THẾ GIỚI 24H: Toàn bộ nội các Hà Lan nộp đơn từ chức

Thanh Huyền |

Toàn bộ thành viên nội các Hà Lan đã nộp đơn từ chức sau khi không đạt được thỏa thuận về hạn chế nhập cư.

Khủng hoảng bùng phát do đảng bảo thủ VVD của Thủ tướng Mark Rutte thúc đẩy việc hạn chế dòng người xin tị nạn đến Hà Lan, nhưng 2 trong số 4 đảng thuộc liên minh thành lập chính phủ của ông đã từ chối ủng hộ động thái này. Phát biểu tại cuộc họp báo được phát sóng trên truyền hình quốc gia ngày 7/7, ông Rutte cho biết: “Chuyện các đối tác liên minh có quan điểm khác nhau về chính sách nhập cư không phải là điều bí mật. Hôm nay, chúng tôi rất tiếc phải kết luận rằng, những khác biệt đó đã trở nên không thể vượt qua. Vì vậy, tôi sẽ đệ đơn xin từ chức của toàn bộ nội các lên nhà vua". Liên minh của ông Rutte sẽ tiếp tục lãnh đạo đất nước với tư cách chính phủ tạm quyền trong thời gian chờ. Liên minh hiện tại của ông Rutte lên nắm quyền từ tháng 1/2022 và là chính phủ thứ 4 liên tiếp của ông kể từ khi ông trở thành thủ tướng vào tháng 10/2010.

Hơn 5.000 người Myanmar đang tạm lánh trong các trại tị nạn Thái Lan . Hơn 5.000 người tị nạn Myanmar đang phải tạm lánh ở các trại tị nạn dọc theo khu vực biên giới thuộc tỉnh Mae Hong Son, miền Bắc Thái Lan, trong bối cảnh giao tranh giữa lực lượng vũ trang dân tộc thiểu số Karen (KA) và chính quyền quân sự Myanmar không ngừng leo thang. Chính quyền địa phương đã dựng các trại tị nạn dọc theo khu vực biên giới và cung cấp thực phẩm cũng như đồ dùng thiết yếu cho số người tị nạn đang ngày càng tăng cao.

Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi các nước vùng Vịnh "bơm" 10 tỷ USD . Thổ Nhĩ Kỳ muốn huy động nguồn tài trợ nước ngoài nhằm thúc đẩy kinh tế và kỳ vọng các nước vùng Vịnh sẽ đầu tư trực tiếp gần 10 tỷ USD vào nước này trong khuôn khổ chuyến công du của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tới khu vực vào cuối tháng 7 này. Tổng các khoản đầu tư có thể lên tới 30 tỷ USD dự kiến trong một thời gian dài hơn vào các lĩnh vực năng lượng, cơ sở hạ tầng và quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ. Dự kiến, trong chuyến thăm này, một số thỏa thuận quan trọng sẽ được ký kết.

Thụy Sĩ và Áo tham gia Sáng kiến Lá chắn Bầu trời châu Âu. Ngày 7/7, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Sĩ, Áo và Đức đã ký biên bản ghi nhớ về việc tham gia Sáng kiến Lá chắn Bầu trời châu Âu (ESSI). Với việc ký kết biên bản ghi nhớ, Thụy Sĩ và Áo sẽ trở thành thành viên của ESSI cùng 17 quốc gia khác ở châu Âu đã tham gia sáng kiến này trước đó. ESSI là một sáng kiến của Đức về hệ thống phòng không trên mặt đất (GBAD) ở châu Âu. Sáng kiến này được công bố tháng 8/2022 nhằm tăng cường năng lực bảo vệ không phận của châu lục này.

WFP triển khai xe robot tích hợp AI tham gia cứu trợ nhân đạo . Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cho biết từ năm 2024, các xe robot tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) có thể phân phát các gói thực phẩm đến những khu vực xảy ra xung đột và thiên tai, góp phần bảo toàn mạng sống của các nhân viên hỗ trợ nhân đạo. Nam Sudan dự kiến là nơi đầu tiên được triển khai dự án.

Tranh cãi về tranh chấp nguồn nước sông Ấn giữa Ấn Độ và Pakistan. Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại La Hay (The Hague), Hà Lan ngày 6/7 đã tuyên bố bác bỏ sự phản đối của Ấn Độ đối với một thủ tục pháp lý do Pakistan khởi xướng liên quan tới tranh chấp trong sử dụng nước ở lưu vực sông Ấn giữa hai nước. Phán quyết này đã mở lại một tiến trình pháp lý đã bị ngăn chặn trong nhiều năm, lập tức gây ra những tranh cãi. Ấn Độ và Pakistan, hai nước láng giềng Nam Á vốn đã tranh cãi suốt nhiều thập kỷ về các dự án thủy điện trên dòng sông Ấn và các phụ lưu của nó mà cả hai cùng chia sẻ.

Cố vấn Bộ trưởng Belarus tiết lộ tin mới về nhóm Wagner. Một cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Belarus tiết lộ, chưa có bất kỳ đại diện nào của tập đoàn quân sự tư nhân Wagner tới thăm khu doanh trại được Minsk đề xuất cho họ sử dụng. Theo các điều khoản của một thỏa thuận do Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko làm trung gian nhằm chấm dứt cuộc nổi loạn vũ trang của lực lượng Wagner hồi tháng trước, Yevgeny Prigozhin, người sáng lập tập đoàn này sẽ chuyển đến Belarus cùng với các tay súng không muốn ký hợp đồng làm việc cho Bộ Quốc phòng Nga. Tuy nhiên, thỏa thuận dường như vẫn chưa thành hiện thực.

Người dân Israel tiếp tục biểu tình phản đối cải cách tư pháp. Ngày 6/7, các hoạt động biểu tình phản đối kế hoạch cải cách tư pháp của chính phủ tiếp tục diễn ra tại Israel. Các cuộc biểu tình đã diễn ra bên ngoài nhà của nhiều nhà lãnh đạo đất nước. Hai người biểu tình đã bị bắt bên ngoài nhà Chủ tịch Quốc hội Amir Ohana, 4 người bị bắt bên ngoài nhà của Bộ trưởng Tình báo Gila Gamliel. Ngoài ra, những người biểu tình đã hai lần chặn đường cao tốc Ayalon ở Tel Aviv.

Nổ rung chuyển nhà máy thuốc nổ Nga . Một vụ nổ lớn vừa xảy ra tại nhà máy sản xuất chất nổ ở miền trung Nga, khiến 6 người thiệt mạng và 2 nạn nhân khác bị thương. Theo các hãng thông tấn Tass RIA , tai nạn chết người xảy ra tại nhà máy Promsintez ở thành phố Chapaevsk thuộc vùng Samara, miền trung Nga hôm 7/7, khi các công nhân đang tháo dỡ một đường ống kỹ thuật và hàn xì. Một đại diện của cơ quan ứng phó các tình huống khẩn cấp ở địa phương nói, sự cố không dẫn đến hỏa hoạn.

Phần Lan thắt chặt quy định nhập cảnh với sinh viên, doanh nhân người Nga. Bắt đầu từ ngày 10/7, Phần Lan sẽ thắt chặt các quy định nhập cảnh đối với sinh viên, du khách là doanh nhân và chủ sở hữu tài sản người Nga. Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Phần Lan, hành khách là doanh nhân người Nga sẽ chỉ được phép đến Phần Lan, tức là việc quá cảnh sang các quốc gia khác sẽ bị cấm. Chủ sở hữu tài sản người Nga cũng sẽ được yêu cầu cung cấp căn cứ cho sự hiện diện cá nhân của họ tại Phần Lan trong khi sinh viên Nga sẽ chỉ được phép tham gia các chương trình có cấp bằng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại