Theo CNN, với 301 phiếu thuận và 328 phiếu chống, Chính phủ của Thủ tướng Jonson đã bị đánh bại bởi các đảng đối lập và ngay cả các nhà lập pháp “chống đối” trong Đảng Bảo thủ của chính ông. Ngay lập tức ông Johnson đã khai trừ 21 nghị sĩ khỏi đảng Bảo thủ và ấn định một cuộc tổng tuyển cử đột xuất vào ngày 14/10 tới.
Nhiều khả năng trong ngày 4/9 các đảng đối lập sẽ tìm cách thông qua một đạo luật buộc Thủ tướng Johnson phải yêu cầu Liên minh châu Âu (EU) trì hoãn Brexit (lần thứ ba) đến ngày 31/1/2020 nếu ông không có một thỏa thuận với các phê chuẩn về điều khoản và cách thức để Anh rời EU.
Thủ tướng Boris Johnson phát biểu trước Quốc hội sau cuộc bỏ phiếu rằng: “Tôi không muốn bầu cử, nhưng nếu các nghị sĩ bỏ phiếu vào ngày 4/9 để ngừng đàm phán và trì hoãn Brexit thì đó sẽ là cách duy nhất để giải quyết vấn đề này”.
Theo Đạo luật Nghị viện có thời hạn cố định của nước Anh, Thủ tướng cần có 2/3 đa số trong Nghị viện nếu ông muốn tiến hành một cuộc bầu cử trước năm 2022.
Có thể nói, chiến lược này là một “nguy cơ” lớn với chính quyền non trẻ của tân Thủ tướng Johnson, có thể khiến ông mất đa số ủng hộ trong Quốc hội và đẩy Hạ viện phải chấp thuận một cuộc bầu cử mà ông Johnson chưa chắc đã giành chiến thắng.
Theo Politico, phiên bỏ phiếu ngày 3/9 có thể khiến ông Johnson trở thành Thủ tướng Anh có thời gian tại vị ngắn nhất. Theo truyền thống, nếu một Thủ tướng Anh mất khả năng giành thắng lợi trong bỏ phiếu tại Quốc hội, người đó cũng sẽ bị thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm hoặc kêu gọi bầu cử sớm.
Bên cạnh đó, bầu cử sớm có thể là một rủi ro lớn bởi điều này đồng nghĩa với khả năng dẫn tới một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về Brexit. Năm 2017, Thủ tướng tiền nhiệm Theresa May rất vất vả để vượt qua bầu cử sớm với tỷ lệ rất thấp.
Mặc dù đảng Bảo thủ vẫn được lòng dân, song chủ yếu là giới trẻ ủng hộ đảng này và đảng của Thủ tướng Anh cũng đang phải đứng trước những đối thủ từ cánh tả là Dân chủ Tự do và cánh hữu là đảng Brexit, chưa kể đến đối thủ "truyền thống" Công Đảng.
Thậm chí để tổ chức bầu cử sớm, ông Johnson sẽ cần tới sự ủng hộ từ Công Đảng đối lập. Tuy nhiên, không rõ liệu Công đảng Anh có ủng hộ tổng tuyển cử hay không dù trước đó lãnh đạo đảng này là ông Jereny Corbyn liên tục kêu gọi một cuộc tổng tuyển cử.
Ngoài ra, Quốc hội Anh cũng có thể buộc ông Johnson rời bỏ vị trí mà không cần tới các cử tri bằng cách thông qua một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Tuy nhiên, do Thủ tướng Anh đã được Nữ Hoàng cho phép tạm dừng hoạt động Nghị viện trong 5 tuần (từ ngày 9/9) nên gần như chắc chắn những người phản đối ông Johnson sẽ không đủ thời gian cho việc đó.
Theo giáo sư Tony Travers, giám đốc Viện các vấn đề công của trường Kinh tế London, nếu nỗ lực tổ chức bầu cử thất bại và dự luật phản đối Brexit không thỏa thuận được thông qua thì ông Johnson sẽ bị ràng buộc. “Khi đó ông Johnson sẽ ở trong tình thế vô cùng khó khăn, ông ấy sẽ có ít lựa chọn, sẽ phải làm ngược lại lời hứa của mình và khả năng cao là phải kéo dài quá trình Brexit mà ông không mong muốn”, ông Travers nhận định.
Tim Bale, giáo sư chính trị Đại học Queen Mary, London, cho rằng rất khó để mọi việc đi theo chiều hướng đã định vào thời điểm này. “Đây sẽ là một canh bạc đối với ông Johnson nhưng vẫn cần phải hướng tới các lựa chọn khác. Đó là một rủi ro, song cũng có thể là một rủi ro đáng để thử”, giáo sư Bale kết luận.