Thủ tướng Đức: Ukraine sẽ không được đảm bảo an ninh như thành viên NATO

Hoàng Phạm |

Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng, Ukraine sẽ không được hưởng nguyên tắc phòng vệ tập thể nếu nước này không phải là thành viên NATO.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong cuộc gặp ngày 16/6/2022 tại Kiev. Ảnh: Getty

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong cuộc gặp ngày 16/6/2022 tại Kiev. Ảnh: Getty

Trả lời phỏng vấn đài phát thanh ARD, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết các đảm bảo an ninh cho Ukraine sẽ không đầy đủ như sự đảm bảo dành cho các thành viên NATO.

Theo ông Scholz, Berlin đã thảo luận về vấn đề đảm bảo an ninh với “các bằng hữu thân thiết” và quá trình này đang diễn ra.

“Rõ ràng là việc đảm bảo an ninh cho Ukraine sẽ không giống như đối với một thành viên của NATO” ông nhấn mạnh, đề cập đến nguyên tắc an ninh tập thể áp dụng trong liên minh nhưng không áp dụng cho các bên thứ ba.

Tuy nhiên, ông Scholz cho biết vấn đề cung cấp một số đảm bảo an ninh cho Kiev “hiện đang được các nhà ngoại giao chuẩn bị kỹ lưỡng” cho thời điểm xung đột hiện tại kết thúc. Còn hiện tại, phương Tây sẽ duy trì sức ép đối với Nga thông qua các biện pháp trừng phạt.

Ukraine trước đó đã phát đi tín hiệu sẽ từ bỏ tham vọng NATO và đồng ý giữ thái độ trung lập theo đòi hỏi của Nga để đổi lấy sự đảm bảo an ninh từ phương Tây.

Ngày 1/7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố thành lập một nhóm đặc biệt về đảm bảo an ninh quốc tế cho Kiev. Nhóm này do cựu Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đứng đầu, ngoài ra còn bao gồm “các nhân vật có ảnh hưởng từ các quốc gia khác như Australia, Mỹ, Thụy Điển, Anh, Đức, Ba Lan, Pháp, Italy và cả Ukraine”.

“Nhiệm vụ chính của nhóm là phát triển một định dạng đảm bảo an ninh cho Ukraine. Nhóm sẽ hoạt động lâu dài và thực tế để không xảy ra các cuộc tấn công trong tương lai”, nhà lãnh đạo Ukraine cho biết.

Mặc dù một số nước phương Tây bày tỏ sẵn sàng cung cấp các bảo đảm an ninh cho Ukraine, nhưng cho đến nay vẫn chưa có đề nghị chính thức nào được đưa ra.

Nga lâu nay coi việc NATO mở rộng về phía Đông là mối đe dọa trực tiếp đối với lợi ích an ninh của mình, đồng thời viện dẫn khả năng Ukraine gia nhập liên minh quân sự này một trong những lý do chính dẫn đến quyết định phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước láng giềng hồi cuối tháng 2./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại