Thực tế kiểm tra cho thấy các gian hàng tại đây đã không còn bầy bán sản phẩm phụ gia thực phẩm đựng trong túi nilon, không nhãn mác.
Tuy nhiên, tại sạp số 22 chuyên kinh doanh “bơ sữa - hương liệu - bột màu”, ông Long và đoàn kiểm tra phát hiện sản phẩm bột màu trắng Titanium Dioxide (phụ gia thực phẩm) được cửa hàng tự ý phân lẻ vào hộp 500g để bán cho khách, không đúng với định lượng trên sản phẩm gốc công bố là 25kg.
Tại sạp số 8 bán “hương liệu - bột màu”, cửa hàng xuất trình giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đã quá hạn.
Về việc này, ban quản lý chợ giải thích do đây là hộ kinh doanh nhỏ lẻ, do ngành công thương cấp giấy chứng nhận nhưng đến nay phía công thương chưa cấp được.
Khi Thứ trưởng hỏi, đa số các tiểu thương đều không biết vào ngày 1/7 sắp tới, việc kinh doanh các chất cấm trong thực phẩm sẽ bị xử lý hình sự và có mức phạt tù lên đến 20 năm.
Ông Long đề nghị Ban quản lý chợ Kim Biên in điều luật này ra phát cho từng tiểu thương và dán ở nhưng vị trí công cộng dễ trông thấy tại chợ.
Trước đó, trong sáng cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng đã làm việc với UBND quận 5 về Quyết định 38 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại quận, huyện, thị xã và phường, xã, thị trấn của thành phố Hà Nội và TPHCM.
Tại quận 5, Quyết định 38 được thí điểm ở phường 7 và phường 13. Theo báo cáo, trên địa bàn quận có 2.344 hộ kinh doanh thực phẩm.
Từ đầu năm đến nay, quận đã thanh tra 12 cơ sở, phát hiện 4 cơ sở vi phạm và đã xử phạt 37,5 triệu đồng.
Theo UBND quận 5, khó khăn khi triển khai Quyết định 38 là quy trình thủ tục thanh tra phức tạp, không phản ánh đúng thực trạng vệ sinh an toàn thực phẩm do phải gửi thông báo trước 5 ngày.
Ngoài ra, do nhân sự còn hạn chế về số lượng và trình độ, kỹ năng test nhanh chưa thuận thục nên chưa tự tin thi hành nhiệm vụ.
Địa phương cho rằng việc triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP cho quận phường không thuận lợi bằng việc thực hiện kiểm tra kiên ngành (?).
Nghe xong các “khó khăn và kiến nghị” của UBND quận 5, ông Long khá bức xúc vì cho rằng tất cả những “vướng mắc” mà địa phương nêu, đều đã được Quyết định 38 tháo gỡ.
Thậm chí còn trao quyền cao hơn cho quận huyện, phường xã thị trấn làm tốt việc kiểm tra, thanh tra như ngoài thanh tra theo kế hoạch, còn cho phép cá nhân một thanh tra có thể thanh tra độc lập, thanh tra đột xuất những nơi kinh doanh có dấu hiệu nghi ngờ.
Hoặc Quyết định 38 cho địa phương giữ lại 100% tiền xử phạt để cân đối kinh phí khi làm nhiệm vụ… Nếu địa phương không làm, ông Long cho biết sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế có ý kiến với UBND TPHCM và Thủ tướng Chính phủ.
Thí điểm thanh tra an toàn thực phẩm tại TPHCM: Kết quả còn khiêm tốn
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM cho biết, sau hơn 3 tháng triển khai Quyết định 38 về việc thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm trên địa bàn, kết quả còn “khiêm tốn”.
Tính đến 21/3, đã tiến hành thanh tra 251 đợt, phát hiện 47 cơ sở vi phạm. Đã tiến hành xử lý phạt tiền 36 cơ sở với tổng số tiền phạt là 153.350.000 đồng, còn lại 11 cơ sở đang trong quá trình xử lý. Ngoài ra, còn 79 cơ sở bị nhắc nhở.
Theo chi cục, khi Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 38/2015/QĐ-TTg về việc triển khai công tác thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm, TPHCM đã nhanh chóng triển khai thí điểm tại 10 phường, thuộc 5 quận huyện (3 quận nội thành và 2 huyện ngoại thành).
Chi cục đánh giá những con số trên, so với thực tế hiện nay thì như “muối bỏ biển”. Bởi hiện số cơ sở, số người hành nghề liên quan đến thực phẩm rất lớn, mỗi phường có cả ngàn cơ sở, làm sao cho xuể.
Nhưng nghĩ thanh tra chuyên trách như thế thì chưa công bằng và “tiêu cực”. Tuy nhiên, việc thành lập, triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm chuyên trách là hết sức cần thiết và phù hợp cho bối cảnh hiện nay.