Mục tiêu phải tiếp tục thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, giữ vững an ninh quốc phòng, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế.
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2023, được kết nối trực tuyến tới trụ sở UBND các tỉnh, TP trên cả nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ ngày 3-6. Ảnh: Nhật Bắc
Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ theo hướng chắc chắn, chủ động, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hiệu quả với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trong điểm. Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nhất là nông nghiệp, dịch vụ và mở rộng thị trường cho sản xuất công nghiệp.
Trong đó, cần tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng gồm đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu. Theo đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng, tăng tổng cầu trong nước. Phát triển mạnh thị trường trong nước với việc tiếp tục miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất, khuyến mãi, giảm giá...
Về đầu tư, các bộ ngành, địa phương thúc đẩy giải ngân đầu tư công nhanh hơn, hiệu quả hơn. Thúc đẩy đầu tư tư nhân, đầu tư FDI bằng các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh chuyển đổi số, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính.
Về xuất khẩu, Thủ tướng chỉ đạo tăng cường xúc tiến thương mại, giữ vững và củng cố các thị trường đã có với 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký, mở rộng các thị trường mới như Trung Đông, Ấn Độ, Nam Mỹ...
Phiên họp được kết nối trực tuyến tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ảnh: Nhật Bắc
Người đứng đầu Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho một số bộ ngành, địa phương. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được yêu cầu tiếp tục theo dõi thực hiện các Thông tư 02, 03, nếu thấy vấn đề phát sinh thì điều chỉnh kịp thời; tiếp tục triển khai các giải pháp giảm chi phí, lãi suất cho vay.
Cùng với đó, tăng khả năng tiếp cận vốn, bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý, hướng vào các động lực tăng trưởng, các lĩnh vực ưu tiên; thúc đẩy các gói tín dụng như gói tín dụng 120.000 tỉ đồng phát triển nhà ở xã hội.
Liên quan đến gói tín dụng 120.000 tỉ đồng, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng tích cực triển khai. Đồng thời, tập trung đôn đốc triển khai Nghị quyết 33 của Chính phủ, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và sớm tháo gỡ các quy định về phòng cháy, chữa cháy.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tăng cường quản lý chi tiêu ngân sách, triệt để tiết kiệm chi, cắt giảm chi thường xuyên, nhất là tiết kiệm điện tại các công sở. Đẩy nhanh hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) và triển khai hiệu quả chính sách giảm 2% thuế GTGT nếu được Quốc hội thông qua.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang được Thủ tướng Chính phủ giao chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, xây dựng quy định phân cấp về 3 chương trình mục tiêu quốc gia, tinh thần là tăng cường phân cấp cho địa phương, giao vốn, giao chỉ tiêu, kiểm soát hiệu quả, tránh tình trạng Trung ương làm từng dự án đến tận từng hộ gia đình.
Đối với Bộ Giao thông vận tải, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung triển khai các dự án giao thông trọng điểm, nhanh chóng khởi công các dự án hợp tác công - tư. Thủ tướng đặc biệt lưu ý việc thúc đẩy dự án sân bay Long Thành, nếu không hoàn thành công việc thì thay người có trách nhiệm. Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo vấn đề này.
Tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Công Thương rà soát, có giải pháp kích cầu tiêu dùng; tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, khai thác tối đa các FTA đã có và thúc đẩy ký các FTA mới.
Khi triển khai Quy hoạch điện VIII và xử lý dứt điểm các vấn đề liên quan các dự án liên quan quy hoạch điện VII, Thủ tướng lưu ý Bộ Công Thương cần theo tinh thần lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ, phân loại, công bố công khai dự án nào đủ hay không đủ điều kiện, không đúng quy định.