Sáng ngày 20/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên- Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đã làm việc về công tác phòng chống dịch trên điạ bàn tỉnh Nghệ An.
2.500 cán bộ y tế tham gia các tổ lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc COVID-19
Báo cáo của UBND tỉnh Nghệ An tại buổi làm việc cho biết, tính từ ngày 13/6 đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã ghi nhận 26 trường hợp mắc COVID-19, trong đó TP Vinh có 16 ca, Huyện Diễn Châu có 8 ca, huyện Tân Kỳ và huyện Quỳ Hợp mỗi huyện 1 ca mắc.
Toàn cảnh buổi làm việc giữa Bộ Y tế và UBND tỉnh Nghệ An về công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn Ảnh: Từ Thành
Toàn tỉnh đã thiết lập hệ thống tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 tại 5 cơ sở tuyến tỉnh và 19 cơ sở tuyến huyện với 350 giường bệnh.
Hiện tỉnh đang gấp rút triển khai sửa chữa, bổ sung các hạng mục cần thiết để Bệnh viện Dã chiến số 1 tại Trung tâm Y tế huyện Hưng Nguyên với quy mô 100 giường bệnh sẵn sàng phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn.
Tại Trung tâm bệnh nhiệt đới của BVĐK tỉnh Nghệ An đang điều trị 24 bệnh nhân COVID-19, tất cả đều có diễn biến lâm sàng bình thường.
Nghệ An đã thiết lập hệ thống các tổ lấy mẫu từ tuyến tỉnh đến tuyến xã (trên 2.500 cán bộ y tế), đủ khả năng lấy hơn 200.000 mẫu/ngày. Ngoài ra tỉnh đã tổ chức tập huấn cho 460 sinh viên trường Đại học Y khoa Vinh sẵn sàng tham gia công tác phòng chống dịch khi có yêu cầu.
Về xét nghiệm, hiện nay, số phòng có khả năng xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR của Nghệ An là 7 phòng, công suất xét nghiệm tối đa khoảng 33.500 mẫu/ngày (cho mẫu gộp 10). Trong đó, có 3 phòng xét nghiệm được phép khẳng định với công suất tối đa khoảng 1700 mẫu/ngày.
Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng chỉ đạo triển khai kết hợp phương pháp xét nghiệm bằng test nhanh nhằm rà soát các đối tượng có nguy cơ…
Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá rất cao công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại BVĐK TP Vinh Ảnh:Từ Thành
Đến nay, Nghệ An đã tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho 24.710 người, trong đó khoảng 10% trường hợp phản ứng, tuy nhiên gần như tất cả đều phản ứng nhẹ. Tỉnh Nghệ An cho biết, toàn tuyến có thể tiêm chủng khoảng 150.000 mũi /ngày.
Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, nỗ lực điều tra, truy vết các nguồn gốc ca lây nhiễm
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Trung- Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh: Đến thời điểm này, Nghệ An cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh, tuy nhiên tỉnh vẫn đang nỗ lực điều tra, truy vết các nguồn gốc của một số ca lây nhiễm.
Nghệ An đã áp dụng nhanh chóng, chủ động các biện pháp mạnh nhất trong phòng chống dịch.
“Tỉnh dự báo thời gian tới tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp, tuy nhiên tỉnh quyết tâm, quyết liệt triển khai các biện pháp đã và đang thực hiện với phương châm kịp thời- quyết liệt-đồng bộ và dựa vào người dân trong phòng chống dịch”- Chủ tịch Nguyễn Đức Trung nói.
Bên cạnh đó, Nghệ An tiếp tục thực hiện phong toả ở các địa bàn có nguy cơ cao.
Ông Nguyễn Đức Trung- Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An phát biểu tại buổi làm việc Ảnh:Báo Nghệ An
Đối với công tác phòng chống dịch trong các khu công nghiệp, tỉnh đã chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng chống dịch, nhiều đơn vị đã dành kinh phí để xét nghiệm cho người lao động…
Về cơ bản tỉnh đang chuẩn bị cả về nhân lực, vật lực, trang thiết bị để sẵn sàng đáp ứng với tình hình dịch. “Nghệ An cố gắng để đảm bảo thực hiện 4 tại chỗ trong phòng chống dịch.
Chúng tôi chia sẻ với trung ương về vấn đề vắc xin, tuy nhiên nếu có nguồn, mong muốn dành ưu tiên cho tỉnh. Đồng thời, tỉnh cũng mong muốn Bộ Y tế hỗ trợ Nghệ An hệ thống can thiệp ECMO, trước mắt 1 hệ thống để trang bị cho BVĐK tỉnh Nghệ An- đây là bệnh viện tuyến cuối tại khu vực Bắc Trung Bộ”- Chủ tịch Nguyễn Đức Trung nói.
Quan tâm chú trọng phòng chống dịch trong khu công nghiệp
Theo PGS.TS Trần Như Dương- Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW, tình hình dịch tại Nghệ An cho thấy có đa nguồn lây. Do vậy, tỉnh cần tiếp tục rà soát từng ngõ, từng nhà triệt để các F1, những người liên quan đến các mốc dịch tễ lớn… Cần lấy mẫu cả gia đình những trường hợp này để tránh bỏ lọt ca bệnh.
Giám sát triệt để ho/sốt và triệu chứng hô hấp trong cộng đồng. Đây là những ca bệnh chỉ điểm. Thực hiện xét nghiệm bằng test nhanh, nếu có kết quả nghi ngờ cần làm ngay lại bằng PCR. Đồng thời, đối với những người bị ốm, cần lấy mẫu xét nghiệm cả hộ gia đình.
Đối với những huyện chưa có dịch cũng phải giám sát chặt, lấy mẫu gộp xét nghiệm khu vực nguy cơ cao.
Tại buổi làm việc, GS.TS Đặng Đức Anh- Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW đề nghị tỉnh gửi mẫu bệnh nhân COVID-19 ra Viện để Viện làm giải trình tự gen, từ đó phục vụ công tác truy vết và xác định chính xác nguồn lây.
Liên quan đến vấn đề xét nghiệm, chuyên gia lưu ý các đơn vị của tỉnh Nghệ An cần thực hiện xét nghiệm mẫu đơn đối với những mẫu nghi ngờ.
Đoàn công tác của Bộ Y tế đã đến kiểm tra tại CDC Nghệ An. Ảnh:Từ Thành
Về phòng chống dịch trong khu công nghiệp, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương- Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế đề nghị chỉ đạo các Sở ban ngành liên quan xây dựng kế hoạch phòng chống dịch tại các khu công nghiệp, trong đó có phương án cụ thể về cách đáp ứng trong tình huống có dịch; hoặc có trường hợp F1… Thực hiện sàng lọc những đối tượng nguy cơ, tiếp xúc nhiều.
Đề nghị tỉnh cập nhật ngay trên bản đồ antoancovid.vn về các doanh nghiệp, nhà máy… đảm bảo an toàn chống dịch và yêu cầu ngay các công nhân phải thực hiện khai báo y tế.
Cần tiếp tục nâng cao công suất và năng lực xét nghiệm, đặc biệt chú trọng xét nghiệm PCR
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nêu rõ, do đặc thù của địa phương nên đề nghị Ban Chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh Nghệ An cần tổ chức tập huấn đến tuyến dưới, quán triệt thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.
Đồng thời, tỉnh cũng nên phân công rõ nhiệm vụ của từng thành viên trong Thường vụ tỉnh uỷ để theo dõi sát, chịu trách nhiệm toàn diện công tác phòng chống dịch của một huyện/ thành phố/thị xã. Tương tự cấp huyện, xã cũng vậy.
Huy động sự tham gia, vào cuộc của các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, tôn giáo, chức sắc cùng tham gia phòng chống dịch; Phát huy vai trò của "Tổ Covid cộng đồng", tổ liên gia theo đúng tinh thần “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, mỗi tổ phụ trách từ 30-50 gia đình. Phát động phong trào toàn dân phát giác những trường hợp có nguy cơ cao.
Trong phong toả, cách ly phòng chống dịch, tỉnh cần thực hiện khoanh vùng rộng, nhưng sau khi rà soát hết F1, F2, có kết quả F1 âm tính lần đầu thì thu gọn, phong toả diện hẹp.
“Tuy nhiên trong vùng phong toả phải yêu cầu người dân đặc biệt tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch. Không được có sự giao lưu giữa các hộ gia đình trong khu vực này”- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại buổi làm việc Ảnh: Từ Thành
Lưu ý tỉnh quan tâm phòng chống dịch trong các khu vực nhà trọ, lưu trú của công nhân các khu công nghiệp, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Thực tiễn chống dịch cho thấy đây là khu vực có nhiều nguy cơ lây nhiễm chéo vì mật độ dân cư cao, tiếp xúc gần.
Đối với phòng chống dịch cộng đồng, tỉnh cũng cần thực hiện đẩy mạnh xét nghiệm sàng lọc, theo các hình thức xét nghiệm phù hợp.
Tỉnh Nghệ An cần giao cho Ban Quản lý Khu công nghiệp chủ trì cùng y tế để triển khai tập huấn phòng chống dịch; còn cụm công nghiệp và các doanh nghiệp nhỏ lẻ thì UBND huyện và lực lượng y tế cùng phối hợp tổ chức. Việc tập huấn phải thường xuyên, thiết thực để quán triệt các biện pháp phòng chống dịch.
Về xét nghiệm, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị tỉnh Nghệ An cần tiếp tục nâng cao công suất và năng lực xét nghiệm, đặc biệt chú trọng xét nghiệm PCR. Đối với các đơn vị xét nghiệm chưa làm được khẳng định PCR trên địa bàn, ngay tại buổi làm việc, Thứ trưởng yêu cầu Viện Vệ sinh dịch tễ TW cử đoàn công tác vào Nghệ An thẩm định, ra soát lại và đề nghị bổ sung những yêu cầu chưa đủ về kỹ thuật để nhanh chóng làm được xét nghiệm PCR.
Thứ trưởng Bộ Y tế kiểm tra cán bộ, nhân viên bệnh viện về quy trình sàng lọc, tiếp nhận bệnh nhân. Ảnh:Từ Thành
Về điều trị, khi xây dựng bệnh viện dã chiến cần trưng dung TTYT huyện, dựa trên cơ sở vật chất có sẵn và nhân lực để thiết lập, sau đó nâng cấp, làm thêm các khu vực điều trị đặc thù (ICU cho bệnh nhân nặng…). Thứ trưởng cũng yêu cầu BVĐK tỉnh Nghệ An cần cố gắng tối đa nâng công suất điều trị bệnh nhân nặng và tuyệt đối không để lây chéo trong bệnh viện.
Cho biết, từ nay đến cuối năm Bộ Y tế sẽ tổ chức chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử- đây là chiến dịch tiêm chủng phòng chống dịch để đạt miễn dịch cộng đồng và Bộ Y tế đã tập huấn đến 700 điểm cầu về an toàn tiêm chủng để phục vụ cho chiến dịch tiêm chủng quốc gia, Thứ trưởng đề nghị Sở Y tế Nghệ An tiếp tục tập huấn cho toàn tuyến về công tác tiêm chủng.
Trong qúa trình tiêm chủng, nhân viên y tế cần tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn về quy trình chuyên môn để đảm bảo tiêm chủng an toàn. Tỉnh tập trung dồn lực để tiêm chủng mũi 1. Phải ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch, trong đó có tiêm chủng.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên kiểm tra nhân viên y tế BVĐk TP Vinh về quy trình tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 Ảnh:Từ Thành
Về những đề xuất của tỉnh liên quan đến trang thiết bị và vật tư chống dịch, Thứ trưởng đề nghị có văn bản báo cáo về Bộ Y tế. Bộ sẽ giao các đơn vị liên quan tiếp nhận và trao đổi với tỉnh cách biện pháp thực hiện phù hợp.
Tại buổi làm việc, đại diện Công đoàn ngành Y tế đã trao tặng ngành y tế Nghệ An 70 triệu đồng tiền mặt và một số trang thiết bị chống dịch.
Đại diện Công đoàn Y tế Việt Nam trao quà tặng ngành y tế tỉnh Nghệ An chống dịch Ảnh:Từ Thành
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng thông tin, thông qua Bộ Y tế, tuần tới 1 doanh nghiệp khác thông qua Bộ Y tế sẽ hỗ trợ tỉnh Hà Tĩnh 5000 test nhanh.
Trước đó, sáng cùng ngày, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đã đến kiểm tra hai đơn vị bắt đầu tổ chức triển khai tiêm vắc xin theo chiến dịch tiêm chủng là BVĐK TP Nghệ An và CDC Nghệ An. Đồng thời kiểm tra kho bảo quản vắc xin tại CDC Nghệ An.
Tại buổi làm việc, Trung tướng Nguyễn Doãn Anh- Tư lệnh Quân khu 4 chia sẻ: Để phục vụ chiến dịch tiêm chủng quốc gia, Bộ Quốc phòng đã yêu cầu ngoài các kho của quân khu, mỗi bộ chỉ huy quân sự của các tỉnh, thành phố phải chuẩn bị kho bảo quản vắc xin khoảng 1.500m2; cùng đó quân đội phải chuẩn bị sẵn về lực lượng, phương tiện vận chuyển, đội ngũ lái xe, nhân viên y tế… để phục vụ chiến dịch tiêm chủng.
Hiện Quân khu 4 đã có kế hoạch thiết lập 2 bệnh viện dã chiến cho các địa phương thuộc quân khu quản lý, đó là 1 bệnh viện tại Quảng Bình và 1 bệnh viện tại Nghệ An với quy mô 200 giường/bệnh viện.