Thứ trưởng Bộ Nội vụ nói về ý kiến nên quy định không bổ nhiệm người nhà làm lãnh đạo

Tuệ Minh |

Theo Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, việc bổ nhiệm cán bộ ngoài "đúng quy trình", còn có những yếu tố khác như: Tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục, thẩm quyền và những điều cấm.

Bên lề buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 29/10, ông Trần Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã có những chia sẻ với báo giới về những vấn đề liên quan đến những thông tin bổ nhiệm cán bộ đang được dư luận quan tâm trong thời gian qua.

Trước ý kiến của Uỷ ban Tư pháp cho rằng nên quy định là không bổ nhiệm người nhà, người thân vào những vị trí lãnh đạo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nói:

"Trước hết là phải thực hiện theo đúng quy định về trách nhiệm của người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong việc bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo quản lý thuộc phạm vi mình phụ trách đối với một số vị trí thôi.

Còn việc hoàn thiện để tránh việc bổ nhiệm người nhà, người thân, quan điểm của tôi là: Phải đảm bảo việc bổ nhiệm đúng quy định của pháp luật trong đó có cả pháp luật về phòng chống tham nhũng. Thứ hai là phải theo quan điểm như Thủ tướng đã nói: "Tìm người tài, không tìm người nhà".

Trong xã hội chúng ta, công tác cán bộ là tuyển chọn những người vào làm việc trong cơ quan, tổ chức được thực hiện theo nguyên tắc là ai có đủ đức, đủ tài thì đều được sử dụng và thực hiện theo quy định của pháp luật".

Về cụm từ "đúng quy trình" vẫn hay được nhắc đến, theo ông Trần Anh Tuấn, nói như vậy không sai nhưng chưa đầy đủ bởi còn những yếu tố khác như: Tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục, thẩm quyền và những điều cấm.

Và tất cả những việc làm sai khi bị phát hiện, bị xử lý và công bố công khai thì sẽ là những bài học cho các cơ quan, tổ chức khác tránh không vướng vào các sai phạm tương tự.

Ngay trước đó, tại buổi họp báo, liên quan đến thông tin 44/46 người ở Sở LĐ, TB&XH tỉnh Hải Dương làm lãnh đạo cấp phó phòng trở lên, ông Trần Anh Tuấn cho hay:

"Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo giao Bộ Nội vụ tiến hành các hoạt động thanh tra công vụ để xác minh các thông tin mà báo chí và dư luận đã phản ánh.

Trên cơ sở đó đánh giá những việc thực hiện bổ nhiệm cán bộ công chức giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý xem có đúng các quy định của pháp luật không.

Và trên cơ sở đó, căn cứ vào từng vụ việc một, mức độ, tính chất vi phạm đến đâu thì sẽ kiến nghị với các cơ quan xem xét xử lý đến đó".

Ông Tuấn cho hay, đối với thông tin 44/46 người được bổ nhiệm lãnh đạo, Bộ Nội vụ cũng đã khẩn trương chỉ đạo và ban hành Quyết định số 672 ngày 24/10/2016 về việc tiến hành thanh tra đột xuất.

Nội dung thanh tra là việc thực hiện các quy định của pháp luật về tuyển dụng công chức, viên chức, bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo cấp phòng, số lượng phó trưởng phòng và việc ký hợp đồng làm công tác chuyên môn tại Sở LĐTB&XH tỉnh Hải Dương.

Việc thanh tra đột xuất này sẽ tiến hành trong thời kỳ từ ngày 1/1/2014 đến 15/10/2016 và thời hạn thanh tra là 45 ngày làm việc, kể từ ngày công bố quyết định thanh tra.

Ông Tuấn cũng cho biết: "Về trách nhiệm của Bộ Nội vụ, hiện trước mắt Bộ Nội vụ tiến hành thanh tra đối với các vụ việc mà báo chí đã nêu, không chỉ riêng với Sở LĐTB&XH tỉnh Hải Dương mà còn ở một số bộ, ngành và địa phương khác.

Bên cạnh đó, để khắc phục những vấn đề mà báo chí và dư luận nêu liên quan đến công tác tổ chức cán bộ, công chức, Bộ Nội vụ đang tiến hành rà soát lại các nghị định của Chính phủ hướng dẫn Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức.

Trên cơ sở đó có những sửa đổi, bổ sung để bảo đảm quản lý chặt chẽ và nâng cao chất lượng bổ nhiệm, tránh được những vấn đề mà dư luận và báo chí đã phản ánh".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại