Giết nhau bằng hóa chất
Sáng 19/4, chúng tôi trở lại chợ Kim Biên trong vai người đi tìm nguyên liệu về mở quán cà phê vỉa hè.
Đoạn đường Vạn Tượng và bên trong chợ Kim Biên chật kín người mua kẻ bán các loại hóa chất, chất tẩy rửa, phẩm màu công nghiệp.
Cảnh mua bán ở đây diễn ra khá nhanh gọn, người mua chỉ cần nói ngắn gọn tên hóa chất, mua số lượng bao nhiêu là nhân viên nhanh tay sang chiết vào can nhỏ trong tích tắc.
Nếu khách đi xe máy, chỉ cần ngồi trên xe là có nhân viên ra chào hỏi và giao hàng.
Dừng xe trước cửa hàng hoá chất M.H trên đường Vạn Tường, người đàn ông chạy ra: “Mua gì em, mua gì vào đây anh chỉ cho, hương liệu nào anh cũng có hết”.
Thấy khách nói mua các loại hương liệu về mở quán cà phê, chủ sạp nói: “Anh có hương liệu hương cà phê chồn, hương cà phê, hương vani, hương dâu. Bao nhiêu cũng có”.
Người này sau đó còn tư vấn: “Em bán cà phê lề đường thì cần gì phải dùng cà phê nguyên chất, ở đây anh có cà phê tinh chất, chỉ cần vài giọt là em có ly cà phêm thơm lừng”.
Nói xong người này vào trong lấy một chai nước màu đen khịt ra đưa cho khách, với giá bán 1 lít 400 nghìn đồng, còn bán lẻ 50 nghìn 100ml.
“Loại này 1 lít có thể pha được mấy chục lít cà phê, muốn có hương vị gì thì thêm phần hương liệu vào như hương cà phê chồn, hương robusta, hương moka…”- người đàn ông nói.
Nằm sát sạp M.H cũng là một sạp chuyên bán hương liệu với đủ các loại từ dùng cho thực phẩm đến pha chế nước uống, cà phê.
Bà Y. chủ sạp giới thiệu, các loại nước khác như trà sữa, sữa đậu nành… cũng có hương liệu dành riêng để chế biến.
“Em mua 1 kg bột đậu nành giá 55 nghìn đồng về có thể pha được hơn 50 lít sữa đậu nành vừa nhanh lại vừa tiện, mùi thơm không khác gì sữa đậu nành thật”, bà Y. giới thiệu.
Người này còn giới thiệu thêm các loại hương liệu chế biến thực phẩm như hương thịt bò, đà điểu…
Quay qua bịch hóa chất dạng bột màu trắng, người này cho biết, với thịt heo ôi, chỉ cần một ít bột này, rắc lên xung quanh bề mặt miếng thịt rồi thoa đều, để một thời gian là thịt sẽ tươi ngon, săn chắc trở lại, màu không khác gì thịt mới làm xong.
“Muốn nấu phở bò, làm bò kho thì chỉ cần ướp thịt heo với hóa chất này, sau đó dùng hương liệu bò cho chung vào nồi nước sốt nữa là xong, không ai có thể phân biệt được”- bà Y. quảng cáo.
Bất lực
Ông Khương Trần Phúc Nguyên, Trưởng phòng Thanh tra Chi cục Thú y TPHCM cho biết, qua các đợt kiểm tra về thực phẩm bẩn ở TPHCM, nhiều cơ sở chế biến thực phẩm bẩn như ngâm thịt heo vào hóa chất để biến thành thịt bò, ngâm măng chua vào chất vàng ô để tạo màu bắt mắt… khai rằng, họ mua các loại hóa chất này ở chợ Kim Biên.
Tuy nhiên, các cơ sở này chỉ khai mua ở chợ Kim Biên chứ không khai rõ mua ở sạp nào, ai là chủ.
“Họ làm ăn đã móc nối hết với nhau rồi, không bao giờ khai ra chủ cơ sở bán hóa chất cho cơ quan chức năng mà chỉ khai chung chung như mua ở chợ Kim Biên, khu vực Chợ Lớn…
Hơn nữa, cơ quan thú y không có chức năng xử lý cơ sở kinh doanh hóa chất mà chỉ tập trung vào thú y nên việc kiểm soát hóa chất đưa vào chế biến thực phẩm cũng gặp nhiều khó khăn” ông Nguyên nói.
Ông Phan Hoàn Kiếm- Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TPHCM nói: Thời gian qua, nơi đây phát hiện nhiều vụ cơ sở kinh doanh hoá chất không có chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với các loại hóa chất kinh doanh có điều kiện, không xây dựng biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất theo quy định.
Riêng trong quý I năm 2016, Chi cục Quản lý thị trường TPHCM đã phát hiện 15/19 vụ vi phạm.
Trong đó, có 7 cơ sở kinh doanh hơn 5 tấn hóa chất nhập lậu có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, 1 cơ sở buôn bán 200kg hóa chất hết hạn sử dụng.
Ông Nguyễn Việt Hùng - Đội trưởng Đội quản lý thị trường 1A (Chi Cục quản lý thị trường TPHCM) cho biết, Đội có chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và an toàn thực phẩm, nhưng lực lượng quản lý thị trường còn gặp khó khăn, vướng mắc là do quy định chưa phù hợp thực tế, thiếu đồng bộ.
Lực lượng quản lý thị trường không có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt hành chính trong một số lĩnh vực quan trọng, gắn liền với chức năng nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, hiện tại đơn vị cũng chưa có kho tạm giữ riêng biệt tang vật, phương tiện vi phạm là hóa chất nguy hiểm, độc hại phải đảm bảo điều kiện lưu giữ, gây khó cho công tác tạm giữ tang vật.
Hơn nữa, hóa chất là hàng hóa đặc biệt nên có số lô, ký hiệu, mã số riêng cùng hóa đơn, tờ khai hải quan nhập khẩu, chứng nhận chất lượng, chứng nhận xuất xứ của hàng hóa…
Cơ quan chức năng muốn phát hiện một lô hàng nào là hàng lậu, hết hạn sử dụng phải tập hợp đủ các yếu tố trên mới xác định được.
Tuy nhiên, vì lợi nhuận, nhiều loại hóa chất hết hạn sử dụng đã được các đối tượng bỏ bao bì, xoay vòng hóa đơn để hợp thức hóa.
Lực lượng chức năng nhiều nơi chỉ đối chiếu hóa đơn, tờ khai hải quan như hàng hóa thông thường thì không thể phát hiện vi phạm.
Theo ông Phan Hoàn Kiếm, trong năm 2015 và quý I/2016, Chi cục Quản lý thị trường TPHCM kiểm tra 70 vụ với 59 công ty, doanh nghiệp tư nhân và 11 hộ kinh doanh hóa chất trên địa bàn TPHCM; đã phát hiện hơn 70 tấn hóa chất công nghiệp nhập lậu, nhiều đơn vị kinh doanh hóa chất đã hết hạn sử dụng và không có nhãn mác, xử phạt hơn 1 tỷ đồng.
Sẽ sớm di dời
Tại nhiều kỳ họp HĐND TPHCM, vấn đề di dời chợ hoá chất Kim Biên đã được các đại biểu, cử tri chất vấn lãnh đạo các cơ quan chức năng và UBND thành phố nhưng đến nay tình hình vẫn chưa có chuyển biến.
Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 19/4, đại diện Sở Công Thương TPHCM cho biết, việc di dời chợ hóa chất Kim Biên đã được xem xét từ nhiều năm trước.
Cuối năm 2014, sau khi xảy ra vụ nổ hóa chất tại công ty phân bón Đặng Huỳnh (quận 12), chủ tịch UBND TPHCM lúc ấy là ông Lê Hoàng Quân đã giao Sở Công Thương chủ trì xây dựng đề án quy hoạch trung tâm kinh doanh hóa chất để di dời các hộ sản xuất, kinh doanh hóa chất ra khỏi khu dân cư ngay trong năm 2014, nhưng không thực hiện được.
Tháng 7/2015, UBND TPHCM ban hành quy chế phối hợp quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất và tiếp tục hối thúc các sở ban ngành và UBND các quận, huyện rà soát, tiến hành quy hoạch khu kinh doanh hoá chất tập trung để di dời các cơ sở kinh doanh hóa chất, trong đó có quầy kinh doanh hoá chất tại chợ Kim Biên.
Tuy nhiên, đơn vị tìm vị trí vẫn chưa hoàn thành phương án và kế hoạch di dời.
Sáng 19/4, ông Huỳnh Công Hùng, Ủy viên thường trực HĐND TPHCM cho biết, những vấn đề tồn tại của chợ Kim Biên đã cơ bản giải quyết xong.
HĐND và UBND TPHCM đang tập trung giải quyết việc di dời chợ trong thời gian sớm nhất.
Huy Thịnh - Văn Minh