Thủ tướng Đức thăm Pháp nhằm hạ nhiệt căng thẳng

Thu Hoài |

Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 26/10 tới Pháp và dự kiến có cuộc gặp với Tổng thống Emmanuel Macron. Pháp và Đức đều là những quốc gia đầu tàu châu Âu. Chính vì thế cuộc gặp giữa lãnh đạo 2 nước luôn là sự kiện được dư luận quan tâm.

Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Đức Scholz. Ảnh: BBC

Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Đức Scholz. Ảnh: BBC

Thông báo về chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Đức Olaf Scholz được đưa ra khá bất ngờ trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai quốc gia đầu tàu Liên minh châu Âu ngày càng lạnh giá. Theo Văn phòng Tổng thống Pháp, hai nhà lãnh đạo sẽ cố gắng tăng cường hợp tác Pháp-Đức và ứng phó với những thách thức chung một cách “đoàn kết và thống nhất”.

Tuy nhiên không một họp báo chung nào được lên kế hoạch. Theo nhật báo Nam Đức (Süddeutsche Zeitung), trong lịch sử, quan hệ giữa Berlin và Paris luôn được đánh dấu bằng những căng thẳng và điều này dường như không thay đổi vào thời điểm hiện nay.

Trong những tuần gần đây, Thủ tướng Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công khai thể hiện sự bất đồng trong cách thức giải quyết khủng hoảng năng lượng, khắc phục sự bất lực của châu Âu về quốc phòng và cách tiếp cận với Trung Quốc. Căng thẳng đã bị đẩy lên đỉnh điểm hồi tuần trước khi cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng Pháp-Đức đầu tiên dưới thời Thủ tướng Olaf Scholz đã bị hoãn sang tháng 1/2023 do những khác biệt về dự thảo tuyên bố chung.

Bất đồng giữa hai chính phủ cũng lộ rõ ​​tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu vào tuần trước ở Brussels. Cựu Thủ tướng Pháp Dominique de Villepin đã cảnh báo, sự khác biệt giữa Pháp và Đức có thể khiến châu Âu bị tê liệt vào thời điểm châu lục đang cần sự thống nhất và mạnh mẽ hơn lúc nào hết.

Trên thực tế, sự khác biệt giữa hai quốc gia đầu tàu Liên minh châu Âu đã trở nên trầm trọng hơn kể từ khi cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra hồi cuối tháng 2 vừa qua. Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất do phụ thuộc vào khí đốt của Nga, Đức phản đối việc áp giá trần khí đốt ở châu Âu như đề xuất của Pháp. Nước này cũng ký một thỏa thuận với 13 thành viên NATO, trong đó có nhiều thành viên ở sườn phía Bắc và phía Đông để thiết lập các lá chắn phòng không và tên lửa bất chấp sự phản đối của Pháp, ngừng sản xuất máy bay trực thăng Tiger, hủy các cuộc tuần tra chung của hải quân hai nước,…

Dẫu vậy, Pháp và Đức là những đầu tàu của Liên minh châu Âu. Đây là một thực tế mà hai nước không thể phủ nhận. Người phát ngôn chính phủ Đức mới đây đã một lần nữa khẳng định, Pháp là đồng minh thân thiết nhất.

Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck nhấn mạnh: “Hợp tác Pháp-Đức là một phần của tình đoàn kết châu Âu. Điều này rất quan trọng trong thời điểm hiện nay và đã chứng minh được thành công liên quan đến các lệnh trừng phạt cũng như hợp tác về tất cả các biện pháp năng lượng trong những tháng qua”.

Mọi ánh nhìn của châu Âu đều đang dõi về thủ đô Paris, trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine, lạm phát và khủng hoảng năng lượng đang khiến Liên minh châu Âu bị căng thẳng. Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, con tàu châu Âu sẽ không thể lăn bánh nhịp nhàng nếu đầu tàu Pháp-Đức lục đục. Ông đồng thời bày tỏ tin tưởng vào quyết tâm của cả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại