Thủ tướng Đức ‘không rảnh’ chơi golf với ông Trump

Bảo Vĩnh |

Ngày 27.4, Thủ tướng Đức Angela Merkel có chuyến thăm và làm việc một ngày tại Nhà Trắng, và trợ lý của bà nói bà không có thời gian chơi golf với Tổng thống Mỹ Donald Trump, vào lúc Đức - Mỹ có nhiều vấn đề bất đồng.

Ông Peter Beyer, người vừa nhận vai trò điều phối viên các vấn đề liên Đại Tây dương, đúng lúc Mỹ và châu Âu căng thẳng, nói chuyến thăm Nhà Trắng của bà Merkel “chắc chắn sẽ không dễ dàng”.

Thế nhưng ông Beyer, một thành viên trong đảng trung hữu Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) của bà Merkel, bác bỏ bất kỳ sự ám chỉ nào rằng bà Merkel sẽ không được ông Trump đối xử kém trọng thị, ngược với việc chủ nhân Nhà Trắng mở tiệc linh đình chiêu đãi Tổng thống Pháp Emmanuel tối 24.4, hoặc ông Trump đã cùng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chơi golf ở khu nghỉ dưỡng của ông ở bang Florida ngày 18.4.

Ông Beyer nói với Reuters trước khi Tổng thống Pháp đến Mỹ: “Không có thời gian rảnh cho nghi thức xã giao. Nói chân thành, tôi không thể tưởng tượng Thủ tướng sẽ chơi golf. Tôi nghĩ người ta nên xem các chuyến thăm của ông Macron và bà Merkel đều như nhau. Ông ấy sẽ cẩn thận lo có ảnh đẹp và chơi đúng vai trò. Bà Merkel cũng sẽ đảm đương vai trò và sẽ nỗ lực hết mình”.

Mục tiêu thuyết phục ông Trump không áp thuế thép - nhôm với EU

Hai vị lãnh đạo Pháp - Đức đang hợp tác chặt chẽ để cải tổ khu vực sử dụng đồng tiền chung euro, củng cố Liên hiệp châu Âu (EU) như một tổ chức thống nhất, bất kể việc một thành viên lớn là Anh đã quyết rời khỏi EU sau cuộc trưng cầu dân ý Brexit, và vào lúc châu Âu đang đối mặt với Nga đang ngày càng mạnh về chính trị - quân sự.

Bên cạnh đó, châu Âu cũng đối mặt với Tổng thống Mỹ chủ trương bảo hộ thương mại với chính sách “Nước Mỹ trên hết”.

Vào ngày 1.5 tới, việc Mỹ miễn thuế - nhôm nhập khẩu cho EU sẽ hết hiệu lực. Ông Trump từng dọa áp thuế đánh lên nhôm và thép của khối EU, trừ phi khối này có một đề xuất làm Mỹ thỏa mãn trước ngày 1.5.

Ông Beyer nói: “Thương mại rõ ràng là vấn đề căng thẳng nhất. Sẽ là ảo tưởng nếu cho rằng sẽ xử lý được hết mọi trục trặc từ ngày 1.5 tới. Mục tiêu sẽ là một mặt đạt được sự gia hạn, mặt khác người châu Âu cũng phải được miễn chịu mức thuế mà Mỹ áp lên thép và nhôm”.

Một chủ đề nói chuyện khác giữa ông Trump với bà Merkel là Thỏa thuận hạt nhân với Iran (JCPOA).

Thỏa thuận có tên chính thức Hành động chung toàn diện này được Mỹ dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama, Iran, Nga, Trung Quốc, Đức, Anh, Pháp ký năm 2015, còn được gọi là Thỏa thuận G5+1.

JCPOA buộc Iran từ bỏ tham vọng vũ khí hạt nhân, đổi lại là được Mỹ dở bỏ nhiều trừng phạt kinh tế trị giá hàng tỉ USD.

Đến lúc ông Trump làm chủ nhân Nhà Trắng thì ông Trump đã gọi là “một thỏa thuận tồi tệ” và dọa sẽ hủy bỏ vì thỏa thuận có nhiều sơ hở, không giải quyết rốt ráo hoạt động tên lửa của Iran, và Iran ủng hộ các tổ chức chính trị nước ngoài, như lực lượng vũ trang Hezbollah được Iran cung cấp vũ khí và huấn luyện, đang chiến đấu giúp chính phủ Syria trong cuộc nội chiến.

Ngày 12.1, Tổng thống Mỹ đã ra “tối hậu thư” cho nhóm E3, buộc họ phải đồng ý “chỉnh sửa những sơ hở khủng khiếp” trong JCPOA, nếu không thì ông sẽ từ chối gia hạn sự nới lỏng cấm vận cho Iran. Nếu ông Trump ra lệnh, thì Mỹ sẽ nối lại lệnh trừng phạt Iran từ ngày 12.5 tới.

Đức và Anh, Pháp (nhóm E3) và Nga cùng Trung Quốc đều tuyên bố muốn giữ nguyên JCPOA. Nhóm E3 nói thỏa thuận này là cách tốt nhất để chặn Iran không phát triển bom hạt nhân.

Ông Beyer nói: “Thỏa thuận không thật sự tệ như ông Trump vẽ. Thế giới không thể tốt đẹp hơn nếu không có những thỏa thuận”.

Thế nhưng ngày 26.4, trước khi rời Mỹ, Tổng thống Macron nói với các nhà báo Mỹ rằng có lẽ ông đã không thể thuyết phục Tổng thống Trump đừng rút Mỹ khỏi JCPOA: “Tôi không biết Tổng thống của quí vị sẽ quyết định thế nào. Quan điểm của tôi là ông ấy sẽ tự quyết định hủy JCPOA, vì những lý do riêng của Mỹ”.

Ông Macron còn nhắc việc ông Trump hồi tháng 6. 2017 đã rút Mỹ khỏi Thỏa thuận chống thay đổi khí hậu Paris 2015, để nói việc lãnh đạo Mỹ thường xuyên thay đổi quan điểm về những vấn đề toàn cầu “khiến có thể hiệu quả ngắn hạn, nhưng rất điên rồ về trung hạn và dài hạn”.

Chủ nhân Nhà Trắng sẽ đòi thượng khách giải thích Đức không đánh Syria ?

Chưa thể dự báo ông Trump, 71 tuổi, sẽ có sự thay đổi nào hay không, khi ông tiếp bà Merkel, 63 tuổi. Mối quan hệ giữa bà Merkel với ông Trump đã không tốt, và hai nhà lãnh đạo đã không nói chuyện với nhau từ 5 tháng qua.

Gần một năm trước, ông Trump từng viết Twitter, dọa sẽ áp thuế mạnh đối với Đức, vì điều ông gọi là “thâm thủng thương mại khổng lồ”, cũng như việc Đức không đóng góp nhiều vào kinh phí hoạt động của NATO. Ông ép các đồng minh châu Âu phải đạt chỉ tiêu của NATO là chi 2% GDP mỗi nước cho mảng quốc phòng, kèm lời bắn tiếng Mỹ sẽ không bảo vệ nước nào không đạt chỉ tiêu này. Năm 2017, Đức chỉ chi 1,13% GDP cho mảng quốc phòng.

Ông Beyer nói: “Mỹ đã nói rõ sự kỳ vọng cao vào quân đội Đức. Bà Merkel sẽ phải nói rõ rằng Đức đang cố gắng hoàn thành các nhiệm vụ bảo vệ hòa bình ở Mali, Afghanistan, giúp đỡ nhân đạo ở Syria và cũng sẽ đóng đủ chỉ tiêu 2% của NATO”.

Có thể ông Trump cũng sẽ “thắc mắc” tại sao Đức không cùng Mỹ - Anh - Pháp không kích đập nát “3 cơ sở sản xuất và cất giấu vũ khí hóa học của Syria" đêm 13.4.

Cái cớ của liên quân là chính quyền Tổng thống Bashar Al-Assad sử dụng vũ khí hóa học (VKHH) giết thường dân ở thành phố Douma thuộc khu ngoại ô Đông Ghouta của thủ đô Damascus (Syria) ngày 7.4.

Sau cuộc không kích, bà Merkel xem hành động quân sự này là cần thiết và phù hợp. Nhưng vào lúc Mỹ -Anh - Pháp chuẩn bị tấn công, bà đã tuyên bố quân đội Đức sẽ không tham gia bất kỳ cuộc tấn công quân sự nào vào Syria.

Bà Merkel từng nhận định có nhiều biện pháp cần được cân nhắc để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria, đồng thời cảnh báo chính quyền Syria chưa phá hủy hoàn toàn kho VKHH như nước này từng cam kết khi gia nhập Tổ chức Cấm VKHH (OPCW) năm 2013.

Ông Jeffrey Gedmin, chuyên gia về NATO và châu Âu ở tổ chức nghiên cứu Hội đồng Atlantic (Mỹ) nói với Newsweek: “Ông Trump sẽ phản ứng thế nào, ai mà biết được? Nếu ông ấy khôn ngoan, ông ấy sẽ hiểu bà Merkel không thể đẩy Đức vào chiến dịch này, vì Đức không có khả năng như Anh, Pháp, và còn vì những lý do lịch sử và văn hóa chính trị, Đức có thái độ miễn cưỡng khi liên quan chuyện dùng đến vũ lực".

Ông Gedmin còn nói: “Liên minh cầm quyền của bà Merkel còn mong manh, chưa thật sự ổn định. Bà ấy có đối tác liên minh trong đảng Xã hội Dân chủ, vốn là đảng luôn phản đối bất kỳ cuộc tấn công nào. Người ở Lầu Năm Góc, Paris và London đều hiểu hoàn cảnh. Nhưng nó sẽ ảnh hưởng tới cuộc đối thoại với ông Trump. Liệu ông ấy sẽ tung hê sự thất vọng? Quí vị sẽ không bao giờ biết được đâu”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại