Thủ tướng Boris Johnson ví nước Anh với “Người khồng lồ Xanh”

Thu Hoài |

Cách so sánh đặc biệt này của nhà lãnh đạo Anh được giới chuyên gia nhìn nhận như một thông điệp gửi đi tới các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí Anh được công bố ngày 15/9, Thủ tướng Boris Johnsonnhấn mạnh, khi ông bước chân vào ngôi nhà số 10 phố Downing, tất cả đề nói rằng, tuyệt đối sẽ không thể có bất kỳ sự thay đổi nào đối với thỏa thuận chia tay.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đã quay lại vấn đề này và các cuộc thảo luận đang diễn ra nhằm giải quyết những vấn đề liên quan tới biên giới giữa Bắc Ireland và nước Cộng hòa Ireland. Theo ông, những bước tiến lớn đang được thực hiện nhằm đi tới một thỏa thuận với Liên minh châu Âu.

Nhà lãnh đạo Anh cho rằng, sẽ có rất nhiều việc phải làm từ nay đến ngày 17/10, thời điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu, trước khi Anh chính thức rời khối vào ngày 31/10. Tuy nhiên, ông khẳng định sẽ tới Hội nghị thượng đỉnh này và sẽ đạt được một thỏa thuận. Trong trường hợp không thể, nước Anh sẽ vẫn rời đi theo đúng kế hoạch.

Đặc biệt nhà lãnh đạo Anh đã so sánh đất nước của mình với Người khổng lồ Xanh Hulk. Theo ông, khi càng bị dồn vào chân tường, càng bị làm cho tức giận, Người khổng lồ Xanh sẽ càng trở nên mạnh hơn và luôn vượt qua được tất cả.

Không khó để nhận ra, liên tiếp những ngày qua nhà lãnh đạo Anh đã nhiều lần phát đi những tín hiệu lạc quan và đang tích cực tiến hành chiến dịch vận động cả ở trong nước, lẫn Liên minh châu Âu nhằm tìm kiếm thỏa thuận chia tay mới. Thậm chí nhà lãnh đạo Anh còn phát biểu rằng “phần thô của thỏa thuận Brexit đã hoàn thành” và ông đã sẵn sàng cho cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker vào ngày 16/9.

“Tôi nghĩ rằng có rất nhiều người thực sự muốn Brexit diễn ra nhanh chóng. Trong đó bao gồm cả người Anh, Liên minh châu Âu, các nước bạn bè và đối tác của chúng ta. Tiến trình này đã kéo dài ba năm và tôi hiểu phe đối lập muốn gì, họ đang tìm cách trì hoãn tất cả, bất chấp những hậu quả có thể. Đó là lý do tại sao chúng tôi làm việc rất chăm chỉ để có được một thỏa thuận. Tôi nghĩ chúng tôi sẽ có một thỏa thuận. Nhưng nếu thực sự cần thiết, chúng tôi sẽ không có thỏa thuận nào”, Thủ tướng Johnson nói.

Khúc mắc lớn nhất hiện nay đó là làm thế nào để tránh phải tái thiết lập đường biên giới cứng giữa Bắc Ireland thuộc Anh và nước Công hòa Ireland hậu Brexit. Chính phủ Anh đã bác bỏ giải pháp được gọi là “chốt chặn cuối cùng”, trong khi Liên minh châu Âu lại cho rằng không có lựa chọn nào tốt hơn. Theo điều khoản này, toàn bộ Vương quốc Anh sẽ ở lại “không gian thuế quan chung” với Liên minh châu Âu nếu các bên không thể đi tới môt giải pháp tốt nhất sau giai đoạn chuyển tiếp.

Theo các nhà phân tích, cuộc gặp ngày 16/9 sẽ quyết định nước Anh có thể thoát khỏi “cơn ác mộng” Brexit dai dẳng hay không. Thủ tướng Anh đã tuyên bố Anh dù có thỏa thuận hay không cũng sẽ rời EU vào ngày 31/10 tới, bất chấp một đạo luật mới vừa được thông qua buộc Thủ tướng phải xin gia hạn Brexit thêm 3 tháng trong trường hợp không đạt được thỏa thuận trước ngày 19/10 tới. Những hậu quả của sự ra đi không thỏa thuận đã được cảnh báo là rất nặng nề và nước Anh có nguy cơ rơi vào suy thoái lần đầu tiên sau một thập kỷ.

Trước thềm cuộc gặp vào ngày mai, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của Liên minh châu Âu Michel Barnier dù tuyên bố khối này sẵn sàng cân nhắc các đề xuất phù hợp, song cũng cảnh báo, khó có thể lạc quan về khả năng đạt được thỏa thuận Brexit với Anh trước hội nghị cấp cao Liên minh châu Âu vào tháng tới./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại