướng, tăng trưởng GDP quý II đạt 6,93%, 6 tháng đạt 6,42%, vượt kịch bản đề ra, là mức cao của khu vực và thế giới. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát khoảng 4%, các cân đối lớn được bảo đảm.
Cùng với đó, an sinh xã hội, đời sống nhân dân được nâng lên, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm tốt, đối ngoại được đẩy mạnh, uy tín và vị thế đất nước tiếp tục được nâng lên.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết những năm qua, chúng ta đã tiết kiệm được khoảng 700 ngàn tỉ đồng để thực hiện tăng lương từ ngày 1-7 và đưa ra giải pháp phù hợp để vừa thực hiện Nghị quyết 27 của Trung ương theo lộ trình, vừa phù hợp điều kiện, tình hình đất nước; vừa bảo đảm các cân đối lớn, bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng được thụ hưởng.
Bên cạnh những điểm sáng, Thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận tình hình kinh tế - xã hội còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc như sức ép lạm phát còn cao; tình hình sản xuất, kinh doanh trong một số lĩnh vực còn khó khăn.
Đáng chú ý, tình hình cháy nổ, an ninh trật tự, an toàn giao thông trên một số địa bàn còn phức tạp; kỷ luật kỷ cương có nơi, có lúc chưa nghiêm, còn tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.
Từ những vấn đề nêu trên, Thủ tướng yêu cầu tại phiên họp, các đại biểu tập trung thảo luận, chỉ rõ những vướng mắc, điểm nghẽn, nhất là vướng mắc về pháp lý, đồng thời đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả cho thời gian tới để khắc phục các khó khăn, bất cập.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan cần tích cực, chủ động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, xác định "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ hiệu quả" để kiểm tra, đánh giá, phê bình, khen thưởng phù hợp.