Reuters hôm 16-11 đưa tin ông Johnson sẽ tiếp tục công việc thông qua ứng dụng Zoom trong thời gian tự cách ly 2 tuần ở số 10 phố Downing (dinh thự thủ tướng Anh).
"Tôi đang cảm thấy rất tuyệt. Còn rất nhiều điều để chia sẻ qua Zoom và các phương tiện giao tiếp điện tử khác" – nhà lãnh đạo Anh mỉm cười và nói trong đoạn video đăng tải trên mạng xã hội Twitter.
Ông Johnson cũng tìm cách trấn an các nhân viên của mình, nhắc lại rằng ông sẵn sàng giải quyết những ưu tiên của chính phủ bao gồm đại dịch Covid-19 và chương trình nghị sự. Đồng thời, nhà lãnh đạo Anh gửi lời cảm ơn cấp dưới vì công việc khó khăn mà họ đang gánh vác.
Hôm 15-11, ông Johnson thông báo chương trình NHS Test & Trace (Theo dấu và Xét nghiệm của Cơ quan Y tế Quốc gia Anh) yêu cầu ông phải tự cách ly 2 tuần sau khi tiếp xúc với nghị sĩ Lee Anderson, người cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch Covid-19.
Hồi tháng 3, ông Johnson bị mắc Covid-19, phải sử dụng máy thở trong phòng chăm sóc đặc biệt và tạm rời xa văn phòng gần 1 tháng. Ông nói bản thân "đã chiến đấu giành giật sự sống trong khi chính phủ Anh chuẩn bị cho tình huống một vị thủ tướng qua đời khi còn tại nhiệm".
Trong đợt cách ly mới nhất, ông Johnson cũng đối mặt với đợt bùng phát Covid-19 nguy hiểm nhất của châu Âu và chuẩn bị cho thỏa thuận thương mại Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu) trong vòng vài ngày.
Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak. Ảnh: Sky News
Hôm 16-11, đài Sky News đưa tin Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak được cho là đang thúc đẩy giảm chi tiêu viện trợ nước ngoài từ 0,7% xuống 0,5% tổng thu nhập quốc dân (GNI) khi ông dự kiến đưa ra đánh giá chi tiêu vào tuần tới.
The Times cho biết động thái này là một cách tiết kiệm hàng tỉ bảng Anh cho tài chính công sau khoản chi khổng lồ để đối phó với đại dịch Covid-19 của London.
Trang www.worldometers.info thống kê tính đến trưa 17-11 (giờ GMT), Anh có 1.390.681 ca nhiễm và 52.147 trường hợp tử vong do Covid-19.
Trên khắp châu Âu, làn sóng Covid-19 thứ hai bắt đầu có dấu hiệu chậm lại nhưng các chuyên gia cảnh báo không nên chủ quan. Theo đài CNBC, nhiều nước châu Âu vật lộn với làn sóng Covid-19 thứ hai kể từ tháng 9. Tuy nhiên, những con số mới nhất cho thấy số ca nhiễm ở Đức, Tây Ban Nha và Ý đang ổn định, còn Bỉ, Pháp và Hà Lan có sự sụt giảm.
Vào tháng 10, các chính phủ ở châu Âu đề ra lệnh phong tỏa và hạn chế xã hội cứng rắn để ngăn chặn đại dịch lây lan.