Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trúng cử ĐBQH với tỷ lệ cao nhất

Hoàng Đan |

15 giờ hôm nay (9/6), Hội đồng bầu cử Quốc gia đã họp báo công bố danh sách 496 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa 14, nhiệm kỳ 2016-2021.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được 99,48% phiếu bầu

Chủ trì buổi họp báo công bố kết quả bầu cử và danh sách người trúng cử đại biểu Quốc hội khoá 14 là Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Tổng Thư ký quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Trưởng ban công tác đại biểu Trần Văn Tuý, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn.

Theo đại diện Hội đồng bầu cử Quốc gia, tổng số cử tri cả nước là gần 67,5 triệu, tổng số tham gia bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa 12 là hơn 67 triệu, đạt 99,35%.

Trong đó tỉnh Thừa Thiên - Huế cao nhất với 99,99%, Yên Bái 99,98%, Quảng Nam và Bình Thuận 99,97%, Lai Châu 99,96%...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được 86,47% số phiếu bầu, Chủ tịch nước Trần Đại Quang được 75,08%, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được 99,48% phiếu bầu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân được 91,46% phiếu bầu.

Tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá 14 là 870. Tổng số đại biểu trúng cử trong ngày 22/5 và bầu thêm ngày 29/5 ở Cần Thơ là 496.

4 tỉnh bầu thiếu đại biểu là Sóc Trăng, Sơn La, Lâm Đồng, Đồng Nai, mỗi tỉnh bầu thiếu một đại biểu so với số được phân bổ.

Đại biểu do các cơ quan, tổ chức ở Trung ương giới thiệu có 182 người trúng cử (đạt 36,7%), ít hơn so với dự kiến 15 người. Đại biểu do các cơ quan, tổ chức địa phương giới thiệu là 312 người.

Đại biểu tự ứng cử có 2 người (đạt 0,4%), giảm 0,4% so với khoá 14 (có 4 người). Đó là ông Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) trúng cử với số phiếu 66,26% và ông Phạm Quang Dũng (Nam Định) đạt số phiếu 69,77%.

Về cơ cấu, có 86 đại biểu là người dân tộc thiếu sổ (17,3%), số đại biểu phụ nữ là 133 (chiếm 26,8%), đại biểu người ngoài Đảng 21 (4,2%), đại biểu dưới 40 tuổi có 71 (14,3%). Số đại biểu tái cử là 160 (32,3%), còn lại 317 người tham gia Quốc hội lần đầu (63,9%).

Về trình độ, 310 đại biểu có trình độ trên đại học (62,5%), 180 người có trình độ đại học (36,3%), dưới đại học có 6 người (chiếm 1,2%).

Trưởng ban công tác đại biểu Trần Văn Túy khẳng định, qua kết quả ban đầu cho thấy chất lượng đại biểu đã được nâng lên, kỳ vọng đáp ứng các yêu cầu trong thời kỳ mới của hoạt động Quốc hội.

Có nơi đã hủy bỏ kết quả, yêu cầu bầu lại

PV: Theo quy định cử tri phải tự đi bầu, nhưng báo cáo nói rằng vẫn còn tình trạng bầu hộ bầu thay, vậy có ảnh hưởng đến kết quả và có được công nhận không?

Ông Phùng Quốc Hiển: Vừa qua, có một số đơn thư gửi đến Hội đồng bầu cử Quốc gia nói có tình trạng bầu hộ, chúng tôi cho tiến hành kiểm tra. Kết quả cho thấy ý kiến đó là nặc danh.

Một số cử tri cùng gia đình 6 người đi bầu cử, nhưng không hiểu biết nên có việc bỏ phiếu thay cho những người trong gia đình. Nhưng những cái sai này do thiếu hiểu biết, không nghiêm trọng và không ảnh hưởng đến kết quả. Ủy ban bầu cử tại địa phương đã chấn chỉnh. 

Vì kết quả không ảnh hưởng nhiều do số phiếu bỏ hộ không lớn. Có những nơi bỏ phiếu hộ làm sai lệch nghiêm trọng thì hội đồng đã hủy bỏ kết quả, yêu cầu bầu lại.

PV: Tỷ lệ tái cử thấp ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng hiệu quả và tính chuyên nghiệp của Quốc hội, thưa ông?

Ông Phùng Quốc Hiển: Các khoá trước số đại biểu tái cử nằm khoảng 33-35%, kỳ này 160 đại biểu tái cử, cũng nằm trong quãng 30-35%. 

Kết quả các nhiệm kỳ cho thấy số tái cử đảm bảo cho các hoạt động nòng cốt, đảm bảo chất lượng của Quốc hội. 

Số đại biểu tham gia mới có đủ tiêu chuẩn, có nhiều kinh nghiệm công tác, tham gia hoạt động dân cử ở địa phương. Vì vậy tỷ lệ tái cử không ảnh hưởng đến hoạt động của Quốc hội mà còn làm cho Quốc hội tươi trẻ hơn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được xác định là người trúng cử với tỷ lệ phiếu cao nhất tại cuộc bầu cử lần này, đạt 99,48%. Trước đó, ứng cử đại biểu Quốc hội khoá 12 (năm 2007) tại Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đạt số phiếu cao nhất với 99,07%.

PV: Vừa qua trên mạng có thông tin kêu gọi người dân không đi bầu cử, điều này ảnh hưởng thế nào đến cuộc bầu cử? 

Ông Phùng Quốc Hiển: Chúng ta có tỷ lệ đi bầu cử rất cao, điều này nói lên những lời kêu gọi của một số cá nhân không có tác dụng, nhân dân ta đã vừa thực hiện quyền, thể hiện ý thức cá nhân của mình, giúp cuộc bầu cử thành công tốt đẹp.

PV: Theo báo cáo của Hội đồng thì số đại biểu ngoài Đảng khoá này giảm 50% so với khoá trước, ông nói gì về điều này? 

Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội: Lúc ứng cử có 97 người ngoài Đảng, bầu xong có 21 người, việc này do cử tri quyết định lựa chọn. 

PV: Nhiều địa phương chỉ bầu được một đại biểu, như vậy ảnh hưởng gì đến tính đại diện không?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Sóc Trăng bầu thiếu một đại biểu, điều này không ảnh hưởng gì vì đại biểu không đại diện cho nơi được bầu mà đại diện cho cử tri cả nước.

PV: 15 ứng cử viên do Trung ương giới thiệu không được bầu thì có ảnh hưởng thế nào đến kế hoạch tổ chức bộ máy Quốc hội trong thời gian tới thưa ông?

Trưởng ban Công tác đại biểu QH Trần Văn Túy: Đây là những vấn đề thú vị và nhạy cảm. Bầu 496 ĐB theo luật là không vượt quá 500 nên không cần băn khoăn là bầu thiếu, là khuyết điểm. 

15 người được TƯ giới thiệu không trúng cử, ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng đã nói, vì lựa chọn công bằng, dân chủ, chất lượng nên ai trúng cũng được, không nên băn khoăn. Nhưng ảnh hưởng bộ máy đương nhiên là có so với dự kiến bước đầu. 

Có 9 người dự kiến là ĐB chuyên trách, do theo luật là muốn tăng tỉ lệ này lên 35%. Việc họ không được bầu cũng ảnh hưởng nhất định bước đầu đến việc bố trí nhân sự. Nhưng qua rà soát và tính toán là ảnh hưởng không nhiều. 

Sau này qua hoạt động thực tiễn của QH sẽ lựa chọn các ĐB bộc lộ khả năng để bổ sung vào các cơ quan của QH, yên tâm là QH sẽ ngày càng mạnh lên. 

 Về việc bầu thiếu, HĐ bầu cử Quốc gia chưa tổng kết, sẽ rút kinh nghệm sâu sắc. Không có điểm chung giữa các địa phương bầu thiếu, mỗi nơi có một đặc điểm, số dư cao hoặc trình độ các ứng cử viên tương đương. 

 Quyền lựa chọn và đánh giá là của cử tri. Nhưng cũng phải rút kinh nghiệm trong vận động bầu cử, để mỗi ứng cử viên thể hiện mình khác biệt để cử tri lựa chọn tốt hơn.

Ông Phùng Quốc Hiển cho biết thêm, sau buổi công bố kết quả hôm nay, Hội đồng bầu cử Quốc gia sẽ tiếp tục nhận các khiếu nại, giải quyết tố cáo của cử tri đối với các ĐBQH được bầu đồng thời, thẩm tra, xác nhận tư cách ĐBQH để báo cáo Quốc hội khóa 14 trong kỳ họp tới đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại