Báo cáo chính phủ ngắn nhất của Thủ tướng Trung Quốc
Theo Niikei (Nhật Bản), kỳ họp Đại hội đại biểu Nhân dân Trung Quốc (NPC, tức Quốc hội) đã khai mạc vào sáng thứ Ba (5/3) với việc Thủ tướng Lý Cường phát biểu báo cáo công tác ngắn gọn.
Lễ khai mạc bắt đầu lúc 9h sáng (giờ Bắc Kinh), với khoảng 3.000 đại biểu tham dự đứng dậy vỗ tay khi Chủ tịch Tập Cận Bình và đội ngũ Ban thường vụ Bộ Chính trị ĐCS Trung Quốc bước vào từ phía bên trái của sân khấu Đại lễ đường Nhân dân.
Thủ tướng Lý Cường, mặc bộ vest tối màu màu và cà vạt màu đỏ đậm, đọc báo cáo với giọng điệu đều đều, ít cử chỉ. Ông tập trung vào những nội dung quan trọng trong hơn 50 phút phát biểu.
Đây là báo cáo chính phủ ngắn nhấn của một vị Thủ tướng Trung Quốc từ năm 2001, ngắn hơn nhiều so với những người tiền nhiệm như Lý Khắc Cường và Ôn Gia Bảo, những Thủ tướng có thời gian phát biểu gần hai tiếng đồng hồ.
Số lượng tràng pháo tay giữa bài phát biểu của đại biểu tham dự cũng ít hơn một nửa so với năm 2023.
Khi Thủ tướng Lý Cường kết thúc và trở lại chỗ ngồi, Chủ tịch Tập Cận Bình đã quay sang thảo luận. Nói xong, ông Lý Cường tháo kính ra, dùng khăn tay lau mặt rồi nhấp một ngụm nước.
Khi ông Lý Cường phát biểu, Chủ tịch Tập Cận Bình ngồi ở giữa hội trường thỉnh thoảng xem qua báo cáo hoặc nhấp một ngụm nước hay vỗ tay cho bài phát biểu của cấp dưới.
Với tư cách là Thủ tướng, ông Lý Cường được cho có quyền lực thứ hai trong Ban thường vụ Bộ Chính trị và chịu trách nhiệm về các quyết định chính sách với tư cách là người đứng đầu Quốc vụ viện.
Các đời Thủ tướng Trung Quốc thường tổ chức một cuộc họp báo sau khi phiên họp thường niên NPC kết thúc nhưng truyền thống đó sẽ chấm dứt trong năm nay .
Lễ khai mạc NPC là khoảnh khắc hiếm hoi giúp Thủ tướng Lý Cường tăng sự chú ý nhưng một số nhà quan sát cho rằng ông dường như muốn tránh nổi bật.
Báo cáo chính phủ tiết lộ mối lo của Trung Quốc
Tờ Nikkei cho rằng, ban lãnh đạo Trung Quốc đang muốn nhấn mạnh an ninh quốc gia dựa trên sự ổn định chính trị và tăng trưởng kinh tế, đồng thời ám chỉ nỗ lực giảm bớt tình trạng bất ổn nên thuật ngữ "an ninh" đã xuất hiện với tần suất kỷ lục - 29 lần - trong báo cáo công tác chính phủ năm nay của Thủ tướng Lý Cường.
Trong bài phát biểu năm ngoái của cố Thủ tướng Lý Khắc Cường, từ "an ninh" xuất hiện với tần xuất 25 lần, là mức tăng hơn so với năm 2022.
29 lần là tần suất cao nhất trong các tài liệu được Nikkei kiểm tra, sau khi tính đến độ dài tương đối ngắn của báo cáo năm nay.
Từ "rủi ro" cũng xuất hiện thường xuyên hơn so với các báo cáo trước đó, ở mức 24 lần.
Những thay đổi này diễn ra trong bối cảnh sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc vẫn chậm chạp sau đại dịch Covid cũng như phải hứng chịu một loạt thảm họa thiên nhiên vào năm ngoái, bao gồm cả lũ lụt trên diện rộng ở các khu vực như Bắc Kinh.
"Chúng tôi sẽ mang lại cho người dân cảm giác thỏa mãn, hạnh phúc và an toàn ngày càng tăng", Thủ tướng Lý Cường phát biểu.
Một nội dung khác của báo cáo thừa nhận rằng "tình trạng quan liêu và tham nhũng vẫn là một vấn đề phổ biến ở một số lĩnh vực".
Ông Lý Cường cũng 8 lần đề cập đến "bất động sản" - nhiều nhất trong 12 năm. Dữ liệu của chính phủ cho thấy, giá nhà ở mới đang giảm hàng tháng trong 8 tháng liên tiếp, tính đến tháng 1 tại hơn một nửa trong số 70 thành phố lớn của Trung Quốc.
Ngành bất động sản tạo ra khoảng 30% tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc. Nếu sự sụt giảm dai dẳng của thị trường không được giải quyết, nó có thể kéo giảm chi tiêu hộ gia đình và lan rộng ra phạm vi rộng hơn đối với toàn nền kinh tế.
Ông cho biết Trung Quốc sẽ "thúc đẩy một mô hình phát triển mới cho bất động sản".
Nhiều thuật ngữ khác ít xuất hiện hơn trước. "Cải cách" đã xuất hiện hơn 100 lần trong năm 2018 và 2019 nhưng năm nay chỉ còn 35 lần.
Thủ tướng Lý Cường cũng đặt mục tiêu "phấn đấu hiện đại hóa hệ thống công nghiệp" – bao gồm xây dựng chuỗi cung ứng trong nước – lên hàng đầu trong danh sách nhiệm vụ của chính phủ trong năm 2024, trong bối cảnh Mỹ hạn chế khả năng tiếp cận một số công nghệ tiên tiến.
Ông cũng đề cập đến xe điện và các phương tiện sử dụng năng lượng mới khác. Mặc dù Trung Quốc chiếm một nửa thị trường xe điện toàn cầu nhưng nước này vẫn phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài về chất bán dẫn cũng như các vật liệu và thiết bị cần thiết để sản xuất chúng.
Báo cáo cũng nêu tên năng lượng hydro, vật liệu mới, phát triển thuốc, công nghệ sinh học, vũ trụ, công nghệ lượng tử và khoa học đời sống là các lĩnh vực trọng tâm.
Các kế hoạch chính sách tài khóa trong báo cáo phản ánh sự tập trung vào an ninh kinh tế.
Trung Quốc sẽ phát hành trái phiếu chính phủ siêu dài hạn trong năm nay và trong vài năm tới để "thực hiện các chiến lược quốc gia lớn và xây dựng năng lực an ninh trong các lĩnh vực then chốt".