Theo Văn phòng Chính phủ, Bản tin kinh tế - xã hội ngày 19/4 trích thông tin báo chí phản ánh việc Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, gia cảnh của các thí sinh được nâng điểm dần lộ diện và thể hiện dấu hiệu hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ.
Điểm các thí sinh được nâng đều từ 28 điểm trở lên, bất kể điểm thực bao nhiêu, cho thấy dấu hiệu hành vi chạy trường rất rõ. Phụ huynh thí sinh đều có chức vụ, cần làm rõ và là căn cứ để xử lý tội đưa hối lộ và tội nhận hối lộ mới đúng bản chất vụ việc.
Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công an chỉ đạo khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin phản ánh nêu trên, nếu có dấu hiệu tội phạm thì phải khởi tố, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, đồng thời, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/5/2019.
Liên quan đến vụ việc nâng điểm thi THPT Quốc gia 2018, đến thời điểm hiện tại đã xác định 222 thí sinh ở 3 địa phương Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình bị phát hiện được nâng điểm thi.
Đến nay, nhiều trường đại học, học viện của quân đội, công an và các trường Đại học đã hủy kết quả, buộc thôi học, trả về địa phương 210 thí sinh, trong đó, có nhiều thí sinh từng được coi là thủ khoa, á khoa của các trường.
12 thí sinh còn lại có điểm chấm thẩm định không thấp hơn điểm trúng tuyển thì trước mắt, trong quá trình điều tra, các trường đang cho tiếp tục theo học.
Đến thời điểm hiện tại, các cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với nhiều bị can là lãnh đạo, cán bộ ngành giáo dục, công an tại các tỉnh Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình về các tội danh khác nhau.
Trong đó, riêng tại Hà Giang, đã có 2 Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh bị khởi tố, Sơn La 1 Phó Giám đốc Sở GD-ĐT bị khởi tố...
Còn theo danh sách các thí sinh được nâng điểm do báo chí công bố tại các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang cho thấy, phụ huynh của nhiều thí sinh là quan chức, lãnh đạo tỉnh, Sở, ngành, công an... của địa phương.