NYT: Là đối thủ lớn nhất nhưng chỉ có ông Tập mới có thể giúp ông Biden về vấn đề nhức nhối toàn cầu

An An |

Theo NYT, nếu ông Joe Biden muốn trở thành Tổng thống khí hậu đầu tiên của Mỹ, ông phải đối phó với đối thủ số một của mình trên trường quốc tế: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Đối thủ số 1 của ông Biden

Tuy nhiên, hai ông Joe Biden và Tập Cận Bình đã rơi vào một mối quan hệ rất khó khăn và thật đáng tiếc, đối với Tổng thống đắc cử của Mỹ, ông đã gặp bất lợi ngay từ đầu.

Trung Quốc đã chúc mừng ông Biden vào thứ Sáu tuần trước, chấm dứt sự im lặng về kết quả bầu cử Mỹ trong nhiều ngày. Trung Quốc hiện thống trị việc sản xuất các sản phẩm năng lượng sạch, bao gồm mô-đun năng lượng mặt trời và xe điện.

Chủ tịch Trung Quốc không cần phải đối mặt với sự hỗn loạn chính trị trong nước như ông Biden, điều có thể ngăn Tổng thống đắc cử thực hiện lời hứa tranh cử tham vọng nhất của mình về biến đổi khí hậu.

The New York Times (NYT-Mỹ) nhận định, ông Tập đã làm suy yếu khả năng của ông Biden trong việc đưa Mỹ trở thành nhà lãnh đạo trong các vấn đề biến đổi khí hậu. Bởi vào tháng 9 vừa qua, ông đã công bố một mục tiêu đầy tham vọng là đưa lượng khí thải carbon của Trung Quốc về mức 0 vào trước năm 2060.

Alex Wang, hiện là Giiáo sư luật tại Đại học California, Los Angeles, chuyên nghiên cứu về chính sách và luật khí hậu của Trung Quốc, cho biết: "Nó hơi giống một sự khiêu khích đối với Mỹ".

Bất luận là khiêu khích hay không, thế giới cần Trung Quốc và Mỹ đoàn kết để giảm thiểu tác hại của sự nóng lên toàn cầu, hơn nữa phải hành động nhanh chóng, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã khiến tiến trình này mất đi động lực. Hội nghị thảo luận về khí hậu toàn cầu ban đầu dự kiến ​​được tổ chức tại Glasgow trong tuần trước, nơi các quốc gia sẽ công bố các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu đã được sửa đổi, nhưng do Covid-19, đối thoại hiện đã bị hoãn lại một năm.

Cả Trung Quốc và Mỹ đều không thể vắng mặt trong các cuộc đàm phán này.

Hai quốc gia này đại diện cho hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, hai lực lượng quân sự quan trọng nhất và cũng là hai nguồn gây ra các vấn đề khí hậu nghiêm trọng nhất, chiếm 40% tổng lượng phát thải khí nhà kính hiện nay thải vào bầu khí quyển. Chính là loại khí này đã khiến nhiệt độ trái đất đã tăng lên mức nguy hiểm. Do đó, việc ông Biden và ông Tập có thể xoay chuyển nền kinh tế khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhằm kiềm chế sự nóng lên toàn cầu, định hình thị trường toàn cầu cho công nghệ sạch và thúc đẩy các nước phát thải lớn khác - Ấn Độ, Indonesia, Nga và Brazil - là điều rất cần thiết.

Nhưng quan hệ giữa hai nước hiện đang ở mức thấp nhất trong nửa thế kỷ khi phát sinh xung đột thương mại hay các vấn đề như nhân quyền.

Mục tiêu khó khăn

Kelly Sims Gallagher, người từng giúp tổ chức hai cuộc họp quan trọng về biến đổi khí hậu giữa cựu Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình, dự đoán rằng việc hợp tác sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng không phải là không thể. Bà nói rằng vấn đề biến đổi khí hậu mang lại cho hai ông Biden và Tập một cơ hội hợp tác thực sự.

NYT: Là đối thủ lớn nhất nhưng chỉ có ông Tập mới có thể giúp ông Biden về vấn đề nhức nhối toàn cầu - Ảnh 1.

Các mô-đun năng lượng mặt trời và tuabin gió đặt gần thành phố Diêm Thành, tỉnh Giang Tô. Trung Quốc. Ảnh: EPA

Tiến sĩ Gallagher, hiện là Giáo sư tại Học viện Fletcher thuộc Đại học Tufts nhận định, cả hai quốc gia đều hy vọng đạt được nền kinh tế không phát thải ròng vào khoảng giữa thế kỷ này và hai bên đều mong muốn tác động đến ngoại giao khí hậu quốc tế. Bà và các nhà phân tích khác cho rằng, lợi ích hội tụ của hai nước có thể thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực công nghệ năng lượng sạch, do đó sẽ làm giảm giá năng lượng tái tạo ở các khu vực khác trên thế giới.

"Tôi nghĩ rằng đây là một lĩnh vực mà sự hợp tác thực sự có thể xảy ra", bà Gallagher nói. "Nguy cơ là nếu Mỹ do dự và không thể chấn chỉnh trật tự trong nước, điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc củng cố vị thế thị trường của mình trong lĩnh vực năng lượng sạch. Trong trường hợp đó, nước Mỹ chúng ta sẽ mất cơ hội đem lại lợi ích cho nền kinh tế và người lao động của chính chúng ta từ nền kinh tế năng lượng sạch".

Các nhà phân tích về quan hệ Mỹ - Trung cho rằng, ông Biden phải có những động thái lớn càng sớm càng tốt. Ông cần một mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đầy tham vọng hơn để vượt lên trước ông Tập, có nghĩa là loại bỏ khỏi bầu khí quyển bất kỳ loại khí nhà kính nào do Mỹ thải ra. Ông cũng phải khôi phục các biện pháp bảo vệ môi trường quan trọng mà chính quyền tiền nhiệm lãng quên và hỗ trợ ngành năng lượng sạch của Mỹ bằng các quy định kết hợp ưu đãi.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Biden đã đưa ra những lời hứa về những vấn đề trên nhưng nếu Thượng viện phản đối, một số lời hứa này sẽ rất khó thành hiện thực. Ông tuyên bố rằng giải quyết biến đổi khí hậu sẽ là một trong những trọng tâm thuộc số lượng lớn các chính sách từ nông nghiệp đến giao thông. Ông cũng ám chỉ rằng sẽ có lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc trong một loạt vấn đề về chính sách đối ngoại.

Một số nhà phân tích cho rằng, có lẽ mục tiêu khó khăn nhất trong chương trình nghị sự của ông là làm thế nào có thể tái định hình vai trò của Mỹ trên thế giới, bao gồm những giải pháp thay thế mà nước này có thể cung cấp cho các dự án nhiên liệu hóa thạch mà ông Tập ủng hộ thông qua chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu đặc trưng được gọi là Vành đai và Con đường.

Tuần này, nhóm chuyển đổi của ông Biden tuyên bố Tổng thống đắc cử đã thảo luận về biến đổi khí hậu trong các cuộc họp sơ bộ với một số đồng minh châu Âu và châu Á-Thái Bình Dương. Mặc dù Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra tuyên bố hôm thứ Sáu, nhưng ông Tập chưa từng đối thoại với ông Biden kể từ cuộc bầu cử.

Thách thức riêng của ông Tập

Tuy nhiên, theo NYT, ông Tập hiện cũng phải đối mặt với thử thách của chính mình. Lượng khí thải của Trung Quốc tiếp tục tăng, ngay cả khi lượng khí thải của Mỹ đã giảm đáng kể từ năm 2005, mặc dù không đạt được mức cắt giảm mà nước này đã cam kết theo hiệp định Paris. Lượng khí thải của Trung Quốc đang trên đà tiếp tục tăng cho đến năm 2030; chỉ sau đó, chúng được dự đoán sẽ giảm nhanh chóng, theo một nhóm nghiên cứu.

Điều này khác xa với mục tiêu cuối cùng của Thỏa thuận khí hậu Paris, đó là cho phép các nước đặt mục tiêu phát thải 5 năm một lần và gây áp lực về mặt ngoại giao để thể hiện tham vọng lớn hơn nhằm ngăn nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng cao hơn thời kỳ tiền công nghiệp 2 độ C.

Một phân tích của hai tổ chức nghiên cứu, Viện Chính sách Xã hội Châu Á và Phân tích Khí hậu, sẽ được công bố vào tuần này nhưng theo NYT, Trung Quốc sẽ phải đạt mức phát thải carbon cao nhất vào năm 2025, sớm hơn 5 năm so với những gì nước này đã cam kết và loại bỏ dần than đá vào năm 2040 để giữ cho nhiệt độ toàn cầu gần với mức giới hạn được quy định trong Thỏa thuận Paris.

Mục tiêu về tham vọng khí hậu của ông Tập phần lớn nằm trong kế hoạch 5 năm tiếp theo của Trung Quốc, đó một lộ trình kinh tế sẽ được công bố vào mùa xuân. Vẫn còn phải xem kế hoạch đó sẽ giải quyết sự phụ thuộc vào than đá - loại nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nhất - của Trung Quốc như thế nào. Mặc dù Trung Quốc đã mở rộng việc sử dụng năng lượng mặt trời và năng lượng gió nhưng than đá vẫn cung cấp phần lớn điện năng cho nước này.

Trung Quốc là nước tiêu thụ than đá lớn nhất thế giới. Theo tổ chức nghiên cứu và vận động Urgewald, Trung Quốc sở hữu số lượng nhà máy nhiệt điện than lớn nhất thế giới. Bốn trong số các nhà xây dựng nhà máy nhiệt điện than lớn nhất thế giới đến từ Trung Quốc.

Kế hoạch 5 năm của Trung Quốc sẽ được công bố ngay sau khi ông Biden nhậm chức, khi đó, ông Biden cũng sẽ đưa ra lộ trình tái thiết nền kinh tế Mỹ để thích ứng với kỷ nguyên biến đổi khí hậu. Một số nhà ngoại giao và nhà phân tích nói rằng điều này có thể thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh.

Byford Tsang, chuyên gia về Trung Quốc tại E3G, một tổ chức nghiên cứu ở London, cho biết: “Sẽ có một cuộc chạy đua giành vị trí dẫn đầu thế giới về lượng carbon thấp".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại