Thủ tướng nêu rõ, tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm tuy gặp nhiều khó khăn, thách thức từ cả bên ngoài và bên trong nhưng vẫn đạt được mục tiêu tổng quát. Bên cạnh đó, còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức như lạm phát có xu hướng giảm nhưng vẫn chịu nhiều sức ép. Tăng trưởng tín dụng thấp, hấp thụ vốn còn yếu, tiếp cận vốn vẫn khó khăn. Thu ngân sách Nhà nước 7 tháng giảm 7,8% so với cùng kỳ; nợ xấu nội bảng cần lưu ý. Doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, nhất là về khả năng tiếp cận vốn, đơn hàng sụt giảm. Thị trường trái doanh nghiệp, bất động sản còn nhiều khó khăn, vướng mắc…
Thủ tướng nêu rõ, những hạn chế, yếu kém có nguyên nhân khách quan là tình hình thế giới phức tạp, khó lường, nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, sức chống chịu còn hạn chế. Nguyên nhân chủ quan là một số bộ, ngành, địa phương còn thiếu chủ động, quyết liệt, phối hợp chưa chặt chẽ, hiệu quả trong triển khai, thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Còn một bộ phận cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, thủ tục hành chính còn rườm rà; việc lắng nghe, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp còn chưa thật sự quyết liệt, kịp thời, thực chất, hiệu quả.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7. Ảnh: VIẾT CHUNG
Về bài học kinh nghiệm, Thủ tướng nhấn mạnh cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, điều hành; nắm chắc tình hình, bám sát thực tiễn, có phản ứng nhanh, kịp thời theo đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, nâng cao tính chủ động, kịp thời; đề cao tinh thần nỗ lực, tự lực, tự cường, không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm, khuyến khích người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Cùng với đó, đẩy mạnh phân công, phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương. Tích cực lắng nghe và tập trung, quyết quyết liệt, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp.
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7. Ảnh: VIẾT CHUNG
Trong tháng 8 và những tháng cuối năm, Thủ tướng nêu rõ trọng tâm chỉ đạo, điều hành là ưu tiên tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn, việc làm, sinh kế cho người dân gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao đời sống cho nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh công tác đối ngoại, nhất là với các nước lớn.
Thủ tướng yêu cầu đặc biệt lưu ý 6 nội dung: bảo đảm cân bằng, hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá; ưu tiên cho tăng trưởng, thúc đẩy cả tổng cung, tổng cầu, 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng); tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả (tiếp tục giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn nợ, tăng hạn mức tín dụng...); thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, nhanh chóng, dứt khoát (tiếp tục miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, đẩy nhanh hoàn thuế, đẩy mạnh đầu tư công...); bảo đảm an ninh tiền tệ, tài chính quốc gia, theo dõi sát tình hình bên trong và bên ngoài để có đối sách phù hợp kịp thời; rút ngắn quy trình, thủ tục xây dựng thể chế và văn bản.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng yêu cầu rà soát lại cơ chế, chính sách; có giải pháp cụ thể, phù hợp để tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng. Về tiêu dùng, có giải pháp hiệu quả kích cầu tiêu dùng trong nước, phát triển mạnh thị trường trong nước, (miễn giảm thuế, phí, lệ phí, thúc đẩy tín dụng tiêu dùng...).
Về đầu tư, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, các dự án hạ tầng trọng điểm, quan trọng, liên vùng; cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh thu hút, tạo thuận lợi cho đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài; tăng cường hợp tác công tư (PPP)…
Thủ tướng yêu cầu phát huy vai trò của 2 tổ công tác, gồm: Tổ công tác xây dựng báo cáo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 và nhiệm vụ, kế hoạch năm 2024 do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm Tổ trưởng, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT làm Tổ phó; Tổ công tác rà soát, xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm Tổ trưởng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành làm Tổ phó.
Các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương tổng hợp, phân loại, đề xuất tháo gỡ các vướng mắc về mặt pháp lý. Cùng với đó, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, sinh kế cho người dân trong bối cảnh lạm phát giảm dần; đồng thời, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và và bảo đảm các cân đối lớn. Phát huy vai trò 26 tổ công tác của Chính phủ làm việc với các địa phương, tập trung xử lý kiến nghị, đề xuất của địa phương, cơ quan, người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng cũng yêu cầu rà soát, thúc đẩy triển khai chương trình phục hồi và phát triển, phân bổ, điều chỉnh, giải ngân vốn đầu tư công. Rà soát, thúc đẩy, có báo cáo hàng quý để giải ngân các gói tín dụng 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất, 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội và 15.000 tỷ đồng cho ngành sản xuất đồ gỗ, thủy sản theo tinh thần kịp thời, thuận lợi, thông thoáng, linh hoạt.
Giao nhiệm vụ cụ thể với các bộ ngành, địa phương, Thủ tướng lưu ý Bộ Tài chính chỉ đạo đẩy nhanh hoàn thuế VAT; tiếp tục xử lý thực chất, hiệu quả các tồn tại, bất cập của thị trường trái phiếu. Các bộ: KH-ĐT, TT-TT, GD-ĐT, KH-CN xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực, đào tạo khoảng 30.000-50.000 kỹ sư và 100 chuyên gia về chuyển đổi số, sản xuất chip bán dẫn.
Bộ GTVT khởi công bằng được Nhà ga sân bay Long Thành trong tháng 8. Bộ TN-MT hoàn thành việc hướng dẫn định giá đất trước ngày 15-8. Bộ Y tế xử lý dứt điểm vấn đề liên quan các dự án xây dựng Bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai cơ sở 2. Bộ GD-ĐT chuẩn bị tốt năm học mới, lưu ý bảo đảm đủ sách giáo khoa với giá phù hợp...